Mẹ bỉm sữa Trung Quốc vung tiền hưởng 'Khách sạn ở cữ' sang trọng: Giải tỏa mệt mỏi sau sinh bằng dịch vụ tốt nhất và... tránh xa gia đình vài tuần
Giai đoạn ở cữ cũng là lúc mẹ bỉm sữa bất ổn về mặt tinh thần nhất. Do đó, ngày càng có nhiều bà mẹ chọn ở cữ tại các khách sạn dành cho bà bầu và phụ nữ mới sinh.
Căn phòng ngập tràn mùi thơm của các loại thảo mộc. Doris Luo nằm úp mặt xuống giường để nhân viên nhẹ nhàng xoa bóp vai và lưng. Tiếng gõ cửa thông báo bữa trà chiều đã sẵn sàng.
Bỗng, một tiếng khóc lớn xé tan sự im lặng. Đứa con trai mới sinh của Luo đã thức dậy. Một bảo mẫu đến giúp mẹ bỉm sữa 32 tuổi chuyển sang tư thế thoải mái hơn trong khi cô cho con bú. 20 phút sau, cô ôm con đi tới đi lui cho bé ợ hơi. Luo quay lại với bữa trà chiều của mình.
Luo là khách hàng của một loại hình khách sạn mới đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc: “Khách sạn hậu sản” sang trọng giúp các bà mẹ mới sinh ở cữ trong điều kiện tốt nhất.
Phong tục ở cữ đã có từ nhiều thế kỷ trước ở Trung Quốc. Sau khi sinh con, các bà mẹ mới sinh phải ở trong nhà cả tháng, tránh nhiệt độ lạnh và hoạt động mạnh để hỗ trợ phục hồi thể chất.
Nguyên tắc ở cữ có sự khác nhau ở từng vùng miền, thế nhưng vẫn có một điểm chung: Các bà mẹ mới sinh không được ra khỏi nhà, không uống nước lạnh hoặc tắm bằng bất cứ thứ gì khác ngoài nước nóng. Ở một số nơi, các bà mẹ thậm chí còn bị bắt tránh xa TV, điện thoại và máy sấy tóc để tránh bức xạ.
Giai đoạn ở cữ cũng là lúc mẹ bỉm sữa bất ổn về mặt tinh thần nhất. Nhiều bà mẹ trẻ buồn phiền vì người thế hệ trước khắt khe trong phong tục ở cữ. Điều đó dẫn đến việc ngày càng có nhiều bà mẹ chọn ở cữ tại các khách sạn dành cho bà bầu, nơi họ có thể tận hưởng nhiều dịch vụ sau sinh, trị liệu spa… và được xa gia đình vài tuần.
"Khách sạn ở cữ" hào hoa
Các khách sạn thai sản đầu tiên xuất hiện ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh vào những năm 2000, và nhắm mục tiêu đến giới siêu giàu với mức phí khoảng 15.000 NDT/ngày (hơn 51 triệu đồng). Nhưng loại hình dịch vụ này hiện đang trở nên phổ biến và được nhiều tầng lớp tiếp nhận.
Năm 2022, Luo đăng ký vào một khách sạn hậu sản ở Nam Xương (Giang Tây, Trung Quốc). Cô trả 40.000 NDT (hơn 136 triệu đồng) cho 26 ngày tĩnh dưỡng sau sinh. Theo đánh giá của Luo, số tiền bỏ ra cực kỳ đáng giá.
Luo chia sẻ: “Cuộc sống ở đây thật tuyệt vời đối với một bà mẹ mới sinh con. Ở nhà, người thân sẽ liên tục nhắc nhở tôi đội mũ và đi tất dài. Nhưng ở đây, ngoài việc cho con bú, tất cả những gì bạn phải làm là ăn sáu bữa một ngày và đi ngủ. Bạn có thể nghịch điện thoại bao nhiêu tùy thích”.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Intelligence Research Group, thị trường khách sạn dành cho bà bầu và phụ nữ sau sinh của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần từ năm 2013 đến năm 2019. Đến năm 2030, con số này được dự đoán sẽ vượt qua 30 nghìn tỷ NDT.
Meng Qiuping, cố vấn đầu tư tại một chuỗi khách sạn dành cho phụ nữ mang thai với hơn 600 cơ sở ở Trung Quốc, nói rằng 90% khách sạn mới mà công ty của cô mở trong vài năm qua đều có trụ sở tại các quận và thành phố cấp thấp hơn.
Có hai lợi thế chính khi nhắm mục tiêu vào các thành phố nhỏ hơn, Meng nói. Đầu tiên là chi phí thấp hơn. Việc mở một cơ sở chất lượng cao ở thành phố như Thượng Hải hoặc Bắc Kinh đòi hỏi một khoản đầu tư cực lớn, khiến việc kiếm lợi nhuận trở nên khó khăn hơn.
