Nghịch lý Hà Nội: Nhà ở xã hội, tái định cư "hàng lướt" xuống cấp giá "trên trời", chung cư đất vàng lại bỏ hoang

PV,
Chia sẻ

Trong khi nhiều người chật vật mãi không có nhà để ở thì nhiều chung cư ở Hà Nội lại bỏ hoang cả chục năm.

Nhà ở xã hội, tái định cư, giá "cao cấp"

Khoảng 10 năm trước, những căn hộ chung cư thuộc diện nhà ở xã hội như Rice City (Linh Đàm), Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), Ecohome (Bắc Từ Liêm)... hầu hết có giá chưa tới 15 triệu đồng/m2. Đến nay, đã tăng gấp 2-3 lần. Cá biệt có nhiều khu được rao bán tới 50-60 triệu/m2, ngang ngửa các dự án thương mại, thậm chí tiệm cận cao cấp. 

Nghịch lý Hà Nội: Nhà ở xã hội, tái định cư "nát bươm" 60 triệu/m2, chung cư "đất vàng" lại bỏ hoang cả chục năm - Ảnh 1.

Rice City Linh Đảm (Ảnh: Tiền Phong)

Không khó để tìm thấy các tin rao bán căn hộ trên các trang mạng, giá "trên trời". Khảo sát mới đây của báo Tiền Phong cho hay, các căn hộ tại Rice City được rao bán với giá từ 54-59 triệu đồng/m2, tại dự án 987 Tam Trinh (Hoàng Mai) khoảng 50-53 triệu đồng. Tại Khu đô thị Đặng Xá, giá căn hộ được rao bán khoảng 40 triệu đồng/m2, ở Ecohome là khoảng 47-52 triệu đồng - theo báo Dân Việt. Đáng nói các căn hộ này đã qua sử dụng trên dưới 10 năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Một thực tế khá phi lý với phân khúc nhà ở "bình dân" vốn dành cho người thu nhập thấp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này được nhận định do "lệch pha cung cầu". Phân khúc nhà ở cao cấp khó tiếp cận với số đông đang thừa, còn nhà ở bình dân lại thiếu. Việc "khan hàng" khiến giá các căn hộ trong khảo sát vừa đề cập ở trên tăng "phi mã". Để giải quyết thực trạng này là điều không đơn giản. 

Nghịch lý Hà Nội: Nhà ở xã hội, tái định cư "nát bươm" 60 triệu/m2, chung cư "đất vàng" lại bỏ hoang cả chục năm - Ảnh 2.

Khu tái định cư A6 Nam Trung Yên gồm 4 tòa nhà cao 11 tầng với 440 căn hộ (Ảnh: Dân Việt)

Không chỉ riêng nhà ở xã hội, các khu nhà tái định cư cũng ghi nhận tình trạng "bão giá". Như khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy), sau 15 năm đi vào hoạt động đã dần xuống cấp, tường cả bên ngoài và phía trong căn hộ lở loét, bong tróc, thấm dột nhưng các căn hộ vẫn được rao bán lên tới 60 triệu đồng/m2 - theo khảo sát qua các trang mạng. Tại khu tái định cư Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), một số căn hộ cũ đang được rao bán với mức giá từ 49-53 triệu đồng/m2...

Những "chung cư ma" nằm giữa đất vàng

Nhu cầu về nhà ở thực sự bức thiết, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Nhiều người loay hoay nhiều năm ròng vẫn chưa thể có chỗ an cư, nhất là khi thu nhập tăng không lại với giá nhà. Trong khi đó, lại có hàng nghìn căn hộ tái định cư nằm ở các vị trí đắc địa nhưng bị bỏ hoang, không có người ở. 

Nghịch lý Hà Nội: Nhà ở xã hội, tái định cư "nát bươm" 60 triệu/m2, chung cư "đất vàng" lại bỏ hoang cả chục năm - Ảnh 3.

Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân (Ảnh: Lao Động)

Dự án nhà ở tái định cư N01-D17 tại số 1 Duy Tân (Dịch Vọng, Cầu Giấy) là một ví dụ. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2010, dự kiến hoàn thành năm 2013 nhưng đến nay đã hơn 10 năm vẫn bỏ hoang, chưa thể đưa vào sử dụng.

Nằm cách đó không xa, dự án nhà ở tái định cư A14 thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (Yên Hòa, Cầu Giấy) cũng trong tình trạng tương tự. Dù đã hoàn thành từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa có người vào ở hết. Theo thời gian, 2 tòa nhà hoành tráng đã dần xuống cấp, một số nơi trở thành chỗ vứt rác, đi vệ sinh. 

Hay như khu tái định cư Đền Lừ III (Hoàng Mai), dù nằm ở vị trí đắc địa, giao thông thuận tiện với mặt tiền phố Tân Mai, đối diện hồ Đền Lừ, hoàn thiện từ năm 2017 đến nay vẫn "cửa đóng then cài". Do bỏ hoang lâu năm, nơi đây dần xuống cấp, hư hỏng. Nhiều cửa kính nứt vỡ, các mảng tường bong tróc. 

Nghịch lý Hà Nội: Nhà ở xã hội, tái định cư "nát bươm" 60 triệu/m2, chung cư "đất vàng" lại bỏ hoang cả chục năm - Ảnh 4.

Khu tái định cư Đền Lừ III (Ảnh: Lao Động)

Nghịch lý và sự lãng phí

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính riêng Hà Nội và TPHCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Việc này tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm. 

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về hiện trạng có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn chung cư vẫn còn bỏ hoang. Có những dự án tái định cư người dân đã về ở nhưng diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại… 

Những con số cho thấy một nghịch lý, khi người muốn có nhà lại không thể sở hữu nhà do giá tăng cao, người được bố trí nơi ở lại không muốn về ở, tạo ra sự lãng phí lớn mà ai cũng có thể thấy rõ.

Nghịch lý Hà Nội: Nhà ở xã hội, tái định cư "hàng lướt" xuống cấp giá "trên trời", chung cư đất vàng lại bỏ hoang - Ảnh 5.

Khu nhà tái định cư Đền Lừ (Ảnh: Tiền Phong)

Nguyên nhân được nhận định do vị trí của các khu tái định cư thường nằm cách khá xa nơi ở cũ của người dân, thiếu tiện ích nội khu khiến người dân không muốn dọn về ở do đã quen nếp cũ. Ngoài ra, chất lượng xây dựng cũng là một vấn đề khiến người dân ngần ngại, vừa vì lý do an toàn và vừa sợ giá trị căn hộ bị giảm.

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, các dự án tái định cư chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng do một số tồn tại, vướng mắc. Như việc các căn hộ đã được bố trí cho các dự án có giải phóng mặt bằng để công khai lập phương án và phê duyệt phương án. Tuy nhiên, do tiến độ các dự án có giải phóng mặt bằng bị chậm hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện, điều tra, khảo sát, các chủ đầu tư có dự án giải phóng mặt bằng chưa trình thành phố ban hành quyết định bán nhà.

Các dự án được thiết kế thi công theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trước đây, nay do thay đổi quy định về phòng cháy chữa cháy nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu.

Hay các dự án đã có quyết định thành lập cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19, chủ đầu tư đã hoàn thành các hạng mục công trình để phục vụ công tác phòng chống dịch và bàn giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô. Đến nay chưa được bàn giao lại cho chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào sử dụng để bố trí cho các hộ dân tái định cư theo quy định...

Trước tình trạng này, Sở Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp, trong đó đáng chú ý là phương án bán đấu giá để thu hồi vốn với dự án tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn căn hộ không sử dụng hoặc sử dụng không hết. Phương án này được người dân kỳ vọng sẽ gỡ "nút thắt" nhà tái định cư, vừa giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai vừa góp phần cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.

Chia sẻ