Nấu nước dừa, đường phèn, gừng, sả uống ngừa COVID-19, người phụ nữ suy đa cơ quan nguy kịch

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Nghe người quen chia sẻ "bài thuốc dân gian", người phụ nữ nấu nước dừa, đường phèn, gừng, sả kèm nhiều lá thuốc uống ngừa COVID-19 và lâm vào nguy kịch.

Ngày 22/9, đại diện Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa cứu sống một trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng, nhiễm độc, suy đa cơ quan do tự uống thuốc dân gian tại nhà để phòng ngừa COVID-19.

Theo bệnh sử trước nhập viện 2 ngày, người bệnh N.T.L.T. (53 tuổi, địa chỉ tại TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) được người quen chia sẻ bài thuốc dân gian ngừa COVID-19.

Bài thuốc này gồm hỗn hợp chưng cất các nguyên liệu như nước dừa, đường phèn, gừng, sả và nhiều lá thuốc không rõ loại.

Sau khi uống xong, người bệnh có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần. Người bệnh được đưa đến cơ sở y tế địa phương điều trị.

Tại đây người phụ nữ có triệu chứng khó thở tăng dần, tri giác lơ mơ, thân nhân lo lắng nên xin chuyển cấp cứu.

Khi nhập BV Hoàn Mỹ Cửu Long, người bệnh trong tình trạng hôn mê sâu, tím tái, da nổi bông, huyết áp 80/60 mmHg.

Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, ekip bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc từ đường tiêu hoá do uống thuốc dân gian, biến chứng suy đa cơ quan, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Người bệnh được khẩn trương đặt nội khí quản cấp cứu và chuyển khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU) điều trị.

Các bác sĩ tiến hành cho người bệnh thở máy, dùng vận mạch, kháng sinh và lọc máu liên tục (CRRT). Rất may là sau 24 giờ lọc máu, người bệnh bắt đầu huyết động ổn định dần, giảm dần liều các thuốc trợ tim, vận mạch.

Nấu nước dừa, đường phèn, gừng, sả uống ngừa COVID-19, người phụ nữ suy đa cơ quan nguy kịch - Ảnh 1.

Bệnh nhân qua cơn nguy kịch sau can thiệp lọc máu và điều trị tích cực.

Qua 48 giờ lọc máu, các chỉ số xét nghiệm tốt lên, triệu chứng lâm sàng người bệnh cải thiện rõ rệt, ngưng được vận mạch, sinh hiệu ổn, tri giác gọi biết, thở đều, người bệnh kết thúc việc lọc máu liên tục.

Sau 72 giờ người bệnh tỉnh táo, cai máy thở thành công và được rút ống nội khí quản.

BS Nguyễn Tuấn Nghĩa, khoa ICU cho biết, nhiễm trùng, nhiễm độc từ đường tiêu hóa, biến chứng suy đa cơ quan là một bệnh lí nặng, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp kịp thời và lọc máu liên tục.

Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cho biết chưa có loại thuốc nào được chính thức khẳng định phòng ngừa COVID-19 ngoài trừ vaccine thì ở một số nơi lại xuất hiện thông tin truyền miệng về các loại "thuốc đặc hiệu", coi như "thần dược" có thể phòng ngừa COVID-19. 

Không ít bà con đặc biệt quan tâm và sẵn sàng chi tiền để mua các loại thuốc này.

BS Đỗ Văn Phẩm, Trưởng khoa ICU khẳng định, hiện tại trên thế giới chưa có nghiên cứu nào cho thấy các loại thuốc dân gian này có khả năng ức chế virus, nhất là SARS-CoV-2.

Khi các bài thuốc dân gian trên lưu truyền rộng có thể khiến mọi người nhầm lẫn có công hiệu phòng ngừa COVID-19, dẫn đến không áp dụng hoặc lơ là các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của Bộ Y Tế như 5K.

"Mong bà con hãy chống dịch một cách khoa học, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Tuyệt đối không tự ý mua và áp dụng bất kỳ bài thuốc, loại thuốc nào để phòng và điều trị bệnh khi chưa được Bộ Y tế xác nhận" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.

Chia sẻ