Sợ "tinh binh" dính ở quần mình có thể dây vào tay bạn
gái, rồi vô tình chui vào chỗ kín của nàng và thụ thai. Sau mỗi lần
mộng tinh, Tùng thay đồ rồi đem bọc vào túi nilong, để 2-3 ngày sau mới
giặt để tinh trùng chết hẳn.
Những tưởng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện
nay, sẽ không còn những chuyện cười ra nước mắt về sự thiếu hiểu biết
của thanh thiếu niên trước vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục nhưng
thực tế lại không phải vậy.
Như chuyện của Tùng, 19 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội là một ví dụ.
Tùng đã có bạn gái. Thỉnh thoảng cậu hay bị xuất tinh
trong đêm sau những giấc mơ "lãng mạn". Sáng dậy, Tùng thường thay quần
áo, tắm rửa sạch sẽ, bỏ đồ vào túi nilong rồi buộc kỹ, để 3 ngày sau
mới đem ra giặt vì muốn "tinh binh" của mình chết hết. Tùng lo nếu lỡ
tinh trùng dính trên quần áo còn sống thì có thể khi cậu ôm bạn gái
hoặc hai người ngồi gần nhau, chúng sẽ dính vào tay người yêu và từ đó
có khi lại chui vào vùng kín của nàng... để làm tổ, thụ thai.
Cũng có cách hiểu ngô nghê về chuyện này, Huyền, Đông Anh, Hà Nội còn gặp phải tai nạn nặng nề.
Bạn trai của Huyền học cùng lớp cấp 3 với em. Sau hơn
2 tháng yêu, cậu bạn đòi quan hệ, Huyền cũng tò mò nên hai đứa thử "nếm
trái cấm" mà không sử dụng phương pháp tránh thai nào. Sau đó, nghĩ tới
chuyện có thể có em bé, Huyền và người yêu mới hốt hoảng tìm phương kế.
Rồi Quang, bạn trai của cô nói có đọc ở đâu đó viết
rằng tinh trùng sẽ chết trong môi trường axit nên bảo bạn gái nhét
miếng chanh vào âm đạo. Ban đầu, Huyền không làm theo vì sợ, nhưng rồi
nghe Quang giải thích, lại lo sẽ có bầu nên cũng nhắm mắt nghe lời
người yêu.
Không ngờ, miếng chanh vào quá sâu, Huyền không lấy
ra được và mấy hôm sau em thấy đau rát, ngứa vùng kín nên đi khám. Tại
phòng khám, các bác sĩ cho biết Huyền bị viêm nhiễm và đã lấy miếng
chanh ra cho em, giải thích để cô bé hiểu vật này chẳng có tác dụng gì
trong việc tránh thai và có thể làm tổn thương vùng kín.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi, Khoa tâm lý,
Đại học Sư phạm Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều
vị thành niên còn hiểu biết ngô nghê về sức khỏe sinh sản hay tình dục.
Hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin về vấn đề này nhưng không phải
nguồn nào cũng chứa đựng những kiến thức đúng đắn và chính xác. Vì thế,
nếu không có sự định hướng, các em sẽ dễ bị "lạc đường" và tiếp nhận
những nguồn tin không đúng. Ngoài ra, các địa chỉ chính thống để thanh
niên tìm hiểu về vấn đề mình quan tâm lại không nhiều và cũng chưa được
đông đảo các em biết tới.
Bên cạnh đó, nội dung giáo dục giới tính trong trường
học hiện nay vẫn còn mang nặng tính lý thuyết, chưa giải đáp được những
băn khoăn, tò mò của các em về các vấn đề cụ thể.
Còn trong gia đình, nhiều bậc phụ huynh chưa cởi mở
khi trao đổi với con về "chuyện người lớn", thậm chí có người còn cấm
đoán, không muốn con tìm hiểu vì sợ trẻ "biết sớm hư sớm".
Trong quá trình tư vấn sức khỏe sinh sản cho vị thanh niên, nhà tâm lý Mùi gặp không ít câu hỏi bi hài quanh chuyện này.
