Mỹ Uyên - Lan Phương: Ân oán một đời, há chẳng phải từ sự ích kỷ của người phụ nữ?
Nỗi đau đớn đến tận cùng của "Cả một đời ân oán" suy cho cùng cũng xuất phát từ sự ích kỷ của những người phụ nữ mà ra.
32 tập phim Cả một đời ân oán đã lên sóng và gây tiếc nuối, hụt hẫng lẫn tranh cãi cho khán giả về loạt tình tiết rối rắm liên quan đến bi kịch của gia đình họ Vũ. Trong gia đình này, ai cũng là người chịu tổn thương, ai cũng có khoảng ký ức muốn quên đi, xóa sạch và đưa nó vào quên lãng. Nhưng hạnh phúc thì mong manh, chỉ một quyết định sai lầm cũng có thể làm tiêu tan tất cả hy vọng.
"Cả một đời ân oán" tiếp tục thu hút khán giả bởi loạt tình tiết đầy nước mắt.
Cuộc chiến của gia đình họ Vũ tiếp tục diễn ra với hàng loạt diễn biến gay cấn, ai cũng muốn níu giữ hạnh phúc và mớ tài sản khổng lồ do ông Quang (Mạnh Cường) để lại. Và trong tâm bão của những nỗi đau, người ta đặt câu hỏi rằng nếu như tất cả mọi người đều lùi một bước, nếu như nàng dâu ranh ma Diệu (Lan Phương) chịu sống vì người khác, và nếu như mẹ chồng lắm mưu nhiều kế Lan (Mỹ Uyên) chịu cảm thông hơn, mọi thứ sẽ thế nào?
Nàng dâu đanh đá, ranh ma Diệu
Một bộ phim lên sóng, hẳn nhiên sẽ có lời khen tiếng chê. Dư luận càng đa chiều, sức hút của Cả một đời ân oán càng tăng cao. Có người cho rằng nhân vật Diệu do Lan Phương thể hiện mang màu sắc phóng đại, vì ngoài đời thực, khó tìm được cô gái nào thủ đoạn, tinh ranh giống như Diệu. Từ khi Diệu xuất hiện, bao cơn giận dữ, cãi vã đã đổ ập xuống Cả một đời ân oán. Khán giả trách móc Diệu vô tình, hờn giận Diệu vì làm toàn những điều sai trái, nhưng điều này cũng chẳng sao, nó là màu sắc để bộ phim ngày một hấp dẫn hơn.
Diệu là hình mẫu phụ nữ tinh quái, thủ đoạn, chẳng từ bất cứ chiêu trò nào để đạt được mục đích.
Phim ảnh khác đời thực, có thể ekip sản xuất Cả một đời ân oán đã "thêm mắm dặm muối", biến hình ảnh nàng dâu trở nên tinh quái khác thường. Tuy nhiên, cuộc sống thì muôn hình vạn vẻ, hình ảnh nhân vật Diệu là phản chiếu của sự ích kỷ trong mỗi con người. Với những cá thể kiềm chế bi thương tốt, sự ích kỷ đôi khi chuyển hóa, trở thành cách thể hiện tình cảm hơn. Nhưng với cô gái chịu nhiều tổn thương như Diệu, sự ích kỷ cũng là một cách phòng vệ, giúp bản thân tránh khỏi những tổn thương.
Diệu là cô gái mồ côi, từ nhỏ đã không được sống trong sự bảo bọc, che chở của bố mẹ. Dẫu sau này được nhận về làm con nuôi nhưng khoảng ký ức tuổi thơ chẳng mấy tốt đẹp cứ mãi ám ảnh Diệu. Trong thâm tâm cô, không có bất cứ ai mang đến cảm giác an toàn. Nếu cần trốn chạy, Diệu sẵn sàng làm. Nếu cần xù lông bảo vệ bản thân, Diệu không từ nan điều gì cả.
