Luật sư nói gì về “hot girl” Bella có dấu hiệu bạo hành con trai?

Minh Khôi,
Chia sẻ

Theo luật sư, cần thiết có thể giám định tâm thần cho Bella, nếu cô gái này bị bệnh tâm thần, hoặc rơi vào tình trạng quẫn bách, không thể nuôi con mình được thì có thể hạn chế hoặc tước bỏ quyền nuôi con của cô gái này để giao cho cá nhân, tổ chức khác chăm sóc, giáo dục bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho em bé.

Thời gian vừa qua, "hot girl Bella" liên tục khiến cộng đồng mạng phẫn nộ bởi những video để phả khói thuốc lá vào mặt con trai, hành hạ, xốc cổ con ngay giữa đường, tha lôi con đi khắp nơi, để nhiều đồ đạc đè lên người con, thậm chí còn tuyên bố "rao bán con cho người khác"...

Trước đó, vào hồi tháng 1/2018, mạng xã hội từng dậy sóng khi xuất hiện một clip ngắn ghi lại cảnh Bella liên tục có những lời nói chửi bới, đe dọa đứa con trai mới hơn 6 tháng tuổi của mình. Theo đó, vì nghĩ rằng đứa bé "vượt thời gian về để suốt ngày quậy phá cuộc sống của Bella", sau này lớn lên sẽ "ăn cháo đá bát", tìm cách trả thù Bella nên cô đã dùng những lời lẽ khiếm nhã để chửi bới con trai. Những từ ngữ "nuôi ong tay áo", "bố láo", "khốn nạn" được người mẹ này dùng để mạt sát con của mình.

Hơn thế nữa, một loạt lời đe dọa mà Bella dành cho con trai như "đuổi thì không đuổi được, giết cũng không giết được" hay "Đừng tưởng con đẻ tao mà tao không giết được mày"... đã khiến ai xem cũng thấy lạnh gáy và hết sức phẫn nộ.

Luật sư nói gì về “hot girl” Bella có dấu hiệu bạo hành con trai? - Ảnh 1.

Bella chất đống hành lý lên người con trai dứt ruột đẻ ra

Luật sư nói gì về “hot girl” Bella có dấu hiệu bạo hành con trai? - Ảnh 2.

Bella để con nằm trên đường và hút thuốc

Luật sư nói gì về “hot girl” Bella có dấu hiệu bạo hành con trai? - Ảnh 3.

Thậm chí, xách cổ đứa bé trên tay như đồ vật.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu như trước đây luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 chỉ hướng tới những đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, dễ bị xâm hại, dễ bị tổn thương thì Luật trẻ em 2016 lại có nhiều quy định mới mở rộng phạm vi và đối tượng cũng như có những quy định rất đầy đủ để bảo vệ tất cả trẻ em Việt Nam, phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và xu thế phát triển của xã hội.

Luật sư nói gì về “hot girl” Bella có dấu hiệu bạo hành con trai? - Ảnh 4.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo đó, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ đầu tiên mà đạo luật này hướng tới, tiếp theo mới là chăm sóc và giáo dục trẻ em. Theo đó, bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Đặc biệt, luật trẻ em nghiêm cấm hành vi bạo lực với trẻ em, và các hành vi khác như bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em. Cụ thể: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Luật sư nói gì về “hot girl” Bella có dấu hiệu bạo hành con trai? - Ảnh 5.

Vừa quay video, Bella vừa mạt sát con trai với lời lẽ cay nghiệt

Luật trẻ em và Luật hôn nhân và gia đình đều quy định cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong trường hợp cha mẹ không còn hoặc không đủ điều kiện để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì sẽ thay thế bằng người giám hộ khác.

Luật sư Cường nhận định, việc cô gái trẻ có tên gọi Bella đã có những hành động đe dọa, ngược đãi con diễn ra nhiều lần trong thời gian dài và người phụ nữ này không cư trú ổn định, đưa con nhỏ tuổi đi lang thang kiếm sống. Đồng thời, có nhiều cá nhân lên tiếng tố cáo hành vi ăn quỵt tiền, không quan tâm đến con, dùng con làm phương tiện kiếm sống của "hotgirl" này cho thấy, đứa bé mà bé mà Bella mang theo đang có nguy cơ bị xâm hại bởi chính người mẹ đẻ của mình, cụ thể ở đây là nguy cơ bị bỏ rơi, bỏ mặc hoặc bị bạo lực.

Bởi vậy các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ và có biện pháp xử lý phù hợp để bảo vệ em bé này khỏi các nguy cơ bị xâm hại. Trước mắt chính quyền địa phương, cơ quan công an và Hội bảo vệ trẻ em có thể phối hợp để vào cuộc trực tiếp.

"Cần thiết có thể giám định tâm thần cho cô gái này, nếu cô gái này bị bệnh tâm thần, hoặc rơi vào tình trạng quẫn bách, không thể nuôi con mình được thì có thể hạn chế hoặc tước bỏ quyền nuôi con của cô gái này để giao cho cá nhân, tổ chức khác chăm sóc, giáo dục bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho em bé.

Nếu cô gái trẻ này cố tình xâm hại tới đứa trẻ thì tùy vào tính chất mức độ và hậu quả có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành", luật sư Cường nhấn mạnh.

Điều 6. Luật trẻ em 2016 quy định rất cụ thể những hành vi bị cấm đối với trẻ em như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.

2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

7. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

8. Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc Điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.

9. Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

10. Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

11. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

12. Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

13. Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

14. Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.

15. Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, Điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.





Chia sẻ