Năm 2021 với những kỷ lục nắng nóng: Thảm họa do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn

Toàn cảnh thế giới,
Chia sẻ

Tháng 7 thường là tháng nóng nhất trong năm trên thế giới, nhưng tháng 7/2021 đã trở thành tháng nóng nhất từng được ghi nhận trong hơn 100 năm qua.

Tại Mỹ, nhiều bang đã ghi nhận mức nhiệt lên tới 40 độ C. Nhiệt độ ở tỉnh British Columbia (Canada) có lúc lên tới 49,5 độ C - mức cao chưa từng có trong lịch sử nước này, khiến hàng trăm người tử vong. Tháng 8, đảo Sicily của Italy chứng kiến nhiệt độ tăng lên mức 48,8 độ C - được dự báo là mức cao kỷ lục mới ở châu Âu.

Nắng nóng kỷ lục thiêu đốt các quốc gia Nam Âu, gây ra những trận cháy rừng tàn khốc. Từ Hy Lạp đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Pháp… hàng chục ngàn vụ cháy rừng đã tàn phá nhà cửa và cướp đi nhiều sinh mạng. Năm 2021 gần như chắc chắn là một trong 10 năm nóng nhất được ghi nhận.

Mưa lũ mạnh hơn

Nhiệt độ Trái Đất tăng cũng là một phần nguyên nhân hình thành nhiều cơn bão lớn và bất thường hơn. Gần đây nhất, siêu bão Ida khiến ít nhất 41 người tại Mỹ thiệt mạng, gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực. Bang New York và New Jersey phải công bố tình trạng khẩn cấp để huy động nguồn lực đối phó với hậu quả của bão Ida.

Hồi tháng 7, nhiều khu vực ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã chìm trong biển nước sau những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Lượng mưa trong 3 ngày bằng tổng lượng mưa của cả năm trước. Hơn 300 người đã thiệt mạng. Châu Âu cũng vừa trải qua một đợt lũ lớn chưa từng thấy. Ít nhất 170 người thiệt mạng ở Đức, 31 người thiệt mạng ở Bỉ trong đợt lũ bất ngờ năm nay.

Hạn hán trầm trọng

 - Ảnh 1.

Các thùng chứa nước lộ ra khi nước của hồ Sun Moon ở Nam Đầu, Đài Loan, Trung Quốc rút đi trong đợt hạn hán trên diện rộng. Ảnh: Reuters.

Việc hơi nước bốc lên do nhiệt độ tăng cũng đẩy nhanh quá trình bề mặt Trái Đất khô hạn, tức là tăng nguy cơ hạn hán. Bờ Tây nước Mỹ đang trải qua một trong những đợt hạn hán nghiệm trọng nhất từ trước đến nay. Mực nước ở đập thủy điện hồ chứa nước Orroville, bang California, cuối tháng 8, chỉ còn gần 200 mét so với mực nước biển, thấp nhất kể từ khi đập thủy điện cao nhất nước Mỹ này được xây dựng vào năm 1967.

Tình trạng này khiến toàn bộ nhà máy thủy điện lớn nhất của bang California Edward Hyatt phải dừng hoạt động.

Ông Paulo Artaxo - Nhà môi trường học, Đại học Sao Paulo, Brazil cho biết: "Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gia tăng nhanh chóng - từ những đám cháy rừng trong đợt nắng nóng ở Canada, lũ lụt ở Đức và Trung Quốc, đến hạn hán ở miền Trung Brazil, tất cả cho thấy rõ ràng rằng thời tiết cực đoan sẽ gây ra những hậu quả nặng nề với hệ thống xã hội - kinh tế".

Nhiều chuyên gia đến giờ không còn giữ được sự lạc quan về tiến độ của các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Họ cho rằng cháy rừng nhiều hơn, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn sẽ là điều "bình thường mới" của Trái Đất này.

Thảm họa khí hậu ngày một khắc nghiệt hơn

Một nhận định cơ bản của các nhà khoa học ở Mỹ khi những cơn bão lớn liên tiếp đổ bộ, đó là việc con người và các thành phố chưa sẵn sàng để đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy. Con người và cơ sở hạ tầng bị đánh giá là vẫn đang chạy theo, bị động và chưa sẵn sàng cho các hiện tượng khí hậu hiện tại, chưa nói đến tương lai.

Tổ chức Khí tượng thế giới, giới khoa học đã nhiều lần nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính cho việc xảy ra các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dày đặc và nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới.

 - Ảnh 2.

Khói mù mịt từ những khu rừng bùng cháy gần làng Magaras ở Siberia hôm 27/7. Ảnh: Getty Images

Một báo cáo công bố năm nay của Viện Toàn cầu Mckinsey cho biết, với tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia Đông Nam Á sẽ tổn thất khoảng 8% - 13% GDP mỗi năm cho đến năm 2050. Nhiều vùng đất canh tác lớn của khu vực ở trong tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước suy giảm và thiếu hụt nghiêm trọng theo từng năm.

