Nam thanh niên 21 tuổi nhập viện vì tinh hoàn ẩn trong ổ bụng
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn ẩn trong ổ bụng xuống bìu cho nam bệnh nhân Đ.P.H., 21 tuổi, sống tại Hưng Yên.
Qua khai thác thông tin tiền sử từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được biết, gia đình bệnh nhân phát hiện con trai không có 1 bên tinh hoàn trái từ nhỏ. Do thiếu kiến thức về bệnh và tâm lý chủ quan, nghĩ rằng bệnh do bẩm sinh, không nghiêm trọng nên cứ để con phát triển tự nhiên.
Cho tới khi bệnh nhân có bạn gái, cô bạn gái đã vô tình phát hiện bạn trai mình chỉ có một tinh hoàn. Lo lắng tình trạng khiếm khuyết này ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của bạn trai, cô gái đã giục bạn trai đi khám kiểm tra.
Tại Khoa Nam học và Y học giới tính, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị ẩn một bên tinh hoàn trái, tinh hoàn còn lại nằm ở trong ổ bụng. Bệnh nhân được có chỉ định can thiệp mổ hạ tinh hoàn xuống bìu để tránh những nguy cơ và biến chứng sau này.
Sau 40 phút tiến hành mổ nội soi, tinh hoàn trái của bệnh nhân đã nằm gọn ở bìu. Hiện tại, bệnh nhân sau mổ đã ổn đinh và được xuất viện ngay sau mổ 1 ngày.
Theo ThS.BS Trần Văn Kiên, ẩn tinh hoàn là một bất thường bẩm sinh của hệ sinh dục rất phổ biến ở các trẻ trai. Theo các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tình trạng ẩn tinh hoàn chiếm tỷ lệ 3 - 5% ở trẻ trai, cứ mỗi 100 trẻ trai ra đời thì có khoảng 4 trẻ mắc bệnh ẩn tinh hoàn.
Để tránh những biến chứng và hậu quả nghiêm trọng trong quá trình phát triển của trẻ sau này, ThS.BS Trần Văn Kiên khuyến cáo: Nên can thiệp phẫu thuật sớm cho trẻ ẩn tinh hoàn ở độ tuổi từ 6 - 18 tháng tuổi. Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra bộ phận sinh dục của trẻ, trong trường hợp phát hiện những dấu hiệu bất thường của bộ phận sinh dục, nên đưa trẻ tới gặp các chuyên gia nam học khám sớm, để kịp thời phát hiện và sớm đưa ra phương án xử lý phù hợp.