Làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh lây qua đường tình dục?

Theo SKĐS,
Chia sẻ

Nhiều người không biết mình đã mắc bệnh nên không đi khám và điều trị sớm khiến bệnh diễn biến nặng hơn hoặc làm lây bệnh cho người khác!

Thông thường, các bệnh lây truyền qua đường tình dục ban đầu thường không có biểu hiện rõ ràng.

Vì thế nhiều người không biết mình đã mắc bệnh nên không đi khám và điều trị sớm khiến bệnh diễn biến nặng hơn gây khó khăn và tốn kém cho việc điều trị hoặc làm lây bệnh cho người khác, có thể dẫn đến  tử vong khi mắc các bệnh giang mai, viêm gan B,C,  HIV,...  

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục là tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh tật được truyền từ người nọ sang người kia qua hoạt động tình dục (giao hợp qua đường âm đạo, đường miệng hoặc đường hậu môn). Ngoài ra còn lây qua mẹ truyền cho con khi có thai, khi cho con bú và các dụng cụ tiêm, chích vào da.

Cho đến nay người ta đã tìm thấy hơn 20 bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các tác nhân gây bệnh rất đa dạng và dễ lây bao gồm:

Vi khuẩn: gây bệnh lậu, giang mai, hạ cam, liên cầu B, lỵ trực trùng…

Vi rút: gây bệnh viêm gan B, viêm gan C, HIV, herper, sùi mào gà,…


Liên thể vi khuẩn và vi rut: gây bệnh Chlammydia, ureaplasma,...

Ký sinh trùng: gây bệnh trùng roi, rận mu, nấm men….

Mức độ nguy hiểm như thể nào?

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục đều làm cơ thể giảm sức đề kháng và làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV lên hàng chục, hàng trăm lần so với người bình thường. Hoặc khi đã mắc các bệnh LTQĐTD lại bị nhiễm HIV thì bệnh LTQĐTD sẽ thúc đẩy HIV phát triển rất nhanh chóng trong cơ thể và thời gian tiến triển thành AIDS nhanh hơn.

Một số bệnh LTQĐTD có thể gây tử vong như HIV hoặc viêm gan siêu vi B, C... Với những trường hợp mắc lậu hoặc giang mai, nếu không biết bị mắc bệnh hoặc biết mà ngại ngần không đi khám điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng là vô sinh, hủy hoại các cơ quan nội tạng.

Ngoài ra những bệnh như mụn rộp, sùi mào gà, giang mai,... có thể gây sẩy thai, ung thư tử cung , truyền bệnh từ mẹ sang con...

Một số dấu hiệu cần đi khám?

Có một số bệnh LTQĐTD chỉ cho thấy triệu chứng sau khi đã nhiễm bệnh một thời gian dài. Ví dụ, trong bệnh do Chlamydia có tới 70% trường hợp không có biểu hiện rõ ràng hoặc ở người nhiễm vi rút viêm gan B, C, HIV, thường bệnh tiến triển âm thầm hàng tháng, thậm chí hàng năm, đến khi có những triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Để phát hiện Chỉ có làm xét nghiệm mới biết được mình có bị nhiễm bệnh hay không. Tuy nhiên, nếu bạn đã quan hệ tình dục với một người mà bạn không biết chắc là không có bệnh, hoặc sau khi có quan hệ tình dục không an toàn mà cơ quan sinh dục của bạn có những biểu hiện bất thường, bạn nên nghi ngờ tới khả năng là mình mắc bệnh.

Những triệu chứng cơ bản của một số bệnh LTQĐTD:

- Có dịch bất thường chảy ra từ âm đạo hoặc đầu dương vật.

- Hậu môn hoặc cơ quan sinh dục bị ngứa, đau, đỏ, rát hoặc có các nốt, các vết loét bất thường. Các tổn thương này có thể đau hoặc không đau.

- Tiểu đau, buốt hoặc rát, hoặc tiểu nhiều hơn bình thường.

- Đau bất thường ở vùng bụng dưới mà không liên quan gì tới việc hành kinh.

- Trên da có nhiều mụn cóc, hoặc các mụn phỏng rộp đau, chảy nước, hoặc có lốm đốm đỏ, hay các u nhọt quanh miệng hoặc cơ quan sinh dục hoặc nổi hạch ở vùng bẹn…

- Đau nhiều khi giao hợp ở các thiếu nữ hoặc có ra máu sau quan hệ tình dục.

Do đó khi thấy có một trong những biểu hiện trên người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, xét nghiệm chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị đúng.

Một số bệnh LTQĐTD có triệu trứng gần giống nhau, người bệnh không thể tự phân biệt được mà cần được khám và xét nghiệm bởi các bác sĩ chuyên khoa. Vì vậy người bệnh không được tự ý dùng thuốc để chữa bệnh,  nếu dùng thuốc không đúng, bệnh có thể trở nên nặng hơn, gây khó khăn và tốn kém cho việc điều trị hoặc không chữa được.

Và điều quan trọng nữa là người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ là dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian, không bỏ thuốc khi thấy đỡ triệu chứng. Khi dùng hết thuốc cần nên đi khám lại để được biết bệnh đã khỏi hay cần điều trị tiếp.
Chia sẻ