Lời khai rợn người của kẻ lẻn vào chùa Quảng Ân giết người cướp tài sản
Thiếu nợ nhiều người nhưng không có tiền trả, một ngày Tâm từ TP.HCM chạy xe máy về nhà tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận với ý định kiếm tiền trả nợ. Gần nhà Tâm có 1 ngôi chùa. Tâm biết trụ trì chùa này có tiền nên nảy sinh ý định đoạt mạng trụ trì để cướp tài sản…
Tiếng kêu cứu thều thào trong điện thoại
Chiều 23/3, một số người dân tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận nhận được cuộc gọi từ số máy của thượng tọa Thích Nguyên L. (tên thật là Tạ Văn S., SN 1963, trụ trì chùa Quảng Ân) nhưng lại nghe giọng thều thào kêu cứu của 1 người phụ nữ. Qua điện thoại, người này cho biết thầy L. đã bị sát hại.
Tức tốc chạy đến chùa Quảng Ân, nhiều người hốt hoảng bởi ngoài thầy L. bị sát hại, còn có 1 nữ phật tử của chùa là chị Nguyễn Bảo Y. (SN 2001, ngụ khu phố 5, thị trấn Tân Nghĩa). Người gọi điện báo tin cho mọi người là bà Nguyễn Thị Phượng (SN 1977, mẹ chị Y.). Bà Phượng được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Thông tin được cấp báo cho Công an tỉnh Bình Thuận. Vào cuộc điều tra, công an nhận định đây là vụ án mạng nghiêm trọng nên nhanh chóng thu thập chứng cứ tại hiện trường, khoanh vùng đối tượng gây án để truy bắt. Cùng lúc, bộ Công an cũng cử thêm lực lượng, phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Thuận nhanh chóng phá án.
Ban chuyên án được thành lập, gồm các cán bộ điều tra tinh nhuệ do Đại tá Phạm Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, làm Trưởng ban. Với sự phối hợp của Đại tá Lê Ngọc Phương, Phó Cục trưởng cục Cảnh sát hình sự dẫn đầu đoàn công tác của bộ Công an tổ chức khám nghiệm kỹ hiện trường, thu thập tài liệu chứng cứ có liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Với các chứng cứ tại hiện trường, ban chuyên án nhận định đây là vụ án giết người, cướp tài sản. Hung thủ có khả năng cao là người địa phương và thời điểm án xảy ra án mạng có thể là vào rạng sáng 23/3. Lúc này, nhiều đối tượng tình nghi được sàng lọc nhanh về thời gian ngoại phạm. Trong đó nổi lên đối tượng Nguyễn Thanh Tâm, SN 1989, ngụ thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Nguyễn Thanh Tâm sống cách chùa chỉ khoảng 400 mét và thường hay lui tới làm công quả trong chùa. Tuy nhiên, lúc này Tâm không có mặt ở địa phương, đi đâu không rõ. Qua nhiều nguồn tin, ban chuyên án xác định trước ngày xảy ra án mạng, Tâm về nhà và bị nhiều người đòi nợ. Tâm mới cưới vợ. Vợ Tâm làm việc tại TP.HCM. Nhận định rất có thể Tâm đã trốn vào TP.HCM nên một tổ công tác lần theo dấu vết, phát hiện ra căn phòng trọ nơi Tâm và vợ đang sinh sống tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM.
Ngay trong đêm 24/3, các trinh sát hóa trang thành những cán bộ y tế đi kiểm tra phòng, chống dịch covid-19 trên địa bàn và đưa Tâm đi cách ly. Sau khi khống chế được Tâm, cơ quan điều tra đã tiến hành tra hỏi về cái chết của trụ trì chùa Quảng Ân nhưng Tâm không thừa nhận. Tâm cho biết, mình có về nhà và sau đó vào TP.HCM để thăm vợ chứ không phải chạy trốn.
Tuy nhiên, với sự đấu tranh của các điều tra viên dày dặn kinh nghiệm cùng các chứng cứ, sáng 26/3, Tâm đã cúi đầu nhận tội. Tâm khai, chiều 21/3, Tâm đi xe máy từ phòng trọ ở quận 9, về nhà ở thị trấn Tân Nghĩa. Thấy Tâm về nhà, một số người gọi điện thoại đòi nợ nhưng Tâm không có tiền trả.
Đến chiều 22/3, Tâm đến chùa Quảng Ân và có ngồi lại nói chuyện với sư thầy Thích Nguyên L. một lúc rồi về nhà. Tâm nghĩ trong chùa có nhiều tài sản nên nảy sinh ý định giết sư L. để cướp.
Vào 0h ngày 23/3, Tâm để xe máy sau chùa rồi nhặt 1 đoạn gỗ làm hung khí. Đến trước cửa phòng sư L., Tâm giật cửa cố để vào trong. Lúc này, chị Nguyễn Bảo Y. (người làm công quả của chùa) phát hiện và la lớn thì bị Tâm dùng cây gỗ đập vào đầu. Đang nằm trên võng, sư L. bật dậy, bị Tâm cầm cây gỗ tấn công.
