Lon sữa cũ được thu mua với giá 200.000 đồng, phụ huynh Trung Quốc hoang mang
Những lon sữa bột cũ được thu mua với giá cao bất thường đã khiến một bộ phận dân chúng không khỏi lo lắng thấp thỏm.
Nghi vấn xoay quanh những lon sữa cũ được mua với giá 200.000 đồng
Sự việc này được ghi nhận tại Trung Quốc. Ngày 15/2 vừa qua, một thông tin về việc những lon sữa bột cũ được thu mua với giá cao đã gây xôn xao trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ tại Bắc Kinh.
Trước đó, vào khoảng cuối năm 2016, báo chí nước này cũng đã đề cập tới việc một số đối tượng thu mua những vỏ lon sữa bột rỗng với giá lên tới 60 NDT (xấp xỉ 200.000 VNĐ).
Thông tin này đã nhanh chóng được lan truyền trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội Trung Quốc, khiến các bà mẹ bỉm sữa tại nước này lo sợ trước việc kẻ gian thu mua các lon sữa cũ để làm sữa bột giả và bán ra thị trường.
"Không rõ thông tin này được chia sẻ từ bao giờ, do ai bắt đầu, nhưng chỉ cần nghe tới việc những kẻ thiếu đạo đức muốn thu mua lon sữa cũ về để bán sữa giả, tôi vẫn cảm thấy thật đáng sợ!" – một bà mẹ trả lời phỏng vấn của các phóng viên.
Một trong những nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh càng thêm lo ngại là bởi đây không phải lần đầu tiên thị trường Trung Quốc xôn xao trước những bê bối liên quan tới sữa giả.
Vào năm 2004, 179 em bé ở tỉnh An Huy đã được chẩn đoán mắc hội chứng đầu to, 13 em bé đã thiệt mạng vì suy dinh dưỡng lâu ngày do uống các loại sữa giả, sữa kém chất lượng ở nước này sản xuất.
Năm 2008, người tiêu dùng Trung Quốc lại một lần nữa rúng động khi phát hiện 700 tấn sữa bột nhiễm melamine – chất hóa học độc hại được sử dụng trong các sản phẩm nhựa, phân bón.
Gần đây nhất, vào tháng 4 năm 2016, Trung Quốc lại bắt giữ 6 nghi phạm làm giả và bán hơn 17.000 hộp sữa bột công thức giả cho trẻ em ở một số tỉnh thành tại nước này.
Những vụ bê bối xảy ra thường xuyên trong suốt nhiều năm qua liên quan tới sữa giả, sữa kém chất lượng với quy mô lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc và gây hoang mang dư luận. (Ảnh minh họa).
Sống giữa "tâm bão" sữa bột giả và cách đương đầu của các bà mẹ bỉm sữa
Xuất phát từ mối lo ngại này, nhiều diễn đàn đã xuất hiện các bài viết hướng dẫn cách xử lý những lon sữa đã hết một cách an toàn để tránh việc kẻ gian lợi dụng bán sữa giả.
Những bài viết này gợi ý cho các bậc cha mẹ xử lý những lon sữa cũ bằng cách bóp méo, cắt nát, sao cho chiếc lon không giữ nguyên hình dạng ban đầu.
Chưa dừng lại ở đó, có nhiều bài viết còn đưa ra những cách "tái sử dụng" lon cũ một cách an toàn bằng việc dùng chúng để đựng đồ vật hoặc sáng tạo thành ghế ngồi, đồ chơi cho con nhỏ.
Thậm chí, có bậc phụ huynh còn mạnh dạn đưa ra kiến nghị: Các cơ quan có thẩm quyền nên xây dựng một hệ thống chính quy chuyên thu về và tái chế những lon sữa cũ một cách an toàn, hợp pháp để góp phần bảo vệ môi trường.
"Những lon sữa này phần lớn được làm từ sắt, hoàn toàn có thể tái sử dụng với mục đích tốt hoặc xử lý một cách an toàn để bảo vệ người tiêu dùng và giữ gìn môi trường." – Tác giả của một bài viết trên diễn đàn đưa ra quan điểm cá nhân.
Những lon sữa bột cũ bị làm cho biến dạng để tránh trường hợp kẻ gian tái sử dụng vào mục đích xấu. (Ảnh: nguồn Internet).