Như cô bé Xuân Lan, Từ Liêm, Hà Nội là ví dụ. Lan đến
xin tư vấn trong tâm trạng rất bối rối. Cô bé 16 tuổi đang lo mình có
thai vì mới... đi bơi.
Chuyện là, Lan hay đi bơi ở một trung tâm thể dục thể
thao gần trường và thường cũng chẳng lo nghĩ gì. Nhưng tháng trước, cô
nghe mấy người bạn gái thì thầm với nhau rằng, những anh chàng đi bơi
có thể xuất tinh ngay dưới nước khi nhìn thấy thân hình hấp dẫn của các
cô gái ở bể bơi. Và Lan lo sợ, nhỡ đâu, một vài con tinh trùng của ai
đó có thể bơi tới và chui vào vùng kín của em rồi... đậu lại và thụ
thai.
Không hiểu do lo lắng quá hay vì vấn đề gì khác mà
chu kỳ tháng đó của Lan lại chậm mấy ngày khiến cô bé càng hốt hoảng.
Lan đã tìm đến một trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản để thử thai thì
kết quả âm tính nhưng vẫn cô bé chưa hết sợ bèn gọi điện hỏi chuyên gia
tư vấn.
Theo chuyên gia tư vấn Đoàn Thị Hương, Trung tâm tham
vấn tâm lý Share (Giang Văn Minh, Hà Nội), những tình huống bi hài hay
các thắc mắc ngô nghê như trên chị thường xuyên gặp trong quá trình tư
vấn cho các bạn trẻ về sức khỏe sinh sản mấy năm trước. Còn gần đây,
nhận thức của vị thành niên về vấn đề này đã được nâng cao hơn dù vẫn
còn không ít em, chủ yếu là ở vùng nông thôn, chưa hiểu đúng về một số
vấn đề như chuyện tránh thai, quan hệ tình dục an toàn...
Chị Hương cũng giải thích về những thắc mắc của các
bạn trẻ trong bài viết, rằng, thông thường, tinh trùng (có trong tinh
dịch) phải được phóng ra trong môi trường âm đạo thì mới thuận lợi để
di chuyển đi lên, qua cổ tử cung, tới vòi trứng và thụ tinh cho trứng.
Các "tinh binh" rất dễ chết khi ở môi trường không khí bên ngoài, thời
gian sống chỉ tính bằng vài chục giây. Vì thế chuyện tinh trùng dính
vào quần áo của người nam rồi dính sang tay cô gái hay từ trong nước bể
bơi chui vào âm đạo người nữ và thụ thai là không thể.
Tuy nhiên, theo chị, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là
đa số các câu hỏi của vị thành niên về sức khỏe sinh sản là lại là các
thắc mắc kiểu như "Sao bọn em mới sơ sơ bên ngoài thôi mà lại 'dính'
được?"; "Chúng em lỡ rồi biết làm sao đây" hay "tháng này em đã sử dụng
viên tránh thai khẩn cấp nhiều lần rồi, dùng thêm có sao không?"....
Điều này cho thấy tỷ lệ quan hệ trước hôn nhân và chưa có biện pháp
tránh thai an toàn ở vị thành niên khá cao. Và đây chính là nguyên nhân
gây ra tình trạng nạo phá thai ở phụ nữ chưa kết hôn rất cao ở nước ta
hiện nay.
Theo các chuyên gia, các bạn
trẻ nên tìm đến những website hoặc các trung tâm tư vấn giới tinh chính
thống để có được thông tin xác thực và tin cậy. Chẳng hạn, thông tin về
sức khỏe sinh sản, giới tính có trên các website như gioitinhtuoiteen.org.vn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM hay tuvantuoihoa.org.vn (được thực hiện nhờ tài trợ của một quỹ từ Australia hoặc tamsubantre.org
của Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Y tế... Ngoài ra, một số trung tâm tư
vấn như Trung tâm Ngôi nhà Tuổi trẻ ở số 5 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân,
Hà Nội hay Tổ chức Phát triển cộng đồng Ánh Sáng (Số 4 nhà A2 Nguyễn
Khánh Toàn, Ba Đình, Hà Nội)... cũng có thể giúp bạn giải tỏa các thắc
mắc về vấn đề này.
Minh Thùy/ Theo Vnexpress