Nghiên cứu SỐC: 1 kiểu cha mẹ tưởng tốt nhưng lại làm ảnh hưởng tới thể chất của con
Về lâu dài, các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, thậm chí cả ung thư.
Một nghiên cứu quốc tế quy mô lớn được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports cảnh báo rằng việc cha mẹ quá kiểm soát và bao bọc con trong thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm khi trưởng thành.
Nghiên cứu do nhóm học giả từ Đại học Federal University of São Carlos (Brazil) và University College London (Anh) thực hiện, sử dụng dữ liệu từ hơn 940 người cao tuổi trong dự án English Longitudinal Study of Ageing (ELSA).
Kết quả cho thấy, những người từng lớn lên trong gia đình có cha mẹ kiểm soát quá mức có nguy cơ tử vong sớm (trước 80 tuổi) cao hơn đáng kể so với những người có tuổi thơ ổn định và được chăm sóc hợp lý.

Ảnh minh hoạ
Cụ thể, nam giới có cha quá kiểm soát có nguy cơ tử vong trước tuổi 80 cao hơn 12%, trong khi con gái trong cùng hoàn cảnh có nguy cơ tăng 22%.
Tác động sâu rộng tới sức khỏe thể chất và tinh thần
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc lớn lên trong môi trường bị kiểm soát quá mức dễ dẫn đến những hệ quả tâm lý tiêu cực như lo âu, trầm cảm, thiếu tự tin và kỹ năng đối mặt với áp lực. Về lâu dài, các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, thậm chí cả ung thư.
Một nghiên cứu khác công bố trên Journal of Public Health (Thụy Sĩ) năm 2019 cho thấy, những người trưởng thành từng có cha mẹ kiểm soát quá chặt trong tuổi thơ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn nhóm đối chứng.
Còn theo các nhà khoa học, một trong những cơ chế quan trọng dẫn đến nguy cơ tử vong sớm ở những người từng bị bao bọc quá mức là stress mãn tính. Khi trẻ không được phép tự lập hoặc trải qua thất bại, hệ thần kinh giao cảm có thể hoạt động quá mức, dẫn đến tình trạng sản sinh hormone cortisol kéo dài – một yếu tố liên quan đến nhiều bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, tim mạch, và rối loạn chuyển hóa.
Một đứa trẻ không được phép tự giải quyết vấn đề sẽ lớn lên trong trạng thái lệ thuộc, dễ lo lắng. Những phản ứng tâm lý tiêu cực này tích tụ dần và trở thành yếu tố nguy cơ cho sức khỏe tinh thần và thể chất.
Trẻ cần được thử và sai để trưởng thành
Nhiều cha mẹ hiện nay có xu hướng "nuôi con kiểu quản lý rủi ro", nghĩa là tìm mọi cách để con không vấp ngã, không va chạm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc để con trải nghiệm và thậm chí thất bại trong khuôn khổ an toàn là cách hiệu quả để trẻ rèn luyện khả năng phục hồi (resilience) – yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần, đồng thời nâng cao chất lượng sống khi trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị cha mẹ nên hướng đến một phong cách nuôi dạy "hỗ trợ nhưng không kiểm soát". Việc tạo điều kiện cho con đưa ra quyết định, tự giải quyết vấn đề và chấp nhận rủi ro nhỏ trong đời sống hàng ngày có thể giúp trẻ phát triển tâm lý lành mạnh và cải thiện sức khỏe dài hạn.
Một môi trường thời thơ ấu có sự quan tâm đúng mức, không kiểm soát quá mức sẽ góp phần hình thành những người trưởng thành khỏe mạnh, có khả năng phục hồi tốt trước biến cố cuộc sống.
Việc cha mẹ yêu thương và bảo vệ con là điều tự nhiên, nhưng khi tình yêu thương chuyển thành kiểm soát quá mức, hậu quả có thể kéo dài suốt đời – thậm chí rút ngắn cả tuổi thọ. Thay vì "làm thay" con, hãy để trẻ được thử, được sai, được học từ chính cuộc sống. Đó là cách nuôi dạy vừa nhân văn, vừa khoa học để xây dựng một thế hệ khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần.