Một số cách sơ cứu hữu ích khi bị chấn thương
Một số cách sơ cứu đơn giản cho những chấn thương có thể gặp hàng ngày là điều vô cùng hữu ích mà bạn nên biết.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta gặp những trường hợp bị chấn thương bất ngờ như bong gân, chảy máu mũi, bỏng… Nếu biết cách sơ cứu tại chỗ cho những chấn thương này thì chắc chắn bạn có thể cứu nguy được cho chính mình hoặc những người khác.
1. Vật lạ rơi vào mắt
Bất kỳ vật thể hay dịch thể nhỏ nào, dù là 1 hạt cát hay 1 giọt xà phòng, nước tẩy bị dây vào mắt đều sẽ gây đau mắt, thậm chí có thể làm tổn thương giác mạc.
Cách sơ cứu: Đầu tiên, cố gắng nháy mắt thật nhiều, để làm cho vật lạ theo nước mắt ra ngoài, nếu không hiệu quả, thì tách mí mắt ra, sau đó rửa mắt dưới vòi nước, chú ý phải gỡ kính áp tròng ra trước.
2. Bong gân
Khi dây chằng ở xung quanh các khớp xương bị kéo căng vượt quá sức chịu đựng sẽ thành bong gân, bong gân thường kèm theo vết bầm tím và sưng.
Cách sơ cứu: Trong vòng 24 giờ kể từ khi bị bong gân, cố gắng mỗi giờ chườm đá 1 lần, mỗi lần 30 phút. Lấy băng vải có tính đàn hồi băng chỗ bị thương lại, và đệm cao chỗ bị thương lên. Sau 24 giờ, bắt đầu đổi qua chườm nước ấm nóng cho bệnh nhân, để thúc đẩy sự lưu thông máu ở chỗ bị thương.
3. Chảy máu mũi
Nguyên nhân dẫn đến chảy máu mũi là do mạch máu trong xoang mũi bị vỡ, các mạch máu trong xoang mũi đều rất dễ vỡ, nên chảy máu mũi cũng là 1 tai nạn thường gặp.
Cách sơ cứu: Cơ thể hơi cúi về phía trước, dùng ngón tay ép chặt phần xương mềm ở phía dưới sống mũi, giữ nguyên khoảng 5-15 phút. Nếu có điều kiện, có thể chườm 1 túi đá nhỏ ở trên sống mũi cũng có hiệu quả cầm máu nhanh chóng.
4. Bỏng
Bỏng phân thành 3 cấp độ: bỏng cấp độ 1 da bị đỏ, có cảm giác đau; bỏng cấp độ 2 sẽ nhìn thấy bọng nước rõ ràng; bỏng cấp độ 3 sẽ dẫn đến da bị loét và biến thành màu đen.
Cách sơ cứu: Khi bị bỏng lập tức rửa vết bỏng dưới vòi nước chảy hoặc dùng khăn lạnh chườm vào, nếu chỗ bị bỏng diện tích tương đối rộng thì có thể ngâm vào bồn tắm đổ đầy nước mát. Tuy nhiên, không dùng nước quá lạnh và ngâm quá lâu để tránh nguy cơ bị bỏng lạnh. Có thể dùng vải hoặc băng gạc quấn lỏng vết thương để bảo vệ vết thương.
5. Ngạt thở
Ngạt thở đúng nghĩa trong cuộc sống rất ít gặp, uống nước bị sặc hoặc ăn thức ăn bị nghẹn thường không bị coi là ngạt thở. Khi bị ngạt, nạn nhân thường sẽ không bị ho kịch liệt, sẽ không thể nói hoặc thở, mặt sẽ bị biến đỏ hoặc tím tái trong 1 thời gian ngắn.
Cách sơ cứu: Đầu tiên phải nhanh chóng gọi xe cứu thương. Đồng thời trong quá trình đợi xe, phải thực hiện biện pháp sau: Đặt cơ thể nạn nhân hơi nghiêng về phía trước, dùng sức dùng bàn tay vỗ mạnh vào lưng (vị trí giữa 2 vai) nạn nhân.
Nếu không hiệu quả, phải đứng phía sau người nạn nhân, dùng nắm tay giữ chặt phần bụng của nạn nhân, tay còn lại cầm chặt nắm tay đó, dùng sức đẩy ra đẩy vào 5 lần, giúp nạn nhân hít thở.
Nạn nhân cũng có thể dùng cách này tự cứu mình: Nạn nhân đặt bụng của mình tại chỗ cứng, như kệ bếp, sau đó dùng sức ép chặt bụng vào kệ bếp, làm cho vật bị mắc trong cổ họng văng ra ngoài.
6. Ngộ độc
Ngộ độc xảy ra trong gia đình thường là ngộ độc thực phẩm, ngộ độc chất tẩy rửa, ngộ độc khí, hay thuốc trừ sâu.
Cách sơ cứu: Nếu nạn nhân thần trí không còn tỉnh táo và khó thở, phải nhanh chóng gọi xe cứu thương, và chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những câu hỏi sau: ăn, uống hay hít phải thứ gì, liều lượng bao nhiêu, cân nặng, độ tuổi và thời gian ngộ độc của nạn nhân.
7. Đau đầu từng cơn
Xương đầu vốn dĩ rất cứng, cho nên những ngoại lực thông thường rất ít gây nên tổn thương xương đầu. Nếu ngoại lực quá mạnh, thì những mạch máu dễ vỡ ở phần cổ, lưng, đầu sẽ trở thành “vật hy sinh”.
Cách sơ cứu: Nếu đầu bị sưng cục, thì có thể chườm túi đá lên chỗ sưng sẽ đỡ bị sưng. Nếu bị thương ở phần sau đầu và gây chảy máu, cách xử lý giống như xử lý các vết cắt, là dùng khăn sạch ép chặt vết thương để cầm máu, sau đó đi bệnh viện khâu lại, và kiểm tra xem có bị nội thương không. Nếu bị đập đầu hôn mê, thì phải nhanh chóng gọi xe cứu thương đưa đi bệnh viện, không được chậm trễ dù là 1 khắc.
(Tôngr hợp)