Bà Nguyễn Thị Phượng (mẹ chị Y., cũng là người làm công quả của chùa) từ phòng sau chạy lên liền bị Tâm đánh gục. Hậu quả, sư L. và chị Y. tử vong tại chỗ, bà Phượng bị thương tích 52%.
Sau khi gây án, Tâm lấy 3 điện thoại di động, 825 triệu đồng, 614 USD, 200 AUD mang về nhà cất giấu. Sáng hôm sau, Tâm lấy 430 triệu đồng trả nợ, giấu 255 triệu đồng, ngoại tệ trong phòng ngủ. Bị cáo mang 140 triệu đồng cùng 3 điện thoại di động đi TP.HCM. Dọc đường, Tâm ném bịch đựng điện thoại xuống mương nước để phi tang vì sợ bị theo dõi qua định vị.
Không thể dung thứ
Với hành vi tàn ác nói trên, Tâm bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử về các tội Giết người và Cướp tài sản có mức án lên đến tử hình. Một ngày cuối tháng Chín, TAND tỉnh Bình Thuận đưa bị cáo ra xét xử về các tội danh này.
Phiên tòa thu hút đông người dân đến tham dự do vụ án mà Tâm thực hiện gây chấn động cả vùng quê yên bình. Bị áp giải đến tòa, Tâm thoáng chút rùng mình bởi thấy nhiều người đến tham dự tòa nhìn mình với ánh mắt không mấy thiện cảm.
Khai trước tòa, Tâm thừa nhận mình nợ một khoản tiền lớn do làm ăn thua lỗ. Ít nhất có 13 người đã được Tâm trả nợ với số tiền hàng trăm triệu đồng sau khi Tâm cướp được trong chùa Quảng Ân. Về nguyên nhân nợ nần, Tâm cho biết vay mượn hay mua nợ phân bón của nhiều người để trồng thanh long nhưng chưa có tiền trả.
Ngoài ra, Tâm còn nợ tiền nhân công và nhiều khoản tiền khác vì chơi lô đề.
Để có tiền trả nợ, Tâm nảy sinh ý định đến chùa Quảng Ân để trộm tài sản. Trưa 22/3, Tâm sang chùa Quảng Ân chơi. Nghe sư Tịnh (1 người cùng tu trong chùa) nói chiều cùng ngày sẽ đi TP.HCM chăm sóc người thân bị bệnh, Tâm quyết định ra tay vào tối hôm đó. Tâm nghĩ đêm chỉ có sư L. ở trong chùa, hoàn toàn không biết việc ngoài sư L. còn có mẹ con bà Phượng. Khi vào trộm cắp, bị phát hiện nên Tâm sát hại họ để bịt đầu mối.
Thời điểm khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng thu được 1 chiếc Ipad, 3 chiếc điện thoại nằm cạnh nhau dưới nền nhà gồm 1 chiếc điện thoại Iphone, 1 điện thoại Nokia và 1 điện thoại Sam sung.
Ngoài ra, 2 chiếc xe máy của các nạn nhân vẫn còn, trong cốp xe còn 3 triệu đồng. Trong tủ gỗ trong phòng sư L., công an phát hiện có 990 ngàn đồng. Tại tòa, Tâm khai không lấy 3 chiếc điện thoại và 2 chiếc xe máy vì các tài sản này khó tiêu thụ, dễ bị phát hiện và cũng là để gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Lời khai nhận tội lạnh lùng của Tâm khiến những người đến tham dự phiên tòa phẫn nộ. Đến dự tòa, bà Phượng vừa lại bị hại, vừa là đại diện cho con gái của mình. Bà từng có chồng nhưng đã chia tay và một mình nuôi chị Y.. Chị Y. là sinh viên, theo học tại TP.HCM. Thời điểm án mạng xảy ra, do dịch nên chị được nghỉ về nhà. Hôm đó, chị xin mẹ cùng đến chùa Quảng Ân làm công quả và bị sát hại.
Tại phiên tòa, không ít lần bà Phượng đau lòng bật khóc, phải nhờ người thân dìu mới có thể ngồi vững. Bà cho biết, đau đớn bởi cái chết của con gái.
“Chồng ly hôn, một mình tôi nuôi con khôn lớn, chưa kịp vui lại tiếp tục đau đớn thế này”, bà Phượng khóc nghẹn.
Về phần Tâm, bị cáo cũng tỏ ra hối hận và mong được mọi người tha thứ khi lời nói sau cùng.
Tuy nhiên, sự thành khẩn của Tâm là không đủ, bởi hành vi Tâm gây ra là quá tàn độc nên không thể tha thứ.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, đã tước đoạt tính mạng của nhiều người và xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương.
Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, không còn khả năng cải tạo nên cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. Từ nhận định này, HĐXX tuyên tử hình bị cáo Tâm về tội Giết người, 18 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hình phạt chung là tử hình.