Nạo phá thai, 'con đường ngắn nhất' dẫn tới vô sinh
Việc can thiệp vào buồng tử cung để nạo hút thai sẽ ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi thai sau này.
Do đó, người phụ nữ sẽ khó mang thai. Hoặc, nếu mang thai cũng sẽ dễ bị lưu sảy thai và đẻ non.
Một triệu cặp vợ chồng vô sinh mỗi năm
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn cao. Đáng báo động, tỷ lệ này đang ngày càng tăng và trẻ hóa.
Cụ thể, số liệu từ WHO cho thấy, mỗi năm, nước ta có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn (chiếm 7,7%). Trong số đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm 50%. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) tăng đến 15 - 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh…
Không chỉ là nỗi lo của các cặp vợ chồng, vấn đề vô sinh, hiếm muộn còn đang trở thành một gánh nặng của ngành y tế. Không ít cặp vợ chồng phải mất 10 - 12 năm để điều trị vô sinh. Thậm chí, có những trường hợp dù điều trị nhiều năm nhưng cũng không thành công.
Theo các chuyên gia, vô sinh là tình trạng vợ chồng quan hệ tình dục thường xuyên trong vòng hơn 1 năm, không dùng các biện pháp tránh thai mà không thấy thụ thai.
Có hai dạng vô sinh là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát là từ khi quan hệ tình dục quá 1 năm mà không có thai lần nào. Trong khi đó, vô sinh thứ phát là đã từng mang thai nhưng sau đó không thể có thai lần nữa.
Đặc biệt, việc nạo phá thai được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh. Hiện nay, quan hệ tình dục tuổi vị thành niên và tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi này đang là một vấn đề xã hội của mọi quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao nhất thế giới. Cũng theo tổ chức này, chỉ có 20% phụ nữ chưa kết hôn sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục. Thậm chí, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở nhóm nữ 15 - 19 tuổi rất thấp, chỉ đạt 4%. Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn của nhóm này lên tới 8,6%.
Hằng năm, Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo phá thai. Trong số này, 30% là phụ nữ từ 15 - 19 tuổi với 70% là học sinh, sinh viên.
Tổn thương buồng tử cung do nạo phá thai
Nghiên cứu toàn quốc tại Việt Nam do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành năm 2015 trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 - 49) ở 8 tỉnh thành đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%. Trong khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, 3,9% là vô sinh nguyên phát. Trong khi đó, vô sinh thứ phát là 3,8%.
Theo bác sĩ Vũ Thị Hồng Liên - chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, trong quá trình thăm khám cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, nhóm nguyên nhân vô sinh ở nữ giới hay gặp nhất là do vòi tử cung và tổn thương dính buồng tử cung.
Việc can thiệp vào buồng tử cung để nạo hút thai sẽ ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi thai sau này. Do đó, người phụ nữ sẽ khó mang thai. Hoặc, nếu mang thai cũng sẽ dễ bị lưu sảy thai và đẻ non.
Ngày nay, tỷ lệ nạo phá thai ngày càng tăng. Đây cũng là nguyên nhân chính giải thích tại sao tỷ lệ vô sinh nữ tăng, đặc biệt là nhóm nguyên nhân do dính buồng tử cung.
Trong khi đó, bác sĩ Trịnh Văn Du - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội cho biết, việc nạo phá thai có thể khiến tổn thương buồng tử cung. Từ đó, dẫn đến dính buồng tử cung, tắc vòi trứng, ứ dịch vòi trứng. Với người nạo phá thai trước khi lập gia đình, sau này, khả năng mang thai tự nhiên cũng thấp hơn.
Tỷ lệ vô sinh thứ phát được ghi nhận cao gấp 3 - 4 lần đối với những người không có tiền sử nạo phá thai. Vô sinh do dính buồng tử cung chiếm khoảng 5% trong số các trường hợp vô sinh.
Trong đó, 95% là sau nạo hút thai. Tỷ lệ sẩy thai khi mong muốn có con cũng cao hơn nhóm không có tiền sử nạo hút thai, do tổn thương cổ tử cung. Đặc biệt là khi tử cung còn chưa phát triển hoàn thiện để mang thai khi vị thành niên.
Theo chuyên gia này, để giúp những phụ nữ như vậy lấy lại khả năng sinh sản, bác sĩ sẽ phải mổ nội soi gỡ dính buồng tử cung hoặc gỡ dính vòi trứng. Nhiều trường hợp không thể có thai tự nhiên lại được và phải làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Trung bình, một ca thụ tinh trong ống nghiệm sẽ tốn khoảng 100 triệu đồng nhưng tỷ lệ thành công chỉ đạt 55 - 60%. Những phụ nữ vô sinh do dính buồng tử cung hoặc tắc ứ dịch vòi trứng sau nạo phá thai còn tốn thêm tiền phẫu thuật nội soi 10 - 20 triệu đồng, chưa kể chi phí điều trị.
Để giải quyết những hệ lụy này, theo bác sĩ Du, cần phải làm từ “gốc”, tăng cường phổ biến kiến thức về bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai, phương pháp an toàn.
Lý giải về sự gia tăng và trẻ hóa của các trường hợp vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Phạm Văn Hưởng - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nhận định, tình trạng này xảy ra có nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh các yếu tố bệnh lý, những thói quen xấu cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản.
Bác sĩ Hưởng khuyến cáo, các bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Tại đây, các bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng bệnh lý của bệnh nhân để đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp.
Song song với đó, việc làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân cũng rất quan trọng. Bởi, tâm lý tốt, lạc quan sẽ giúp người bệnh có niềm tin, kéo theo nhiều tác động tốt đến sức khỏe.