Luật Quảng cáo sửa đổi “siết” chặt hành vi của nghệ sĩ, người nổi tiếng
Không chỉ “tuýt còi”, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ siết chặt hành vi của các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Những quảng cáo tô hồng bôi đen, khiến người tiêu dùng tiền mất, tật mang sẽ được đẩy lùi.

Vụ việc quảng cáo kẹo rau Kera do những người có ảnh hưởng xã hội thực hiện khiến niềm tin người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ảnh: FB Hằng Du Mục
Nhức nhối quảng cáo gian dối
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTTDL) khẳng định, thực trạng quảng cáo hàng giả, thổi phồng chất lượng trong thời gian qua đã tạo nên một góc tối đầy nhức nhối, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Hàng loạt vụ việc lùm xùm khiến người tiêu dùng bức xúc, trong khi nghệ sĩ, người nổi tiếng chỉ "hồn nhiên" xin lỗi.
Theo bà Hương, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều biện pháp siết chặt quản lý quảng cáo, bao gồm việc kiểm soát các KOL, KOC nhằm đảm bảo tính chính xác, uy tín trong quảng bá sản phẩm.
"Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung mới được ban hành sẽ "siết" hành vi, trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng. Từ đó, giảm thiểu nhức nhối từ vấn nạn quảng cáo hàng giả, kém chất lượng có người nổi tiếng tham gia", bà Ninh Thị Thu Hương chia sẻ.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTTDL), ảnh: Nam Nguyễn
Quan điểm siết nghĩa vụ, không siết cơ hội đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng được thể hiện rõ tại Luật Quảng cáo mới. Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động quảng cáo có sự tham gia của người nổi tiếng được xác định mang lại hiệu quả tích cực trong thúc đẩy tiêu dùng, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế.
Nhưng cũng đồng nghĩa, nghệ sĩ, người nổi tiếng khi quảng cáo không thể chỉ là "máy đọc, máy diễn" theo kịch bản nhãn hàng. Đại biểu quốc hội, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, nghệ sĩ không chỉ là một cá nhân nổi tiếng mà là người định hướng dư luận, có khả năng dẫn dắt niềm tin xã hội, người được công chúng yêu mến không chỉ vì tài năng mà còn vì nhân cách.
Bởi thế, mỗi sản phẩm nghệ sĩ lựa chọn quảng bá không đơn thuần là một hợp đồng kinh doanh, mà còn là một cam kết đạo đức đối với cộng đồng.
Luật cũng quy định về xác minh độ tin cậy của người quảng cáo. Đây là yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm đối với cộng đồng, đẩy lùi tình trạng âu lo về quảng cáo hàng giả, hàng nhái, sai sự thật.
Đừng xin lỗi muộn màng
Nhiều án phạt có sức răn đe đã được cơ quan chức năng ban hành. Đó không chỉ là lời cảnh tỉnh với các nghệ sĩ, người nổi tiếng mà cũng phần nào xoa dịu bức xúc dư luận.
Nhưng đáng nói là, những hình phạt này dường như vẫn chưa đủ sức nặng. Bởi chỉ sau khi những nghệ sĩ, KOLs này cúi đầu xin lỗi một thời gian ngắn thì hiện tượng này lại tiếp tục nảy nở, như nấm sau mưa.

Những lời xin lỗi muộn màng, ảnh: Q. Hoa
Sau hoang mang từ quảng cáo kẹo rau Kera, niềm tin người tiêu dùng tiếp tục bị tấn công khi vụ án hình sự liên quan đến sản phẩm kem chống nắng thương hiệu Hanayuki do ca sĩ Đoàn Di Băng quảng cáo bị khởi tố; sữa HIUP từng được giới thiệu là sản phẩm tăng chiều cao và trí thông minh cũng bị xác định là hàng giả.
Để "dọn" khối lượng đồ sộ quảng cáo không đúng sự thật, ảnh hưởng niềm tin và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, một câu hỏi lớn về giải pháp đồng bộ nào tiếp tục được đặt ra.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhìn nhận, thực trạng quảng cáo lố, thổi phồng nói quá để bán được hàng, đặc biệt ở các nghệ sĩ, KOLs liên tiếp diễn ra đã gây bức xúc nghiêm trọng đối với người tiêu dùng. Nhiều trường hợp vì lợi nhuận khiến các KOLs, người nổi tiếng bất chấp sự thật, bỏ qua cả vấn đề đạo đức để đưa đến người tiêu dùng nhiều quảng cáo sai sự thật.
Ông Nguyễn Trường Sơn bày tỏ: "Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn, vì thế, ý thức trách nhiệm của họ đối với xã hội, với cộng đồng cũng phải cao hơn. Đặc biệt, những trường hợp đã biết luật nhưng vẫn cố tình làm sai nhất định phải bị xử lý nghiêm khắc…".

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, ảnh: Nam Nguyễn
Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là bổ sung quy định về quảng cáo trên không gian mạng. Việc lấp khoảng trống pháp lý này là cần thiết, kịp thời điều chỉnh những phát sinh, bất cập đang diễn ra.
Lần đầu tiên, các nền tảng mạng xuyên biên giới sẽ phải tuân thủ trách nhiệm cụ thể, mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, nhầm lẫn hay thổi phồng công dụng… đều bị xử lý nghiêm. Song song với các quy định siết trách nhiệm, hành vi của người quảng cáo, những quy định này là dấu mốc pháp lý quan trọng nhằm siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.
"Đây là thời điểm rất phù hợp để đưa các quy định "siết" trách nhiệm của các nền tảng số, mạng xã hội, đưa các chủ thể như người nổi tiếng, mạng xã hội vào hành lang pháp lý chặt chẽ, từ đó chấn chỉnh để lĩnh vực quảng cáo phát triển lành mạnh hơn…", theo ông Nguyễn Trường Sơn.