"Làm duy nhất 1 nghề bây giờ quá bị động, không kiếm thu nhập thụ động là toang ngay"
Trong thời kỳ bão giá, bão sa thải, nhiều người cảm thấy lo lắng khi chỉ phụ thuộc vào 1 nguồn thu nhập duy nhất. Họ không biết bao giờ mình sẽ trở thành người bất ngờ bị "loại khỏi cuộc chơi".
Trong khi áp lực việc làm ngày càng gia tăng, rất nhiều người trẻ đang tìm đến những công việc tay trái để giải tỏa tâm trạng và tìm cảm giác an toàn từ nó.
Một số người làm công việc tay trái, kinh doanh bên ngoài ngày càng phát đạt, kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thậm chí còn nhiều hơn so với công việc chính của họ. Chính điều này đã mang lại cho họ cảm giác an toàn tuyệt vời.
Thêm an tâm trước “bão sa thải”
“Từ ngày có thêm nguồn thu nhập, ngủ cũng yên tâm hơn, lại còn dám tiêu tiền”, Anh Tùng (sinh năm 1992, Thái Bình) vừa đi làm công ty , vừa kinh doanh đồ điện tử online cho biết.
Rất nhiều người giống như Tùng cảm thấy hài lòng với thu nhập từ công việc phụ, thậm chí muốn biến nó trở thành công việc chính. Tuy nhiên, cũng có những người rơi vào tình trạng khó khăn khi nghề tay trái gây ảnh hưởng tới sự nghiệp chính, tác động tiêu cực tới các mối quan hệ của họ. Bên cạnh đó, một số thì cho rằng làm quá nhiều việc một lúc sẽ chiếm phần lớn thời gian và năng lượng của họ, khiến họ cảm thấy áp lực và kiệt sức.
Vấn đề này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn và lo lắng về việc, liệu rằng có nên bắt đầu một nghề tay trái hay không, lựa chọn nghề nào cho phù hợp, cân bằng thời gian và sức lực giữa hai công việc chính và phụ như thế nào?
Vì lý do này, những người trẻ tuổi đã rơi vào một vòng lo lắng mới.
Anh Tùng chia sẻ từng làm việc cho một công ty xuất bản. Sau ảnh hưởng từ biến động kinh tế, năm ngoái, công ty chịu áp lực siết chặt chi phí, tối ưu tài chính nên quyết định cắt giảm gần 30-50% nhân sự. Chứng kiến nhiều đồng nghiệp trong công ty và cả bạn bè xung quanh đều rơi vào cảnh thất nghiệp, không có thu nhập, cuộc sống bấp bênh, Tùng cũng không tránh khỏi suy nghĩ cho tương lai của mình.
Tình cờ, Tùng nhớ tới một người em quen biết, sinh năm 1994, hiện đã có 3 nguồn thu nhập khác nhau, 1 từ công việc chính và 2 công việc phụ kể từ tháng Giêng năm nay. Điều đó khiến Tùng nhanh chóng đưa ra quyết định. Sau khi thử kinh doanh một số mặt hàng khác nhau, chàng trai sinh năm 92 đã tập trung phát triển mảng đồ điện tử online.
Nhìn thấy cơ hội ở “ngoài vòng an toàn”
Ngày nay, những người trẻ đang loay hoay nơi công sở cũng nhận ra rằng, công việc vốn tưởng rằng ổn định hiện đang trở nên long đong hơn bao giờ hết. Dường như, nếu chỉ dựa vào một công việc, mọi người sẽ rất khó chống lại những rủi ro của cuộc sống.
Ly (22 tuổi, Bắc Ninh) là nhân viên kinh doanh mỹ phẩm, cũng chịu ảnh hưởng suốt từ đợt dịch bệnh, sau đó tới thời bão giá, người người nhà nhà thắt chặt chi tiêu. Doanh số kinh doanh của cá nhân cô cũng như công ty giảm sút nhiều, khiến thu nhập của Ly không còn khả quan như trước. Có những thời điểm, cô không thể không cắt giảm chi tiêu, từ chối mọi cuộc hẹn bạn bè, người quen thì mới trang trải đủ cho cuộc sống.
