Nam sinh tự tử vì bị nghi trộm tiền của bạn
Bệnh nhi 11 tuổi đã bồng bột treo cổ tự tử do bị nghi ngờ ăn cắp tiền trên lớp của bạn.
Ngày 8/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cứu sống một bệnh nhi treo cổ tự tử. Nguyên nhân được xác định là do trẻ bị nghi ngờ ăn cắp tiền trên lớp của bạn dẫn tới uất ức.
Đó là trường hợp của bệnh nhi N.Q.T (11 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM). Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước khi nhập viện 2 giờ, trẻ được cô ruột gọi dậy đi học. Từ phòng ngủ, cậu bé nói cô chờ ít phút. Chờ khoảng 10 phút nhưng không thấy cháu rời khỏi phòng, gọi không trả lời, người cô đã mở cửa và tá hỏa phát hiện bé T đang trong tư thế treo cổ.
Ngay lập tức, người nhà đã đỡ bé T xuống sàn nhà, trong tình trạng bé đã rơi vào tình trạng hôn mê, hơi thở yếu. Sau khi sơ cứu tại chỗ, gia đình nhanh chóng chuyển bé T đến phòng khám gần nhà. Nhân viên y tế đã hỗ trợ cho bé thở oxy và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Thời điểm nhập viện, qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhi thở yếu, tím tái. Bé T được đặt nội khí quản giúp thở và được sử dụng thuốc vận mạch. Kết quả, CT-Scan ghi nhận, tình trạng thiếu oxy đã khiến bé bị tổn thương não, phù não... Sau hội chẩn, các bác sĩ đã nỗ lực điều trị nội khoa tích cực cho bệnh nhi.
Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của bé đã cải thiện dần. Tri giác tỉnh táo, được cai máy thở. Bệnh nhi đã được chuyển đến khoa nội thần kinh tiếp tục điều trị và tư vấn hỗ trợ tâm lý.
Thông tin từ BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, qua trao đổi trực tiếp để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới hành động thiếu suy nghĩ của trẻ, ghi nhận trẻ bị nghi ngờ lấy tiền của bạn trong lớp nên uất ức dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và hành động nông nổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, trẻ ở tuổi vị thành niên thường có những suy nghĩ, hành động nông nổi. Để tránh những trường hợp tương tự, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần luôn gần gũi trẻ như một người bạn để trẻ được chia sẻ, cũng như nắm bắt tâm tư tình cảm trẻ, những rắc rối nội tâm để kịp thời động viên, hóa giải, giúp trẻ thoát được “khủng hoảng” tinh thần, tránh được những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động đáng tiếc.