Lợi thế thứ hai là thị trường tiềm năng. Các cặp vợ chồng ở thành phố nhỏ của Trung Quốc có xu hướng sinh nhiều con hơn so với ở các thành phố hạng nhất. Ví dụ, ở Thượng Hải, chỉ có 24% trẻ sơ sinh là con thứ hai, nhưng tính trên toàn Trung Quốc, tỷ lệ này trên 55%.
Meng nói: “Nhờ ảnh hưởng của mạng xã hội và những người nổi tiếng, hầu hết mọi phụ nữ đều biết đến các khách sạn hậu sản”.
Ở cữ tại khách sạn không phải phá vỡ truyền thống, mà là phiên bản hiện đại hơn ở cữ tại nhà
Duan Tao, một bác sĩ sản khoa nổi tiếng, cho rằng các quy tắc ở cữ hiện nay không cần quá nghiêm ngặt vì hầu hết các hộ gia đình đều trang bị các thiết bị hiện đại, hệ thống sưởi và nước nóng.
Thế nhưng truyền thống “nằm nhà ở cữ” vẫn ăn sâu đến mức người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã phản ứng kinh ngạc khi Vương phi Kate của Vương thất Anh, xuất hiện trước công chúng với giày cao gót và mặc váy ngắn ngay sau khi sinh con vào năm 2015. Do đó, các khách sạn hậu sản cung cấp một cách tiếp cận “khoa học” hơn cho việc ở cữ.
Trung tâm chăm sóc sau sinh Tượng Sơn khai trương vào năm 2018 và trực thuộc một bệnh viện phụ sản tư nhân ở địa phương. Cơ sở này có 80 nhân viên, bao gồm bác sĩ nhi khoa, y tá, bảo mẫu, cố vấn tâm lý và huấn luyện viên yoga.
Wu Jiani, quản lý của trung tâm, chia sẻ: “Phụ nữ hiện đại đang theo đuổi phương pháp khoa học hơn để vừa chăm sóc em bé vừa phục hồi sức khỏe hoàn toàn trong tháng đầu tiên sau khi sinh con”.
Trung tâm cũng rất chú trọng đến chế độ ăn của khách hàng. Theo truyền thống của Trung Quốc, các bà mẹ mới sinh nên ăn nhiều súp thịt, nhiều chất béo, vì được cho là lợi sữa giàu chất dinh dưỡng cho con. Tuy nhiên, Wu nói rằng trung tâm đã thiết kế một kế hoạch bữa ăn gồm bốn bước theo tư vấn của chuyên gia, sẽ hiệu quả hơn trong việc giúp các bà mẹ hồi phục.
Wu cho biết giữa các bữa ăn, khách sạn cung cấp nhiều hoạt động cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, chẳng hạn như các buổi kéo giãn cơ, bơi lội và mát-xa. Các lớp học này được thiết kế để hỗ trợ sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sơ sinh, đồng thời giúp các bà mẹ phát triển mối quan hệ gắn bó sâu sắc hơn với con cái.
Wu nói: “Một nghìn ngày đầu tiên là giai đoạn quan trọng để trẻ tiếp thu tri thức. Chúng tôi sẽ tương tác với các em bé và dạy phụ huynh giao tiếp bằng cảm xúc với con…”.
“Phụ nữ đã nhận ra rằng họ nên đối xử tốt hơn với bản thân”, Wu nói, đồng thời cho biết thêm rằng đây là lý do tại sao số lượng khách hàng của khách sạn tiếp tục tăng bất chấp tỷ lệ sinh giảm mạnh của Trung Quốc.
Ma Lin, 50 tuổi, đã làm y tá hộ sinh hơn 20 năm. Cô dự định mở một khách sạn hộ sinh ở quê hương Quán Vân (Giang Tô, Trung Quốc).
Ma nói: “Tôi biết phụ nữ mong manh và dễ xúc động như thế nào sau khi sinh con. Nhiều người nghĩ chỉ có đẻ mới đau, nhưng không phải vậy. Khi bạn đối mặt với một đứa trẻ đang khóc đòi thay tã và cho ăn hai đến ba giờ một lần, điều này thật sự rất kinh khủng”.
Trong những năm làm y tá, Ma cũng đã chứng kiến nhiều cuộc tranh chấp giữa các bà mẹ và người thân của họ. Cô nói, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, các gia đình vẫn giữ quan điểm truyền thống về nuôi dạy con cái. Có lần, Ma nhìn thấy một bà mẹ khóc hàng giờ sau khi nhà chồng nhất quyết dùng dây trói chặt hai chân đứa con gái bé bỏng của cô vì tin rằng cách này sẽ giúp chân của em bé phát triển thẳng.
Ma hy vọng rằng khách sạn hậu sản của cô có thể giúp phụ nữ khỏi kiểu gia đình theo truyền thống cũ. Cô nói rằng khi lên chức bà ngoại, cô sẽ trả tiền cho con dâu tĩnh dưỡng ở khách sạn thai sản, bất kể chi phí là bao nhiêu.
Nguồn: Sixthtone