Vào tháng 4 năm ngoái, trong lúc “lướt” mạng xã hội, Ly đã thấy hứng thú với một số shop bán quần áo online trên ứng dụng này. Chủ shop thường xuyên đăng video thay quần áo theo kiểu “biến hình”. Đoạn trước ghi hình khi mặc đồ ở nhà xuề xòa, đoạn sau đó “lên đồ”, trang điểm chải chuốt. Sự đối lập mãnh liệt khiến người xem ấn tượng ngay lập tức và muốn "chốt đơn".
Cá nhân Ly cũng khá thành thạo trong khoản phối đồ, có ngoại hình dễ nhìn nên cô lập tức nghĩ đến khả năng phát triển công việc này nghề tay trái của mình.
Ly cho biết: “Rất nhiều bạn bè xung quanh đều giống như tôi. Chúng tôi tìm tới những công việc tay trái vì bắt đầu có cảm giác áp lực ‘thực sự’ về tương lai. Chứ nếu được chọn an nhàn và ổn định, ai lại đi chọn mệt nhọc vào thân?”
(Ảnh minh họa)
“Nhiều người cứ chê ‘lo xa, lo hão’, nhưng có sao đâu?”
Thanh Tuấn (sinh năm 1999, Hà Nội) thì cho biết mình đã bắt đầu làm cộng tác viên bán hàng ở một shop bán điện thoại di động và máy tính để kiếm thêm thu nhập từ thời sinh viên năm nhất.
Tính đến nay đã khoảng 5-6 năm, dù đã đảm nhận một công việc chính thức khác, Tuấn vẫn duy trì công việc phụ. Cậu cho biết, phải có tối thiểu 2 nguồn thu nhập ổn định thì mới yên tâm hơn một chút. Đồng thời, điều đó cũng giúp cậu chủ động hơn trong việc chi tiêu, phục vụ sở thích và nhu cầu cá nhân.
Không chỉ thế, Tuấn cũng thường xuyên khuyến khích bạn gái, bạn bè xung quanh mình nên bắt đầu đa dạng hóa thu nhập. "Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều đang gặp khó khăn. Nếu đơn vị phá sản hoặc xảy ra rắc rối trong nguồn tài chính, nhân viên sẽ rất bị động. Đặc biệt là với những sinh viên mới ra trường, thâm niên chưa được bao lâu, chúng tôi rất dễ trở thành nhóm người đầu tiên bị đào thải”.
Ly cũng đồng tình với những lo ngại của Tuấn. Thậm chí, cô gái 22 tuổi còn nghĩ xa hơn tới tương lai mà mình sẽ lấy chồng, sinh con.
Ly nhận định: “Phụ nữ thường chịu áp lực từ thời gian mang bầu, nghỉ sinh kéo dài tối đa 6 tháng. Nửa năm là khoảng thời gian mà mọi thứ đều có thể thay đổi, vị trí của bản thân tại nơi làm việc cũng tràn đầy nguy cơ. Do đó, một công việc tay trái có thể làm thêm ở nhà, một nguồn thu nhập thụ động trong thời gian rảnh rỗi… là cơ hội để phụ nữ làm chủ tài chính dễ dàng hơn. Nếu không có, lỡ chuyện gì xảy ra, họ dễ ‘toang’ ngay trước gánh nặng bỉm sữa cho con cái, lo toan cho gia đình.”
“Nhiều người cứ nói mình lo xa, lo hão, lúc đó có chồng nuôi… nhưng mình chẳng buồn giải thích. Đến lúc thấy công việc bán hàng của mình khá khẩm, tài chính đủ đầy, họ tự khắc sẽ nhận được đáp án”, cô gái trẻ cho biết.