Nhưng tất cả những điều cô làm cũng xuất phát từ sự ích kỷ của con người: Chẳng ai muốn trao hạnh phúc cho người khác.
Đến tuổi trưởng thành, Diệu gặp gỡ và đem lòng yêu Phong (Hồng Đăng). Vì muốn chiếm lấy trái tim anh, Diệu không từ thủ đoạn, cô bất chấp tất cả, chỉ cầu mong Phong quay lại nhìn mình. Vì muốn quên đi tình cũ là Dung (Hồng Diễm), Phong chấp nhận cưới Diệu. Ngày tân hôn, Diệu hạnh phúc vì những tưởng rằng mình đã được yêu thương, che chở. Ngờ đâu, đau đớn phủ xuống người cô khi Phong vô tình gọi tên người yêu cũ trong cơn say. Hạnh phúc và bi thương đến với Diệu chỉ trong tích tắc.
Với bản tính muốn phòng vệ, Diệu gồng mình, tìm mọi cách để gây đau khổ cho Dung. Diệu hiểu rõ, Phong không yêu cô. Nếu như Dung còn xuất hiện thì chẳng bao giờ Diệu có được trái tim Phong, dù lúc này anh đã là chồng hợp pháp của cô. Sự ích kỷ trỗi dậy trong con người Diệu là sự ích kỷ mà bất cứ phụ nữ nào cũng có. Chẳng ai muốn chia sẻ chồng mình, lại càng chẳng ai muốn chịu cảnh cô đơn, cứ đến đêm khuya là một mình khóc thương cho số phận.
Giành giật bao nhiêu lâu, cuối cùng cũng chỉ là tàn tro.
Nhưng giá như, Diệu có thể buông bỏ những hờn ghen, hành xử với Phong và Dung theo cách nhẹ nhàng hơn thì mọi bi kịch của Cả một đời ân oán đã không nặng nề đến thế. Vì tâm lý lúc nào cũng muốn giành thứ tốt đẹp nhất cho mình, Diệu đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Diệu hờn ghen, oán hận và lập mưu kế lừa gạt cả gia đình họ Vũ. Diệu muốn Phong rời xa Dung, muốn chiếm gia tài để đảm bảo cuộc sống sung túc khi về già. Nhưng Diệu đã quên mất cảm xúc của Phong, Diệu không hỏi chồng mình rằng: "Anh à, em làm điều này có đúng hay không?".
Cái sai của Diệu là quá cố chấp, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Giá như mở lòng và chịu lắng nghe hơn, Diệu sẽ không làm ra những điều sai trái và đẩy người thân yêu vào ngõ cụt. Nhưng đàn bà, giữa lằn ranh đúng - sai của tình yêu, mấy ai sẽ lý trí để thoát khỏi sự hận thù?
Mẹ chồng sang chảnh, lắm mưu nhiều kế - bà Lan
Giống như Diệu, bà Lan (Mỹ Uyên) cũng là người phụ nữ lắm mưu nhiều kế, tinh ranh bậc nhất. Tuy nhiên, sự lắm mưu nhiều kế của bà Lan không nằm ở mặc cảm thiếu thốn tình thương, bà Lan chỉ xù lông bảo vệ bản thân vì cảm nhận được nếu không làm điều này, bà sẽ mất chồng vào tay người phụ nữ khác.
Ông Quang - bà Lan đã từng hạnh phúc bên nhau biết mấy.
Bà Lan và ông Quang đến với nhau khi 2 người còn nghèo rách mồng tơi. Yêu, cảm thông và chịu đựng vì nhau, họ đã xây dựng nên đế chế Vũ Gia vững chắc. Bao năm trôi qua, họ sống trong cảnh nhung lụa êm đềm với 2 đứa con trai. Nhưng rồi một ngày nọ, ông Quang ép bà Lan phải chấp nhận chuyện ông từng có con ngoài giá thú, ép bà phải chấp nhận chuyện ông muốn dùng những ngày cuối đời bù đắp cho đứa con này! Một phụ nữ bình thường, có ai sẽ chịu được khi chồng mình yêu cầu điều đó?
Bà Lan cố gồng gánh, chịu tất cả nỗi đau để cho chồng làm tròn trách nhiệm của một người cha với con rơi.
Bà Lan, hẳn sẽ có sự ích kỷ. Không ích kỷ là không yêu sâu đậm! Nhưng vì quá thương chồng, bà Lan cứ lần lượt nhượng bộ, nhắm mắt làm ngơ, để ông Quang đưa Phong và cả tình cũ - bà Mai (Minh Phương) về nhà sống cùng. Khi bước vào tuổi 60, con người ta có xu hướng ở cạnh người thân nhiều hơn. Bà Lan hiểu cho nỗi khổ tâm, day dứt của chồng nên chấp nhận cả những yêu cầu mà không có người phụ nữ nào mong muốn.
Nhưng, với tính cách khó chiều, quy củ của mình, bà Lan không để cho Phong - bà Mai sống yên một ngày. Bất cứ khi nào đánh hơi thấy Phong có mùi nguy hiểm, bà Lan đều lập mưu tính kế để ngăn chặn ngay tức khắc. Thậm chí, để đuổi Phong ra khỏi nhà, bà Lan còn thúc ép anh cưới Diệu làm vợ. Nào ngờ, người tính không bằng trời tính, sau khi kết hôn, Phong chẳng những không dọn ra ngoài sống mà còn đưa Diệu vào Vũ Gia ở chung.
Nhưng khi hạnh phúc sắp vụt khỏi tầm tay, bà Lan đã xù lông để giữ chặt.
Từ đây, những cuộc đụng độ căng thẳng giữa "mẹ chồng" - Bà Lan và "con dâu" - Diệu cứ liên tục xảy đến. Kẻ 8 lạng người nửa cân, chẳng ai nhường ai trong cuộc chiến căng thẳng này. Bề mặt, bà Lan - Diệu đối xử với nhau thân thiện, nhưng kỳ thực bên trong, cả 2 cứ chực chờ cắn xé lẫn nhau. 2 người phụ nữ, 2 nỗi khổ tâm khó giải bày, ai cũng đều chịu tổn thương tình cảm nên khi nhận ra đối phương có khả năng gây hại cho mình, họ không ngần ngại tấn công.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của họ mang màu sắc bi thương quá, chẳng những chính bản thân mình chịu áp lực mà đến người thân quen bên cạnh cũng đau đớn, dằn vặt không kém. Diệu tung chiêu lừa đảo, hòng gạt ông Quang chia gia sản cho Phong, bà Lan lập tức ngăn cản, cạnh khóe bằng những lời cay nghiệt. Đến cuối cùng, ông Quang vô tình gặp tai nạn giao thông đến mức không thể giữ được mạng sống. Bà Lan đớn đau vì mất đi người chồng đầu ấp tay gối còn Diệu cũng bị Phong lật mặt, mắng chửi nặng nề và đòi ly hôn ngay lập tức.
Cuối cùng, bà Lan còn lại điều gì khi chồng mất không kịp trân trối, gia đình tan nát?
Trong bi kịch của Cả một đời ân oán, hẳn nhiên sẽ còn có nhiều tình tiết, nhiều yếu tố dẫn đến nỗi đau. Nhưng giá như Diệu và cả bà Lan chịu hạ thấp bản thân, để chia sẻ, thông cảm cho những nỗi niềm của nhau hơn thì đã chẳng có ai phải rơi nước mắt. Là phụ nữ, khi đứng trước lựa chọn tình yêu - hạnh phúc, mỗi người sẽ có cách hành xử khác nhau. Dẫu vậy, khi lựa chọn sai lầm và trả giá bằng tính mạng của người thân hay cuộc hôn nhân tan vỡ là điều mà chẳng ai mong muốn. Nhưng nếu đặt vào trường hợp của Diệu và bà Lan, sẽ có cách hành xử nào khác chứ?