Tác động do biến đổi khí hậu, vì vậy trở thành nguyên nhân chính gây ra các thách thức an ninh khí hậu, thiệt hại kinh tế, các vấn đề xã hội do gia tăng hiện tượng người di cư và kéo theo là nguy cơ tiềm ẩn đối với sự phát triển và ổn định của mỗi quốc gia.

Thế giới vẫn có những tiến bộ tích cực sau năm 2015

Nhờ có Hiệp định Paris, hơn 1.000 công ty lớn trên thế giới đã cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính.

Các thể chế tài chính cũng sẽ không tài trợ cho các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch. Liên minh châu Âu lên kế hoạch cấm các loại xe có động cơ đốt trong vào năm 2035.

Năng lượng tái tạo được sử dụng và sản xuất ngày một nhiều. Từ năm 2010 đến năm 2019, giá năng lượng mặt trời đã giảm 90%. Một số khu vực giá thành còn rẻ hơn năng lượng hóa thạch.

Ở cấp độ quốc gia, nhiều nước đã bắt đầu hành động. Các nước EU đặt thời hạn không phát thải vào năm 2050. Đây cũng là mốc hướng đến của các nền kinh tế hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi, nước phát thải nhiều nhất thế giới là Trung Quốc đặt thời hạn là 2060.

Gian nan cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã không còn là lời cảnh báo mà đã rất thực tế tại châu Âu trong những tháng vừa qua.

 - Ảnh 3.

Nhà cửa bị hư hại sau khi cơn bão Ida quét qua Louisiana, Mỹ, ngày 30/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng: "Rõ ràng biến đổi khí hậu đang gõ cửa toàn bộ hành tinh của chúng ta với những trận thiên tai trong thời gian vừa qua. Nhưng đó là lời giải thích, chứ không phải thứ để mang ra chống chế. Chúng ta có thể đã làm mọi thứ trong phạm vi con người, nhưng dường như chúng vẫn chưa đủ để chống lại cơn thịnh nộ của tự nhiên".

Là một trong những khu vực đưa ra những cam kết đầu tiên, tuy nhiên châu Âu giờ đây là nơi hứng chịu liên tiếp các hình thái thời tiết cực đoan với tần suất cao.

Lời cam kết về mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% khí thải carbon từ nay đến năm 2030 của Liên minh châu Âu đã khiến giới chuyên gia hoài nghi về tính thực tiễn trước những gì đang diễn ra.

Tìm kiếm giải pháp phối hợp quốc tế về biến đổi khí hậu

Với tốc độ gia tăng nhanh chóng, biến đổi khí hậu không những ngày càng tác động sâu rộng đến kinh tế, chính trị và mọi khía cạnh của đời sống xã hội, mà còn trở thành mối đe dọa cấp số nhân, làm trầm trọng thêm các nhân tố có thể ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế.

Biến đổi khí hậu làm đảo lộn sinh kế, gia tăng dòng người tị nạn môi trường, do mất nơi cư trú và mất phương thức sống cũ. Biến đổi khí hậu gây ra nhiều thảm họa thiên nhiên, đe dọa nghiêm trọng đến các yếu tố an ninh phi truyền thống, như an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, năng lượng, y tế… Và sự tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay vẫn phải là câu trả lời ở tầm hợp tác quốc tế.

 - Ảnh 4.

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều thảm họa thiên nhiên

Những vấn đề toàn cầu thì cần các giải pháp toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, các nước vẫn loay hoay trong việc nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu. Lộ trình cắt giảm khí thải vẫn còn nhiều điểm khác nhau, nếu nhiều nước xác định trung hòa khí carbon vào năm 2050 thì Trung Quốc, nước xả thải hàng đầu thế giới, xác định mục tiêu này vào năm 2060. 

Các nước cũng có những chuyển đổi khác nhau về năng lượng trong bối cảnh các mục tiêu trung hòa khí thải đang đến gần; tuy nhiên, Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than. Và như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã nói, mẹ thiên nhiên thì không thể chờ đợi. Con người vẫn đang ngày càng hứng chịu các thảm họa tự nhiên với tần suất nhiều hơn, nặng nề hơn; các nỗ lực toàn cầu vì thế đòi hỏi phải nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Nhiều tác động từ biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược nhưng một tương lai phía trước vẫn có thể được đảm bảo. Các nhà hoạt động khí hậu đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần xem xét biến đổi khí hậu như 1 cuộc khủng hoảng thực sự để tìm cách giải quyết gốc rễ vấn đề. Nâng cao nhận thức, thay đổi chính sách, áp dụng khoa học công nghệ, biến cam kết thành hành động là điều mà các quốc gia cần khẩn trương thực hiện để thích ứng biến đổi khí hậu. Và Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11 đang được chờ đợi sẽ đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.

Thảm họa do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn

Chia sẻ