"Mẹ Rồng” đưa áo dài Việt tung bay trên đất Nhật: Khi tình yêu cái đẹp truyền thống trở thành “vũ khí” kết nối văn hóa tuyệt vời
Bà mẹ Việt ở Nhật Bản đã có công tạo ra những tà áo dài không chỉ đẹp về phương diện thời trang mà còn mang ý nghĩa văn hóa to lớn.
Tà áo dài từ lâu đã được xem như di sản văn hóa, nét đẹp truyền thống góp phần định hình hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Những năm gần đây, tà áo dài ngày càng chứng tỏ được vị trí quan trọng của mình khi từ thành thị cho tới nông thôn, đâu đâu cũng tràn ngập hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Không chỉ ở trong nước, áo dài cũng theo người Việt sang khắp các quốc gia trên khắp thế giới để chứng minh cho sự trường tồn của một nét đẹp văn hóa quý giá.
Nhưng sẽ ra sao nếu cả người nước ngoài cũng yêu vô cùng tà áo dài truyền thống của người Việt? Đó hẳn sẽ là niềm tự hào vô bờ bến mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng muốn. Và thành tựu ấy thuộc về phần lớn công sức của những người biết cách đưa nét đẹp truyền thống của quê hương lan tỏa tới bạn bè năm châu bốn bể.
Trong số đó không thể không nhắc đến một bà mẹ Việt hiện đang sinh sống ở Nhật Bản - chị Quế Anh (sinh năm 1988 - tuổi Rồng).
Thời gian gần đây, chị Quế Anh đã "nổi như cồn" trên nhiều trang mạng xã hội vì những sản phẩm áo dài có khả năng "gây thương nhớ" vô cùng. Chỉ cần nhìn qua trên ảnh cũng đã thấy say đắm, chưa nói đến việc được khoác lên mình tà áo dài có sự đan xen, kết hợp cực tinh tế giữa 2 nền văn hóa Việt - Nhật.
Cơ duyên hoàn hảo với đất nước Mặt trời mọc
Chị Quế Anh sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, tốt nghiệp đại học chị theo học ngành Kiến trúc. Ra trường đi làm được 1 năm, mở một cửa hàng bán đồ handmade, chị Quế Anh cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn được niềm đam mê xê dịch, thích bay nhảy đây đó.
Chị bắt đầu tìm hiểu về nước Nhật và muốn sang nước bạn học ngành thiết kế thời trang. Nghĩ là làm, chị bỏ lại tất cả sự nghiệp dang dở ở Hà Nội, chia tay bạn bè người thân nơi quê nhà để sang Nhật du học.
Năm 2017, duyên số đưa chị đến với anh chàng người Nhật Bản. Chị bảo, có thể coi đó là "thiên duyên tiền định". Vậy nên khi đón con gái đầu lòng, chúng mình đặt tên bé là Natsumi (tạm dịch là vẻ đẹp của mùa hè), tên tiếng Việt là Phạm Hoài Hạ Mi. Cái tên Natsumi cũng được chị Quế Anh dùng để đặt tên cho thương hiệu thời trang của mình.
Ý tưởng mang áo dài tung bay trên đất Nhật
Trước khi tự ra làm thương hiệu áo dài Natsumi của bản thân hiện tại, chị Quế Anh đã có thời gian làm việc ở một công ty thời trang tại Nhật Bản. Chị đã tích cực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và kết hợp với văn hóa Việt Nam để may những bộ áo dài "đậm chất Việt" nhưng cũng có sự giao thoa khi kết hợp vào đó những chất liệu vải và cả họa tiết là hình bộ trang phục kimono truyền thống của người Nhật. Nhìn vào tổng thể những bộ áo dài, ai cũng phải tấm tắc khen ngợi vì sự kết hợp đầy tinh tế và đẹp mắt.
Chị Quế Anh chia sẻ: "Mình cũng tự hào vì người Nhật cực kỳ kĩ tính nhưng họ đã tuyển mình là người nước ngoài duy nhất vào công ty. Cho đến bây giờ, công ty vẫn tha thiết mong mình cộng tác bán thời gian. Nhưng rõ ràng mình là người Việt Nam, nhất định mình phải đưa văn hóa Việt Nam vào dòng chảy văn hóa của Nhật Bản, và phục vụ cộng đồng người Việt bên này. Nên mình chọn áo dài để phát triển sự nghiệp, đơn giản chỉ có vậy".
Chia sẻ về nguồn gốc ý tưởng may áo dài ở Nhật Bản, chị Quế Anh cho biết: "Mình rất yêu con gái, và muốn con được thừa hưởng, quảng bá nhiều phần Việt Nam hơn nữa. Ban đầu, mình tự may những sét áo dài đôi cho 2 mẹ con vào dịp Tết, rồi may cho cả gia đình, chồng mình cũng thích mặc áo dài Việt Nam.
Lâu dần, khi làm áo dài bán, mình làm chuyên về dòng áo dài mẹ con, áo dài anh chị em, áo dài gia đình. Mình mong muốn chiếc áo sẽ tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Khi ấy, nó không chỉ là biểu tượng văn hóa của đất nước mà còn là nguồn cội gia đình yêu thương".
Được đón nhận nồng nhiệt "ngoài sức tưởng tượng"
Ban đầu, khi may áo dài để bán, chị Quế Anh chủ yếu bán cho cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản. Nhưng thật không ngờ, nhiều người Nhật cũng thích áo dài chị bán. Dù người Nhật rất kĩ tính, và coi trọng văn hóa của chính họ nhưng nay đã yêu mến và sẵn sàng mặc áo dài Việt Nam.
"Mọi người khen áo dài mình bán trên các nền tảng Meru, Base. Đặc biệt nữa là Việt kiều ở các quốc gia khác trên khắp thế giới cũng thích áo dài của mình. Họ sẵn sàng nhận vận chuyển trực tiếp từ Nhật sang, một số người khác thì nhờ gửi về Việt Nam rồi chờ người nhà gửi sang".
May mắn, chị Quế Anh có con gái Natsumi làm "mẫu nhí" giúp mẹ quảng cáo những tà áo được ví vào hàng "tuyệt phẩm", đẹp từ chất liệu cho đến đường kim mũi chỉ...
Chị nói: "Bé cũng rất thích mặc áo dài và đi guốc mộc, cứ chụp ảnh với áo dài là tự giác tạo dáng rất phiêu. Trong 3 điều mình dạy con về văn hóa Việt: ăn món ăn Việt, mặc trang phục Việt và nói tiếng Việt thì có thể nói ở 2 yếu tố đầu mình đã thành công rực rỡ".
Nói về dự định tương lai, chị Quế Anh cho biết: "Mình đang xúc tiến mở 1 gian hàng ở trung tâm thương mại Tokyo, chuyên về thời trang Nhật – Việt, trong đó quan trọng nhất là áo dài. Kèm theo đó là các phụ kiện handmade của Việt Nam.
Mặt khác, để phục vụ được cộng đồng người Việt ở quê nhà, mình đang tiến hành mở thêm xưởng may nho nhỏ ở Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho các bạn Việt kiều yêu mến mình thuận lợi hơn khi đặt đồ. Và quan trọng là "đi thật xa để trở về", mình mong muốn được phục vụ quê hương, đáp ứng tình yêu của mọi người dành cho áo dài nhà mình.
Để thực hiện được mục tiêu đó, chắc chắn với mình là nhiều đêm trắng, là nhiều ngày miệt mài. Nhưng với nhiệt huyết và niềm say mê lớn, mình mong muốn áo dài Natsumi sẽ cùng người Việt đặt chân tới nhiều quốc gia, để rồi, đứng giữa năm châu, ai cũng sẽ nhận ra bạn là người Việt Nam bởi chiếc áo dài".
Cảm ơn chị Quế Anh về ý tưởng và tâm huyết của chị. Chúc cho thương hiệu áo dài Natsumi của chị sẽ vươn xa vươn cao hơn nữa!