Mì ăn liền tăng giá

N.Bình,
Chia sẻ

Giá các sản phẩm mì ăn liền trên thị trường vừa vào đợt điều chỉnh mới với mức tăng 3-19%, tương ứng 10.000-31.000 đồng/thùng, theo các nhà phân phối.

Mì ăn liền tăng giá - Ảnh 1.

Người Việt tiêu thụ mì ăn liền cao thứ ba thế giới trong năm 2021 - Ảnh: N.BÌNH

Giá các sản phẩm ăn liền của thương hiệu Acecook - nhà sản xuất giữ thị phần sản phẩm ăn liền lớn nhất Việt Nam - vừa vào đợt điều chỉnh mới với mức tăng 3 - 19%, theo các nhà bán lẻ. Trong đó, tăng mạnh nhất là các sản phẩm mì xào khay Táo Quân, từ hơn 171.000 đồng/thùng lên hơn 204.000 đồng/thùng 18 khay, tương ứng tăng 19,3%.

Sản phẩm phở ăn liền Đệ Nhất cũng tăng hơn 16%, với giá mới 207.000 đồng/thùng 30 gói, giá bán lẻ khoảng 8.000 đồng/gói. Các hương vị của nhãn mì Hảo Hảo có mức tăng bình quân 10,5%, với giá bán lẻ đề nghị khoảng 4.500 đồng/sản phẩm…

Theo các nhà bán lẻ, mức đề nghị điều chỉnh từ giữa tháng 10 nhưng đến nay nhiều nơi mới bắt đầu áp dụng giá mới sau khi hết hàng dự trữ.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ hai Acecook tăng giá bán lẻ các sản phẩm. Hồi đầu tháng 3-2022, nhà sản xuất Nhật Bản cũng đã điều chỉnh tăng giá sau thời gian dài với lý do giá các nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao.

Theo ghi nhận, trên thị trường giá mì ăn liền của các hãng cũng có sự phân hóa như mì Omachi sốt bò hầm giá 252.000 đồng/thùng 30 gói, mì khoai tây Cung Đình thịt nấm giá 228.000 đồng/thùng 30 gói... chênh lệch khoảng 5% so với trước.

Hồi tháng 9-2022, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trong chương trình bình ổn giá đã có văn bản gửi Sở Tài chính TP.HCM đề xuất tăng giá bún, mì, miến, phở... vì áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Theo các doanh nghiệp này, các nguyên liệu chính như bột mì, dầu shortering, gạo, dầu cọ, trấu, than cám chiếm 80% trong cơ cấu giá thành đều không ngừng tăng giá thời gian qua.

Một sức ép khác là biến động tỉ giá thời gian gần đây cũng khiến nhiều mặt hàng nhập khẩu, có hàng có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu tăng giá. Hiện giá các loại mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm nhập khẩu đã được điều chỉnh ít tăng nhất 5%.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho biết mặt bằng giá hàng hóa sẽ dần hình thành rõ hơn khi thị trường bước sang tháng 11, thương nhân bắt đầu "ôm hàng" chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm.

Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), trong năm 2021, Việt Nam là quốc gia có sản lượng tiêu thụ mì ăn liền cao thứ ba thế giới, xếp sau Trung Quốc và Indonesia, với ước tính có khoảng 8,56 tỉ gói mì ăn liền được tiêu thụ, tăng 21,7% so với năm 2020. Đây là mặt hàng trong dịch có tốc độ tiêu dùng mạnh hơn so với bình thường.

Với mức tiêu dùng này, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành quốc gia có mức tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người cao nhất thế giới. Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ 87 gói mì/năm.

Chia sẻ