Mụn nhọt có thể làm chết người
Mụn nhọt thường là bệnh lành tính, nhưng không nên coi thường, vì từ một mụn nhỏ lại có thể trở thành biến chứng nhiễm khuẩn huyết, đe dọa đến cả tính mạng.
Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi, thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra mụn nhọt.
Biểu hiện ban đầu là những nốt đỏ nổi trên da rồi lan rộng dần. Chỗ mọc nhọt, da nóng, đỏ và đau. Vài ngày sau, trên nốt đỏ có đốm vàng, khi đốm vỡ có mủ chảy ra, ở giữa có ngòi - đó là sợi chân lông. Đôi khi có hiện tượng viêm mạch bạch huyết hoặc nổi hạch xung quanh khu vực nhọt.
Kích thước của nhọt thường bằng hạt ngô, hạt đỗ, quả mận, và có khi còn bằng quả trứng gà, trong có nhiều mủ. Vị trí nhọt ở khắp nơi trên cơ thể như đầu, mặt, tay, chân, bụng, ngực, mông. Với mụn nhọt ở một vài vị trí đặc biệt thì phải chú ý, như đinh râu, hậu bối (bệnh than ngoài da), vì chúng dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Một số loại mụn nhọt thường gặp:
- Đinh râu: Là nhọt do tụ cầu khu trú ở vùng môi trên, rãnh mũi, trên cằm gây ra, thường gặp ở những người có sức đề kháng kém. Nếu dùng tay nặn, gẩy đinh râu, tụ cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào tĩnh mạch mặt, rồi vào tĩnh mạch xoang hang trong sọ não, gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.
Mặt người bệnh sẽ sưng húp, biến dạng, mắt híp, trán hằn lên những nếp da xù xì, nhăn nheo. Người bệnh có thể bị sốt cao, nhiễm trùng huyết, mê man, dễ tử vong.
- Hậu bối (bệnh than ngoài da): Do tụ cầu gây viêm và hoại tử một số vùng tổ chức rồi hóa mủ. Bệnh thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch, người già, nghiện rượu, tiểu đường. Đặc điểm của hậu bối là nhọt mọc nhiều thành cụm, khi vỡ ra để lại miệng mủ như gương sen. Da xung quanh hậu bối bầm tím, có chỗ loét, hoại tử.
Hậu bối hay mọc ở vùng lưng, gáy, xương cùng, có kích thước mỗi chiều chừng 6-10 cm. Người mọc hậu bối có thể bị sốt cao, đau nhức, thể trạng kém, tắc mạch, nhiễm khuẩn huyết và tử vong. Nếu khỏi, hậu bối cũng để lại sẹo nhăn nhúm.
- Nhọt vùng hậu môn: Các mụn nhọt mọc quanh hậu môn từ các vết xây xát còn gọi là áp-xe quanh hậu môn. Nếu bị áp-xe sâu có thể ăn thông vào trực tràng, tạo ra lỗ rò hậu môn - trực tràng rất khó chịu.
- Chốc lở: Do nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, nhưng trong bài viết này chỉ đề cập đến chốc do tụ cầu. Chốc tụ cầu gặp ở người có sức đề kháng kém, rối loạn trao đổi chất, tăng tiết mồ hôi, kém vệ sinh. Chốc gồm nhiều mụn mủ to bằng hạt ngô, hạt đậu khu trú tại vùng đầu, mặt, chi. Trên một lỗ chân lông, bọng mủ phát triển thành hình bán cầu, chảy mủ vàng và dính. Sau 1 tuần thì mụn mủ vỡ ra, để lại vảy nâu.
- Lẹo: Là nhọt ở chân lông bờ mi mắt, thường gặp ở người tiểu đường. Bệnh thường dai dẳng, tái phát, hay chuyển từ bờ mi này sang bờ mi kia vì người bệnh hay dùng tay dụi mắt.
Để điều trị các mụn nhọt thông thường, chỉ cần bôi thuốc sát trùng như Betadine, cồn lode 3%, hoặc ngâm tay, ngâm chân vào nước muối đặc. Khi nhọt đã "chín" thì chích mủ, nhưng phải đảm bảo vô trùng, tuyệt đối không được nặn nhọt non. Trong trường hợp nhọt to có sốt cao, hay bị đinh râu, hậu bối có nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh liều cao và được điều trị tại bệnh viện.
Để phòng mụn nhọt, ta phải giữ vệ sinh thân thể như giặt quần áo, thường xuyên tắm rửa, đặc biệt là về mùa hè, sau khi lao động nơi bụi bẩn. Cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Không gãi và nặn mụn nhọt, nhất là đinh râu, vì nặn làm tổn thương hàng rào bảo vệ, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết.