Nghĩ viêm nhiễm thông thường, ai ngờ đi khám phải cắt bỏ tử cung
Người phụ nữ 48 tuổi chủ quan nghĩ mình bị viêm nhiễm phụ khoa thông thường, đến lúc đi khám bệnh trở nặng, phải cắt bỏ tử cung.
Chị T.M.H, 48 tuổi, sống tại Hà Nội, gần đây gặp ra dịch âm đạo kèm ngứa. Nghĩ là viêm nhiễm thông thường nên chị không chú ý, nhưng suốt tháng qua, tình trạng này không thuyên giảm mà còn nặng thêm, dịch âm đạo ra nhiều và ngứa ngáy khó chịu hơn. Chị H quyết định đến bệnh viện thăm khám sau những phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày.
Chị H. được chỉ định khám phụ khoa, kết quả âm đạo của người phụ nữ nhiều dịch vàng, cổ tử cung có nang naboth, lộ tuyến và tăng sinh mạch.
Để xác định chính xác nguyên nhân gây ra những dấu hiệu bất thường, bác sĩ lấy mẫu dịch âm đạo của bệnh nhân xét nghiệm và sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Kết quả, chị H. dương tính với 12 type HPV nguy cơ cao. Thực hiện soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung xác định chị H. mắc ung thư biểu mổ vảy tại chỗ, chỉ định cắt toàn bộ tử cung.
Cầm kết quả trên tay, chị H. hoảng hốt không nghĩ mình lại mắc bệnh quái ác.
BSCKI. Dương Ngọc Vân, chuyên khoa Sản, Medlatec, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân cho biết, không chỉ chị H. mà còn rất nhiều trường hợp khác vô tình đi khám hoặc do xuất hiện các triệu chứng mơ hồ như ra huyết trắng, ra máu âm đạo khi quan hệ, lại phát hiện mắc các bệnh ung thư phụ khoa như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung.
“Đa số chị em còn chủ quan, ngại đi khám, đến khi xuất hiện dấu hiệu thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, thậm chí di căn nên việc điều trị khó khăn và hiệu quả thấp ”, bác sĩ Vân nói.
Ung thư cổ tử cung diễn biến thầm lặng trong thời gian dài, từ 15 đến 20 năm. HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Khoảng 200 type HPV khác nhau, trong đó type 16 và 18 là nguy hiểm nhất, chiếm 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. HPV có thể tự thoái lui trong 6 tháng đến 2 năm, nhưng nếu không phát hiện và tồn tại kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương tiền ung thư và nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện sớm sẽ tăng cơ hội chữa trị thành công cao.
Ở giai đoạn muộn, thời gian tiên lượng sống sau 5 năm rất thấp. Giai đoạn III, tỷ lệ sống trên 5 năm là 25-35%, giai đoạn IV, tỷ lệ sống dưới 15%. Vì vậy, phụ nữ đừng đợi có triệu chứng rồi mới đi khám mà nên chủ động đi khám tầm soát ung thư định kỳ.
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên thực hiện định kỳ từ 1-3 năm/lần, nhất là đối với những người có yếu tố nguy cơ cao như thói quen hút thuốc lá, quan hệ tình dục sớm, quan hệ với nhiều người, không an toàn, sinh con sớm, viêm cổ tử cung, mãn kinh.
Các phương pháp tầm soát bao gồm:
- Xét nghiệm tế bào học (Pap Test cổ điển/ ThinPrep): độ nhạy thấp 40-75%.
- Xét nghiệm HPV DNA: độ nhạy 99-100%, phát hiện 14 chủng HPV nguy cơ cao.
- Soi cổ tử cung: lấy mẫu làm giải phẫu bệnh xác định chính xác tế bào ác tính hay không.
- Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, chụp CT, MRI để đánh giá giai đoạn ung thư và phát hiện di căn.