Mặt to bất thường sau khi dùng thuốc Đông y trị bệnh khớp

Trọng Nhân,
Chia sẻ

Với tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh chóng, corticoid được nhiều người coi như “thần dược” trong điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh cơ xương khớp.

Không chỉ Tây y mà cả thuốc Đông y cũng trộn thêm thuốc này để nhanh chóng mang lại hiệu quả giảm đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc lạm dụng corticoid tiềm ẩn vô vàn biến chứng nguy hiểm.

Suy thượng thận thứ phát do thuốc đông y

Sau một thời gian uống thuốc Đông y trị đau khớp, chị L.K.C. (Hà Nội) thấy mặt to tròn, mí mắt sưng. Chị C. nghĩ rằng trong dịp giãn cách xã hội do dịch COVID-19 nên bị tăng cân vì ăn, ngủ nhiều. Khi đến bệnh viện khám định kỳ, bác sĩ thấy dấu hiệu mặt to tròn, nặng và giữ nước, tay chân nhỏ, ria mép, lông chân, lông tay mọc rậm hơn, và mặc dù nhìn có vẻ béo, nhưng chị không hề tăng cân… khám và cho biết, chị bị suy tuyến thượng thận thứ phát do corticoid, với kiểu hình Hội chứng Cushing.

Bệnh nhân L.K.C. rất ngạc nhiên với kết luận này của bác sĩ, bởi chị cắt thuốc ở một nơi rất tin tưởng, hơn nữa, đã ngừng uống thuốc mấy tháng nay, nhưng mặt vẫn nặng, do đó chị không nghĩ thuốc Đông y mà chị uống có trộn corticoid. Qua khai thác thêm quá trình dùng thuốc, bệnh nhân C. cho biết bị thoái  hóa khớp, sưng đau khắp các khớp ngón tay đến khớp lưng, khớp gối. Vì  sợ điều trị Tây y có hại nên chị chuyển sang dùng thuốc Đông y. Khi uống thuốc được 2 ngày, tình trạng sưng đau đã giảm nhiều và cảm thấy rất nhẹ nhõm. Nếu ngừng thuốc thì các khớp lại đau, cứng và rất nặng nề, vì thế bệnh nhân C. cứ tiếp tục dùng thuốc, có đợt kéo dài nửa năm…

TS. Phạm Thúy Hường - PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết, để tìm kiếm trong thuốc Đông y đó có trộn corticoid hay không là một quy trình rất phức tạp. Nhưng trong suốt thời gian đó, bệnh nhân không dùng thuốc gì khác và với các biểu hiện rất rõ rệt của kiểu hình của Hội chứng Cushing kèm theo các dấu hiệu khác thì chắc chắn bệnh nhân C. đang gặp phải tác dụng phụ của corticoid. Có thể trong thuốc Đông y mà bệnh nhân C. uống có hàm lượng corticoid rất thấp, nhưng việc uống thuốc kéo dài đã khiến bệnh nhân gặp phải tác dụng không mong muốn kể trên.

Bệnh nhân C. là một trong số rất nhiều bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng của corticoid sau khi uống thuốc Đông y. Thậm chí họ không hề biết thuốc Đông y có trộn chất này, mà chỉ nghĩ “thuốc Đông y hay giữ nước”…

Mặt to bất thường sau khi dùng thuốc Đông y trị bệnh khớp - Ảnh 1.

Hình ảnh Hội chứng Cushing.

Hệ lụy khó lường khi lạm dụng thuốc

Corticoid có hiệu quả chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch rất tốt, nên nó được xem như là “thần dược” trong các bệnh lý tự miễn như các bệnh da liễu, khớp, dị ứng… Do tác dụng mạnh nên khi uống 2-3 liều, bệnh nhân đã thấy bệnh cải thiện, dễ chịu. Đây chính là điều khiến bệnh nhân lạm dụng, dùng thuốc lâu dài, dẫn đến tình trạng bệnh ổn định một cách giả tạo.

TS. Hường cho biết: Việc chỉ định corticoid trong điều trị bệnh hết sức thận trọng, đặc biệt các bệnh nội khoa mạn tính như bệnh viêm đa khớp, đau thần kinh... Phải coi corticoid là lựa chọn cuối cùng và không phải bệnh lý khớp nào cũng sử dụng corticoid như nhau. Với các tổn thương khớp và đau khớp liên quan đến những cấu trúc của khớp như thoái hóa khớp (thường gặp ở người cao tuổi), đau lưng, đau thần kinh tọa, viêm gân cơ, dây chằng không khuyến cáo sử dụng corticoid bằng đường toàn thân. Chỉ một số bệnh lý khớp miễn dịch như viêm khớp dạng thấp hoặc một số ít trường hợp trong bệnh gout kháng thuốc, không đáp ứng với những thuốc kháng viêm thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc đường uống toàn thân, nhưng chỉ sử dụng liều cao ngắn ngày. Nếu trong thuốc Đông y có trộn corticoid chỉ có một con đường duy nhất để sử dụng, đó là đường uống, tức là đường toàn thân và thường dùng kéo dài từ vài tháng, thậm chí hàng năm. Việc sử dụng thuốc Đông y có trộn corticoid sẽ không định lượng được hàm lượng, nên lại càng khó để xử lý hậu quả.

Hơn nữa, đối với trường hợp bệnh nhân dùng corticoid kéo dài, thì từ quá trình sử dụng thuốc đến ngừng thuốc là một lộ trình, phải được theo dõi khá nghiêm ngặt. Nếu dùng corticoid kéo dài và ngừng thuốc đột ngột có thể gây suy tuyến thượng thận cấp và điều này nguy hiểm hơn rất nhiều. Vì những hệ lụy liên quan đến suy tuyến thượng thận khiến những bệnh nhân này rất dễ mắc các bệnh khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, nhiễm trùng... Với bệnh nhân đã mang sẵn những bệnh lý này thì việc dùng cocticoid với mục đích giảm đau chống viêm cho bệnh lý khớp, thần kinh sẽ làm trầm trọng thêm bệnh chính như: khó kiểm soát được huyết áp và đường máu, suy giảm miễn dịch dễ bị nhiễm trùng... TS. Hường cảnh báo.

Việc dùng thuốc có chứa corticoid kéo dài và ngừng thuốc đột ngột như bệnh nhân C., muốn biết hậu quả gây ra của thuốc đã ảnh hưởng đến tuyến thượng thận và các tuyến nội tiết khác hay chưa, hoặc ở mức độ nào, cần làm một số xét nghiệm để xác định, sau đó cần điều trị tại chuyên khoa nội tiết.

Mặt to bất thường sau khi dùng thuốc Đông y trị bệnh khớp - Ảnh 2.

Chia sẻ