Mỹ hướng dẫn người dân cách phát hiện bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 giả
Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh tại Mỹ dẫn đến cảnh tượng xếp hàng dài tại các điểm xét nghiệm và bộ xét nghiệm nhanh tại nhà trong tình trạng “cháy hàng”.
Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng bộ xét nghiệm nhanh giả tràn lan, do vậy cơ quan chức năng Mỹ đã hướng dẫn người dân cách phân biệt bộ xét nghiệm nhanh nào là giả và thật.
Kênh CNN (Mỹ) ngày 8/1 cho biết Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã cảnh báo người dân về những bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 giả được rao bán trên mạng.
FTC nhấn mạnh: “Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), những bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 giả và không được cấp phép đang tràn lan trên mạng và nhiều kẻ cơ hội đang lợi dụng nhu cầu tăng cao để trục lợi”.
Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đánh giá bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 là một trong những biện pháp giúp bảo vệ người dân bằng cách phát hiện bệnh và giúp họ tìm biện pháp không làm lây lan virus SARS-CoV-2. Những bộ xét nghiệm này có thể sử dụng ngay tại nhà hoặc bất cứ nơi đâu với kết quả thu được nhanh chóng.
Nguồn cung hiếm và giá cả ngày càng đắt đỏ khiến người dân Mỹ đã phải truy lùng bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 trên mạng. Từ đây, FTC đã gợi ý những bước cần thực hiện trước khi mua và sử dụng những bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 này để tránh mua phải sản phẩm giả.
Theo FTC, chỉ nên mua những loại xét nghiệm nhanh đã được FDA cấp phép. Trang web chính thức của FDA có danh sách hơn 40 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 đã được thông qua. Những bộ xét nghiệm này có thể mua trực tuyến, tại các hiệu thuốc và một số cửa hàng bán lẻ.
Kiểm tra danh sách các loại xét nghiệm nhanh COVID-19 giả do FDA khuyến cáo để đối chiếu.
Tham khảo nhiều nhà cung cấp và so sánh các đánh giá đáng tin cậy từ nguồn chuyên gia như chuyên gia y tế hoặc tổ chức y tế trước khi đưa ra quyết định mua hàng.
FTC cũng khuyên người dân tìm kiếm từ khóa “lừa đảo”, “khiếu nại”, “đánh giá” đi kèm tên đơn vị bán bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 trên mạng để phát hiện gian lận.
Nếu mua bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 trên mạng, hãy sử dụng thẻ tín dụng để có thể tranh chấp khoản phí nếu phát hiện đây là vụ lừa đảo.
Một điều quan trọng khác là cần kiểm tra hạn sử dụng của bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 đã đặt mua.
FTC nêu bật: “Việc sử dụng các sản phẩm giả không chỉ tốn kém mà việc nhận kết quả không chính xác từ những sản phẩm này còn tăng nguy cơ bạn vô tình lây lan COVID-19 hoặc bạn không được điều trị phù hợp”.
Trong thời điểm biến thể Omicron khiến số ca mắc COVID-19 tăng tại Mỹ, các chuyên gia phân tích rằng điều quan trọng là người dân nước này tiếp tục thực thi các biện pháp an toàn để phòng dịch.
Giáo sư Mara Aspinall tại Đại học Arizona đưa ra ý kiến: “Chúng ta đang ở thời điểm cần cẩn trọng và xét nghiệm là chiến thuật duy nhất giúp thoát khỏi tình trạng này”.
Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến thời điểm này dịch COVID-19 đã khiến 833.987 người thiệt mạng và 58,5 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ.