Nam thiếu niên bị Tic hỗn hợp đến suy kiệt sức khỏe, bác sĩ chỉ ra loạt dấu hiệu cảnh báo

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Theo BS Lá Văn Khôi, đây là trường hợp một nam thiếu niên ở Phú Yên. Em bị Tic hỗn hợp rất nặng và có những hành động tự gây hại cho mình.

Mới đây, BS Lá Văn Khôi (Chủ phòng khám y học cổ truyền Tĩnh Sáng Đường, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) chia sẻ, gần đây, phòng khám của anh tiếp nhận một trường hợp bị Tic hỗn hợp nặng.

Đây là trường hợp một nam thiếu niên, từ trong Phú Yên ra. Em bị Tic hỗn hợp rất nặng với biểu hiện rung, co giật toàn thân, có  Tic âm thanh, đồng thời có những hành động tự gây hại cho mình. Vì thường xuyên phải co chân tay, người bị giật suốt ngày nên em thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe.

Nam thiếu niên bị Tic hỗn hợp đến suy kiệt sức khỏe, bác sĩ chỉ ra loạt dấu hiệu cảnh báo - Ảnh 1.

BS Lá Văn Khôi chia sẻ, gần đây, phòng khám của anh tiếp nhận một trường hợp bị Tic hỗn hợp nặng.

BS Khôi nhận định, để điều trị cho những trường hợp này không phải dễ dàng ngày 1 ngày 2. Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhắn nhủ, mọi người hãy chờ đợi thêm 2 tháng sau để thấy những tiến bộ rõ rệt khi cậu bé trải qua điều trị.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị rối loạn Tic tìm đến BS Khôi trong thời gian gần đây. Chuyên gia khẳng định, rối loạn Tic đang ngày càng xuất hiện nhiều, chủ yếu ở nhóm trẻ thường xuyên xem tivi, điện thoại...

Rối loạn Tic là gì?

Theo BS Lá Văn Khôi, Tic là hội chứng gồm nhiều các triệu chứng. Trong đó, người bị rối loạn Tic không kiểm soát được hành động của mình.

"Trong não bộ, trong suy nghĩ, người ta biết là không được làm như vậy nhưng trong hành động thì lại không kiểm soát được", chuyên gia lý giải.

Nam thiếu niên bị Tic hỗn hợp đến suy kiệt sức khỏe, bác sĩ chỉ ra loạt dấu hiệu cảnh báo - Ảnh 2.

Rối loạn Tic có những loại nào?

BS Khôi cho biết, rối loạn Tic được chia làm 3 loại:

1. Tic vận động

Trẻ bị Tic vận động xuất hiện các triệu chứng:

- Tic ở vùng mắt là nháy mắt, nháy rất nhiều. Bình thường, bạn không thể nháy mắt nhiều như vậy nhưng những ai rơi vào trường hợp này thì mắt sẽ nháy rất nhiều.

- Tic ở vùng miệng là nhéo miệng, đột nhiên miệng bị lệch một bên rất nhiều cùng lúc.

- Ngoài ra còn có những biểu hiện như lắc cổ, lắc đầu, giật vai một cách đột ngột, hóp bụng, giật cơ bụng. Nhiều trường hợp bị giật cả chân và tay, không đứng vững được.

2. Tic âm thanh

Trẻ bị Tic âm thanh xuất hiện các triệu chứng: Trẻ phát ra những âm thanh lạ như tiếng khụt khịt, hắng giọng, nói những câu không có ý nghĩa, không có giá trị...

3. Tic hỗn hợp

Trẻ bị Tic hỗn hợp tức là vừa bị Tic vận động vừa bị Tic âm thanh.

Thông thường sẽ có 3 nhóm bệnh nhân bị Tic như vậy. Tuy nhiên, triệu chứng của Tic có thể nói rất phức tạp. Có những trường hợp chỉ nháy mắt hoặc giật vai. Nhưng cũng có những người bị Tic với những triệu chứng tổng hợp toàn bộ.

Nam thiếu niên bị Tic hỗn hợp đến suy kiệt sức khỏe, bác sĩ chỉ ra loạt dấu hiệu cảnh báo - Ảnh 3.

Nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn Tic?

Từ các trường hợp mình điều trị và tìm hiểu thực tế người bệnh, tổng hợp kiến thức, BS Khôi đưa ra những nguyên nhân chính dẫn đến mắc rối loạn Tic:

Một là stress. Trẻ nhỏ nếu thường xuyên bị áp lực về chuyện học tập, áp lực cuộc sống gia đình, môi trường sống không tốt... đều có thể làm gia tăng rối loạn Tic ở trẻ nhỏ.

Hai là sử dụng tivi, điện thoại, ipad... Đây là nguyên nhân chủ yếu trong thời đại hiện nay. Khi xem ti vi, điện thoại... nhiều đồng nghĩa não bộ, thần kinh phải làm việc nhiều hơn. Đồng thời các nhóm cơ cũng phải làm việc nhiều hơn, ví dụ như cơ vùng mắt. 

"Đó là lý do vì sao bác sĩ gặp rất đông đảo bệnh nhân bị Tic với biểu hiện nháy mắt", chuyên gia chia sẻ. Ngoài ra, việc cầm điện thoại nhiều đồng nghĩa với các nhóm cơ ở vùng cánh tay, bả vai cũng phải co lên để làm việc. Lâu dần dẫn đến co cứng các nhóm cơ, xuất hiện những cú giật không kiểm soát.

Nam thiếu niên bị Tic hỗn hợp đến suy kiệt sức khỏe, bác sĩ chỉ ra loạt dấu hiệu cảnh báo - Ảnh 4.

Vì sao cùng là xem tivi, điện thoại nhưng rối loạn Tic xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em? Theo BS Lá Văn Khôi, trẻ em có hệ thần kinh, hệ cơ yếu kém hơn người lớn. Cơ thể còn đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện như một người lớn bình thường.

Ba là do cơ địa của đứa trẻ dễ mắc Tic. "Nhiều trường hợp không phải xem tivi, điện thoại hay căng thẳng nhưng vẫn bị rối loạn Tic. Đó là do cơ địa của đứa trẻ sinh ra, hệ thần kinh yếu kém hơn những bạn khác. Thế nên trong thực tế có rất nhiều trẻ xem tivi, điện thoại không nhiều. Thậm chí ít hơn các bạn khác rất nhiều nhưng vẫn bị Tic. Và có cả những em không xem tivi, điện thoại, không stress vẫn bị", chuyên gia cho hay.

Bốn là do trẻ bắt chước, dần thành tật. Nhiều trẻ nhìn người khác nháy mắt cũng bắt chước làm theo. Lâu dần thành Tic. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít.

BS Lá Văn Khôi cho biết, để điều trị Tic triệt để cần bắt đầu từ nguyên nhân và phải thăm khám để nhận biết. Ví dụ có những nhóm cơ vùng mắt, nhóm cơ vùng cổ vai, vùng lưng, vùng bụng… bị co cứng, bác sĩ sẽ xác định và tiến hành điều trị. Tốt nhất nếu thấy con có dấu hiệu rối loạn Tic, cha mẹ nên cho đi thăm khám sớm để điều trị triệt để, kịp thời.

Chia sẻ