Ngành học sang chảnh có điểm chuẩn xấp xỉ 30, mức lương “trên trời” nhưng nên cân nhắc

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Đây là ngành có cơ hội việc làm rộng mở với các vị trí việc làm đa dạng, không chỉ trong mà còn ngoài nước. Nhưng hãy suy nghĩ kỹ nếu bạn chọn chỉ vì điều này.

Đại học Ngoại thương là một trong những trường đào tạo khối ngành Kinh tế có mức điểm chuẩn cao nhất cả nước. Có thể nói ngành Kinh tế đối ngoại là "đặc sản" và làm nên tên tuổi của trường kinh tế danh giá này. Đây cũng là ngành học có điểm đầu vào rất cao.

Năm 2020, điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 28,6 điểm tổ hợp A00 tại trụ sở chính Hà Nội và 28,3 điểm tổ hợp A00 tại cơ sở 2 TP.HCM. Năm 2019, điểm trúng tuyển của nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế và Luật (NTH01) là 26,20, còn nhóm ngành Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh quốc tế (NTH02) là 26,25.

Ngành Kinh tế quốc tế trường Đại học Kinh Tế – Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2020 cũng lấy điểm chuẩn cao nhất trong các ngành, lên đến 34,50 (thang điểm 40). Trường ĐH Kinh tế quốc dân lấy điểm chuẩn ngành này là 27,75 điểm.

Ngành học “sang chảnh” năm nào cũng lấy điểm chuẩn xấp xỉ 30, mức lương “trên trời” nhưng đừng nộp hồ sơ nếu bạn chọn chỉ vì hai lý do này  - Ảnh 1.

Kinh tế đối ngoại đang là ngành học nhận được sự quan tâm lớn từ các bạn học sinh, sinh viên. Ảnh: Trần Bảo Ân.

Kinh tế đối ngoại là gì?

Kinh tế đối ngoại hay còn gọi là Kinh tế quốc tế có tên tiếng Anh là International Economics. Khái niệm Economics bao gồm các vấn đề liên quan đến tổng thể nền kinh tế như tình trạng thất nghiệp, lạm phát, tăng trưởng kinh tế... và liên quan tới nhiều chủ thể như cá nhân, doanh nghiệp nhà nước.

Đây là ngành học có lịch sử lâu đời tại các trường kinh tế Top đầu, gắn liền với những biến đổi của kinh tế Việt Nam, có mục tiêu đào tạo ra những con người có năng lực, đầy nhạy bén và tự tin trước những chuyển dịch của kinh tế trên toàn thế giới. Kinh tế đối ngoại đang là ngành học nhận được sự quan tâm lớn từ các bạn học sinh, sinh viên và cả phụ huynh nhờ có cơ hội việc làm rộng mở và mức thu nhập cao.

Ngành học “sang chảnh” năm nào cũng lấy điểm chuẩn xấp xỉ 30, mức lương “trên trời” nhưng đừng nộp hồ sơ nếu bạn chọn chỉ vì hai lý do này  - Ảnh 2.

Kinh tế đối ngoại có cơ hội việc làm rộng mở và mức thu nhập cao.

Những người làm việc trong lĩnh vực Kinh tế đối ngoại có mức lương khá cao so với các ngành nghề khác. Đối với sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty, doanh nghiệp sẽ có mức lương khởi điểm từ 7 - 10 triệu/ tháng, có kinh nghiệm từ 15 - 20 triệu/ tháng. Ở cấp quản lý hoặc có nhiều năm kinh nghiệm, mức lương có thể cao hơn nhiều.

Học Kinh tế đối ngoại ra làm ở đâu?

Sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại sau khi ra trường sẽ có nhiều lợi thế về ngoại ngữ cùng chuyên môn vững vàng và các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết khác để có thể dễ dàng xin được những công việc phù hợp trong lĩnh vực này.

Bạn có thể trở thành Chuyên viên xuất nhập khẩu, Nhân viên kinh doanh, Chuyên viên hoạch định chính sách, Chuyên viên nhập hàng, Chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy các các lĩnh vực liên quan đến Kinh tế đối ngoại... tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở tất cả các lĩnh vực có trao đổi, mua bán với các đối tác nước ngoài (Phòng xuất nhập khẩu).

Ngành học “sang chảnh” năm nào cũng lấy điểm chuẩn xấp xỉ 30, mức lương “trên trời” nhưng đừng nộp hồ sơ nếu bạn chọn chỉ vì hai lý do này  - Ảnh 3.

Trường Đại học Kinh tế – Luật là một trong những trường đào tạo ngành Kinh tế đối ngoại.

Các bộ phận KTĐN, hợp tác quốc tế…của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương (các Bộ, Ban, Ngành, Sở…). Viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trên cả nước có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế…

Không nên lựa chọn ngành Kinh tế đối ngoại khi...

Tuy là ngành học sang chảnh, có mức lương cao hơn so với mặt bằng nhưng lời khuyên là bạn đừng chọn ngành Kinh tế đối ngoại nếu chỉ vì điểm đầu vào, hay chỉ vì cái tên. Kinh tế đối ngoại là một ví dụ kinh điển cho việc rất nhiều bạn trẻ lựa chọn ngành học dựa trên điểm số và danh tiếng, để rồi vỡ mộng khi thấy bản thân không hợp với chương trình học.

Khi học Kinh tế đối ngoại, bạn sẽ học chủ yếu về các nghiệp vụ xuất nhập khẩu và học rất ít về lĩnh vực kinh doanh. Nếu bạn là người năng động, có đam mê với kinh doanh hoặc khởi nghiệp hãy suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn.

Một cựu sinh viên Kinh tế đối ngoại chia sẻ: "Học kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, ngoại thương, quản trị, marketing... nghe sang chảnh nhưng mới ra trường chủ yếu làm Sale, sau đó tùy năng lực và ngoại hình của mỗi người mà thăng tiến; hơn nữa, công việc đòi hỏi sự kiên trì và năng khiếu, rất dễ nản. 

Nên cố gắng thực tập, đi làm từ những năm đầu đại học, đó như là luật bất thành văn nếu bạn muốn làm cho những công ty, doanh nghiệp luôn đòi hỏi 2 năm kinh nghiệm hoặc hơn. Còn không, hãy thử làm ở mọi vị trí từ phục vụ bàn, dạy kèm, PG,... rồi đến các công việc liên quan chuyên ngành mình học để tích luỹ vốn sống cho bản thân".

Chẳng đường nào toàn "rải bước trên hoa hồng" cả. Nhưng thành công sẽ đến với những người biết kiên trì và nỗ lực.

Học kinh tế đối ngoại ở đâu?

Các tổ hợp bộ môn xét tuyển vào ngành học này bao gồm: A00 (Toán, Vật lí, Hóa học); A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh); D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh); D02 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga); D03 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp); D04 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung); D06 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).

Bạn có thể lựa chọn học Kinh tế đối ngoại tại các trường sau đây:

Trường Đại học Ngoại Thương

Trường Đại học Kinh Tế – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại học Kinh tế Quốc dân

Trường Đại học Kinh tế – Luật

Học viện Chính sách và Phát triển...

Chia sẻ