Mẹ Hà Nội khoe con có ý thức và nấu ăn ngon như đầu bếp nhà hàng, nhìn thành quả ai cũng xuýt xoa: Dạy con trai quá khéo!
"Bây giờ mình hoàn toàn yên tâm mỗi khi vắng nhà. Khi bố mẹ trở về, cơm dẻo canh ngọt, thức ăn ngon lành đã chờ sẵn", chị Minh kể.
Sáng sớm, gian bếp nhà chị Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) thoảng mùi thức ăn thơm lừng. Tò mò vào bếp, chị xúc động thấy cậu con trai Tùng Dương (14 tuổi) đang cặm cụi làm mẻ bánh bao nóng hổi cho cả nhà cùng ăn sáng. Dù những chiếc bánh không có hình thức bắt mắt như mua ngoài tiệm, nhưng mùi vị thực sự rất ngon. Bánh có độ xốp, vị ngậy, thơm thơm của sữa tươi của nấm hương, bùi bùi của trứng.
Người mẹ chụp lại từng công đoạn của con, từ làm nhân, vỏ bánh, hấp bánh... Những khoảnh khắc đáng yêu của Tùng Dương khi được chia sẻ lên trang cá nhân của chị Minh khiến ai nấy đều thích thú và ngưỡng mộ sự khéo tay của cậu bé.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên cậu bạn này thức dậy sớm làm bánh bao cho bố mẹ cùng ăn. Chị Minh kể, có những hôm đi làm về hơn 9h tối, bụng đói cồn cào, về nhà chị đã thấy con trai lúi húi trong bếp chuẩn bị buổi tối cho cả nhà.
Làm nhiều, quen tay... Tùng Dương đã trở thành "đầu bếp nhí" có tay nghề "không phải dạng vừa", những món ăn từ đơn giản đến phức tạp của cậu bé ai ăn cũng tấm tắc khen ngon.
"Bố mẹ không phải đầy tớ của con cái"
Chị Minh cho rằng, trải qua nhiều năm cho con tham gia vào việc nhà, càng ngày chị càng thấm câu "bố mẹ không phải đầy tớ của con cái". Phải cho con trải nghiệm, phải cho con làm thì con mới thấy giá trị của cuộc sống.
Từ lúc Dương lên 5 tuổi, nhà không có ông bà phụ giúp, chồng lại đi công tác các tỉnh 1, 2 tháng mới về, chị Minh đã bắt đầu rèn cho con làm các việc nhà đơn giản. Đầu tiên là nhặt rau rửa bát: "Lúc đó con còn bé tí, chị bắt ghế cho con đứng rửa. Lần đầu tiên con được trải nghiệm với bát đũa, nước rửa chén nhưng con rửa rất kỹ, rất sạch dù có hơi... tốn nước một chút".
Lên lớp 1, Dương đã được mẹ bắt đầu cho làm quen với việc cắm cơm, luộc rau, luộc trứng.... Rồi cứ thế mà chị Minh kéo con vào bếp làm nhiều việc khác nữa. Con rất hợp tác nhưng thời gian đầu ông bà hai bên xót cháu nên chị Minh bị mắng vốn suốt.
"Tuy nhiên, mình chia sẻ quan điểm cho con làm để con tự lập, để con thấu hiểu và yêu thương hơn chứ không phải do mẹ lười hay quá bận rộn. Giải thích mãi cuối cùng ông bà cũng thấu hiểu, giờ nhìn cháu giúp bố mẹ, ông bà vui lắm", chị Minh chia sẻ.
Theo chị Minh, học hành của con là điều được ưu tiên và chị cũng rất kỹ trong việc chọn trường chọn lớp. "Nhưng vợ chồng mình luôn dạy con làm người tốt trước khi thành tài. Có tài phải đi liền với đức. Phải biết quan tâm, yêu thương chia sẻ. Con mình học không phải quá xuất sắc nhưng với mình như vậy là đủ".
Chị Minh cho rằng trẻ con vốn giỏi hơn chúng ta nghĩ. Quan trọng là bố mẹ có để cho con thể hiện bản thân hay không mà thôi. Con trai hay con gái cũng nên được tham gia vào việc nhà như nhau. "Con gái nhà mình gần 4 tuổi nhưng cũng đã phụ mẹ lau nhà, hút bụi, lau bàn ghế, gấp quần áo... Theo mình, cho con làm việc nhà là cách tuyệt vời để dạy trẻ các kỹ năng sống, biết cách chia sẻ và có tinh thần trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ", chị Minh chia sẻ.