Loại hạt nhỏ xíu bán đầy chợ Việt, là ‘vựa’ dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe toàn diện
Loạt hạt này vô cùng thân thuộc với người Việt, không chỉ được dùng trong ẩm thực mà còn có tác dụng phòng ngừa bệnh tật.
Vừng (mè) là loại cây phổ biến ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới bao gồm Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Hạt vừng được sử dụng từ nhiều thế kỷ trong ẩm thực và y học cổ truyền Trung Quốc, Ấn Độ. Loại hạt này dù nhỏ bé nhưng có vô vàn tác dụng đối với sức khỏe, từ việc duy trì sắc đẹp, sự trẻ trung đến chống loãng xương, chống viêm nhiễm và cả ngăn ngừa cả ung thư.
Hãy cùng khám phá giá trị dinh dưỡng cũng như lợi ích sức khỏe tiềm ẩn của hạt vừng trong nội dung dưới đây.
Giá trị dinh dưỡng của hạt vừng
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 100g hạt vừng có chứa:
Calo: 563
Carb: 23,4g
Chất xơ: 11,8g
Chất đạm: 17,7g
Canxi: 975 mg
Sắt: 14,6mg
Phốt pho: 629 mg
Kali: 468mg
Magiê: 351mg
8 lợi ích sức khỏe hàng đầu của hạt vừng
Tốt cho da, tóc
Hạt vừng có tác dụng làm sáng da và giúp mái tóc luôn chắc khỏe nhờ việc chứa một loạt các loại vitamin B như vitamin B1, B2, B3, B6, B9.
Nghiên cứu đã chứng minh hạt vừng có đặc tính chống lão hóa, nuôi dưỡng tóc và da đầu, đồng thời làm chậm quá trình bạc tóc. Dầu vừng cũng cung cấp SPF giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Giúp xương chắc khỏe, ngừa loãng xương
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến nghị người từ 19 tuổi trở lên nên bổ sung 1.000mg canxi/ngày; lượng canxi cần thiết trong ngày đối với phụ nữ trên 51 tuổi và nam giới trên 71 tuổi là 1.200mg, người từ 14-18 tuổi là 1.300mg. Vừng có chứa một lượng canxi rất cao. Trong 100g vừng có tới 975mg canxi.
Canxi là chất thiết yếu giúp xương và răng chắc khỏe. Theo một nghiên cứu, thường xuyên ăn hạt vừng giàu canxi có thể giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương sau này.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ăn hạt vừng hoặc dầu vừng có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Dầu vừng có độ không bão hòa cao, do đó nó có thể điều chỉnh lượng đường trong máu.
Thêm vào đó, hạt vừng có hàm lượng carbohydrate thấp nhưng có lượng protein và chất béo lành mạnh cao. Chính vì thế, nó có thể được coi là chất điều chỉnh lượng đường trong máu tự nhiên.
Trong hạt vừng có pinoresinol - một loại lignan có nguồn gốc thực vật - đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì và điều chỉnh lượng đường trong máu.
Kiểm soát huyết áp
Chất béo không bão hòa đa trong hạt vừng có tác dụng kiểm soát mức huyết áp. Một nghiên cứu năm 2006 của Đại học Yale (Mỹ) cho thấy dầu vừng giúp giảm huyết áp và các vấn đề sức khỏe liên quan ở bệnh nhân bị tăng huyết áp.
Sự hiện diện của các chất chống oxy hóa như sesamol, sesamin và các vitamin như vitamin E trong hạt vừng được cho là có thể ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch, từ đó giúp tim khỏe mạnh hơn.
Bảo vệ sức khỏe tuyến giáp
Một nghiên cứu của Đại học Surrey (Anh) cho thấy tiêu thụ hạt vừng là cách đơn giản để phòng ngừa bệnh về tuyến giáp. Hạt vừng có chứa nhiều selen, sắt, đồng, kẽm và vitamin B6. Các chất này đều có tác dụng hỗ trợ sản xuất hormone tuyến giáp và hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp.
Cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch
Hạt vừng là nguồn cung cấp một lượng kẽm dồi dào. Kẽm là chất cần thiết giúp phát triển và kích hoạt các tế bào lympho T, một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các tế bào T nhận biết và tấn công các vi khuẩn xâm nhập.
Duy trì sức khỏe tinh thần
Trong hạt vừng có một loại axit amin có tên là tyrosine. Axit amin này tác động đến hoạt động của serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh). Mất cân bằng serotonin có thể dẫn đến trầm cảm hoặc căng thẳng. Việc tiêu thụ hạt vừng giúp kích thích sản xuất serotonin, giảm lo lắng và căng thẳng.
Chống viêm và hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
Hạt vừng có sesamol và sesaminol. Đây là 2 chất chống oxy hóa có tác dụng giảm tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra. Chúng còn có khả năng chống viêm giúp điều trị viêm khớp, đau răng,...
Hạt vừng còn có chứa phytosterol giúp tăng cường phản ứng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Cách làm sinh tố hạt vừng
Nguyên liệu:
Hai quả chuối nhỏ, thái hạt lựu
Một quả táo, thái hạt lựu
1/4 chén yến mạch
1/4 chén hạnh nhân và hạt điều
1 muỗng cà phê mật ong
Một cốc sữa lạnh
1 muỗng canh hạt vừng rang chín
Cách làm:
Cho trái cây thái hạt lựu, yến mạch, mật ong, trái cây khô, nửa muỗng canh hạt vừng và sữa vào máy xay và trộn đều. Có thể cho thêm đá vào nếu muốn thưởng thức sinh tố lạnh.
Xay tới khi hỗn hợp nhuyễn, đặc lại. Đổ sinh tố ra cốc và rắc chỗ vừng còn lại lên trên rồi thưởng thức.
Nguồn: Healthifyme