Sữa thật - sữa giả và những mối lo chưa bao giờ kết thúc
Trước những thông tin gây xôn xao dư luận này, các phóng viên đã nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu chân tướng. Nhiều tờ báo tại Trung Quốc sau đó đã khẳng định: Việc thu mua các lon sữa đã cũ chỉ được phục vụ với mục đích làm… các mẫu trưng bày tại siêu thị.
Theo đó, những người đại diện của các nhà máy sữa trong nước cam đoan rằng họ không bao giờ tái sử dụng những vỏ lon đã cũ.
Những lon sữa này phần lớn được các xí nghiệp, siêu thị mua về để làm mẫu trưng bày. Bởi giá thành sữa bột nhập từ nước ngoài tương đối cao, dùng để trưng bày sẽ "không an toàn".
Đối với thị trường sữa trong nước, một số cơ sở buôn bán thu mua về những lon sữa bột cũ nhằm mục tiêu "xúc tiến tiêu thụ" hoặc chứng minh rằng họ đã "hoàn thành chỉ tiêu".
Tuy nhiên, vào năm 2015, Tân Hoa Xã đã cũng đã đưa tin về trường hợp những lon sữa bột cũ được thu mua với số lượng và giá thành bất thường.
Trước đó, nước này cũng đã ghi nhận nhiều vụ việc liên quan tới các đối tượng tìm mua các vỏ chai rượu cũ để sản xuất rượu giả.
Hơn nữa, từ việc thị trường nội địa Trung Quốc có nhiều nguồn bán sữa với giá cả rất chênh lệch nhau. Tuy cùng một loại sữa, nhưng có những nơi bán giá thấp hơn so với siêu thị tới 300-400 NDT.
Bởi vậy, người tiêu dùng vẫn không thể không lo lắng, hoang mang trước tình trạng những lon sữa cũ được thu mua với giá cao cùng với vấn nạn sữa giả đã xảy ra từ lâu tại nước này.
Mối lo về sữa thật - sữa giả vẫn tiếp tục đeo bám các bậc phụ huynh tại đất nước đông dân nhất thế giới. (Ảnh minh họa).
Mẹo giúp người tiêu dùng phân biệt sữa bột thật - giả:
Những lưu ý đầu tiên khi chọn mua sữa bột cho trẻ
Thứ nhất, xem xét kỹ về các yếu tố như nhãn hiệu, nơi sản xuất, hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng sao cho phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của trẻ.
Thứ hai, nên lựa chọn sữa và sữa chua ít đường hoặc không đường.
Thứ ba, nên chọn những nhãn hiệu uy tín và các sản phẩm đã được cấp phép hoặc chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền.
Phân biệt sữa bột thật và sữa giả không phải là điều quá khó khăn nếu người tiêu dùng lưu tâm. (Ảnh: nguồn Internet).
Cách phân biệt sữa thật – sữa giả từ bên ngoài:
- Thông qua mã vạch: Đối với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, người tiêu dùng cần kiểm tra tem phụ và xem kỹ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng bản địa từ nhà phân phối sản phẩm đó.
Đối với các sản phẩm trong nước, người tiêu dùng nên dùng phần mềm kiểm tra mã vạch để chắc chắn về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ.
- Hạn sử dụng: Chỉ nên mua những loại sữa có hạn sử dụng được dập nổi, tuyệt đối tránh mua những loại sữa có hạn sử dụng bị tẩy xóa, in chồng lên nhau.
- Bao bì, vỏ hộp: Sữa bột chính hãng có bao bì, vỏ hộp còn nguyên vẹn, chữ in sắc nét, nổi bật, phần nắp không có dấu hiệu bị cậy mở, vỏ hộp không bị biến dạng, méo mó và còn nguyên tem đảm bảo.
Cách phân biệt sữa thật – sữa giả từ bên trong:
- Mùi thơm: Sữa bột chất lượng có mùi thơm dễ chịu, bột mềm mịn và có màu vàng nhạt. Ngược lại, sữa kém chất lượng có mùi khó chịu, bột bị vón cục và có màu khác lạ.
- Độ chìm nổi: Đổ một thìa sữa bột ra cốc và cho nước nguội vào, sữa kém chất lượng sẽ lắng xuống ngay và tan nhanh dù chưa hề khuấy, còn sữa thật sẽ nổi lơ lửng, không tan nếu chưa khuấy.
- Độ mịn: Khi nếm thử, sữa thật sẽ cho cảm giác mịn, hơi dính nơi đầu lưỡi và vòm ngạc, tan chậm. Trong khi đó, sữa giả có hạt to, thô, vị chua, nhanh tan, không có mùi đặc trưng.