Lớp học… làm chồng

Đinh Liên,
Chia sẻ

Người ta nói nhiều đến những lớp học làm vợ, chứ mấy khi nghe đến lớp học làm chồng. Học nấu ăn, học quản lý gia đình, học làm bố… tất cả đều cần thiết với những chàng rể trẻ.

Lo lắng của những chàng rể trẻ

Chuẩn bị lấy vợ, anh Thanh Hải tỏ rõ sự lo lắng. Việc khiến anh đau đầu không phải chuyện tiền nong, cưới xin, hay tình cảm vợ chồng, mà chỉ đơn giản: Anh chẳng thạo làm công việc nhà.
 
Tôi lo lắng lắm, vì sau khi cưới hai vợ chồng về ở bên ngoại. Nhà ngoại có mình vợ tôi, nên bố mẹ vợ muốn con rể sang ở cùng. Nhà tôi vốn đông anh em trai, nên xưa nay ở nhà mấy chuyện vặt như sửa cửa, thay bóng đèn hỏng, sửa điện, sửa vòi nước… không người này, người kia cũng làm, ít khi tới tay mình. Bởi vậy nên tôi lo, lần ra mắt bố mẹ nàng hồi yêu nhau đã lóng ngóng bê chồng bát cũng làm vỡ, về ở lâu dài e bố mẹ không ưng”.
 
Giúp vợ việc nhà cũng là điều mà các ông chồng nên làm

Giống như lo lắng của nhiều chàng trai khác, anh Phương e ngại: Nếu chẳng may có xích mích giữa mẹ chồng, nàng dâu, hoặc chị dâu, em chồng, tôi chẳng biết phải xử trí thế nào cả. Thấy mấy ông bạn của tôi suốt ngày than vãn đau đầu chuyện này, chuyện kia trong gia đình nên đâm ra tôi cũng sợ. Bênh vợ thì không được, bênh mẹ thì vợ dỗi, đúng là đặt cánh đàn ông chúng tôi vào tình thế khó xử”.

Để rèn luyện thêm… kiến thức, anh lên mạng đọc đủ chuyện về mâu thuẫn trong quan hệ gia đình để… nếu có bất hòa, trong trường hợp chuyện của mình giống như báo đã viết sẽ tìm cách xử lý theo.

Tâm sự của những chàng rể mới cũng là nỗi niềm chung của nhiều chàng trai khi sắp bước vào ngưỡng cửa gia đình. Trái với ý nghĩ rằng chỉ có cô dâu mới là người lo âu trước ngày cưới, hầu hết các chàng trai sắp lập gia đình đều cảm thấy hồi hộp, lo lắng về trách nhiệm, nghĩa vụ và cách cư xử của mình trong cuộc sống mới.
 
Học nấu ăn là xu hướng của nhiều chàng rể trẻ

“Trước khi cưới cả hai vợ chồng cùng thoả thuận về việc giữ tiền bạc, mua sắm, chi tiêu... như thế nào. Nhưng nói là nói như thế, còn biết bao chuyện phát sinh chưa lường hết. Ví dụ như vai trò trụ cột gia đình, tôi lúng túng không biết lúc khó khăn nên làm như thế nào cho đúng, xử lý thế nào cho vợ thấy mình xứng đáng là người đàn ông của gia đình”, anh Dũng cho biết.

Có hàng ngàn những thắc mắc, những lo lắng của các chàng rể trẻ chưa được đáp ứng. Họ băn khoăn, và muốn được tham dự hẳn một lớp học bài bản về kĩ năng làm chồng nhưng không biết nên học ở đâu, nên học như thế nào…

Học lỏm từ bạn bè, sách báo

Những lớp học massage, lớp học nấu ăn, lớp học ứng xử… dành cho các cô dâu trẻ thì nhiều vô kể, nhưng những lớp học như thế này dành cho các đấng mày râu thì không có.

Chúng tôi cũng như các chị em phụ nữ thôi, họ có lo lắng riêng của mình trước khi về nhà chồng thì chúng tôi cũng thế. Với tôi, không chỉ có vợ là người phải đảm đang trong cuộc sống gia đình, mà chồng cũng phải như thế. Mới mong giữ được tổ ấm”, anh Phương chia sẻ.

Với mục đích để quan hệ trong gia đình êm ấm khi nàng dâu mới về. Anh được các đồng nghiệp cùng cơ quan khuyên nên quan tâm hơn đến chuyện nhà cửa, kể cả chuyện học nấu nướng, để ý đến khẩu vị, thói quen của gia đình kỹ càng hơn để: “sau này hướng dẫn lại cho bà xã”. Tuy nhiên, việc học này của anh khá chật vật vì trước giờ chưa bao giờ tự tay làm, lại càng không để ý đến sở thích của những người thân trong gia đình.
 
Các chàng rể trẻ muốn học... để trở thành người làm chủ gia đình mẫu mực

Không chỉ có thế, tôi còn phải học hỏi bạn bè rất nhiều kinh nghiệm… truyền tai nhau để đối mặt với những tâm lý và biến chuyển của hai vợ chồng sau khi cưới, vì nếu không hiểu nhau, có cách ứng xử đúng thì dễ gây xung đột, hờn giận trong thời gian đầu”.

Anh Thanh Tùng, kỹ sư xây dựng nói: Không như các bạn nữ có những lớp học về nội trợ, chăm sóc gia đình... trước khi cưới, nhưng đàn ông tụi tôi có những cách học khác như học từ bè bạn thân, từ anh em trong gia đình”.

Anh Khoa, nhân viên lập trình của một công ty nước ngoài thì tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về tâm lý bằng cách cùng người yêu tham gia những khoá học ngắn hạn dành cho những đôi vợ chồng sắp cưới. Anh cho biết: “Những điều được dạy có cái được, cái không, nhưng nếu không tìm đến những nơi này thì chẳng còn nơi nào khác để học”.
 
Học... làm chồng, để biết cách xử lý hài hòa  cái mối quan hệ gia đình là cách để giữ gìn hạnh phúc

Trước khi lập gia đình, những chàng trai trẻ quan tâm không phải là chuyện tìm hiểu về tâm lý, mà còn là việc làm thế nào để biết cách quản lý một gia đình. “Quản lý gia đình không đơn thuần chỉ là việc thoả thuận chi tiêu, để dành ra sao, nên đối đãi với gia đình hai bên thế nào... mà còn rất nhiều việc khác như sắp xếp công việc, tính toán tiền bạc, phân chia trách nhiệm sao cho hợp lý, tổ chức cuộc sống để nếu người này, người kia có bận cũng không làm xáo trộn cuộc sống”, anh Khoa cho biết.
 
Trước ngưỡng cửa hôn nhân, các chàng trai trẻ không  hoàn toàn vô tư như chúng ta tưởng. Làm thế nào để có thể làm tốt vai trò của trụ cột gia đình, làm sao để có được một gia đình hạnh phúc, hoà hợp cũng là mối quan tâm của những chú rể tương lai.
Chia sẻ