Xu hướng “sưu tập mạo hiểm” mới của hội chị em để chinh phục các ngọn núi cao nghìn mét tại Việt Nam

Hạnh Mỹ,
Chia sẻ

Bộ môn leo núi tưởng gian nan nhưng không làm khó được hội chị em.

Từ lâu, leo núi (trekking) được biết đến là một trong những môn thể thao mạo hiểm, luôn đem đến thách thức, đòi hỏi người theo đuổi nó phải sở hữu thể lực và kỹ năng riêng. Song, ngày nay, không chỉ các vận động viên chuyên nghiệp mà có rất nhiều người quan tâm đến. Thậm chí, với họ, trekking như một mô hình du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và thành quả thu về chính là “bộ sưu tập” đỉnh núi đã leo.

Rộ lên trào lưu leo núi của hội chị em

Trên mạng xã hội luôn có những nhóm nhỏ được lập ra, tập trung những người cùng sở thích chinh phục các đỉnh núi. Trong đó, phần lớn thành viên là nam giới và họ thường giao lưu qua những tấm hình chụp phong cảnh độc đáo trên hành trình leo núi hay chia sẻ một số trải nghiệm chinh phục cung đường khó. 

Thế nhưng, dạo gần đây, các nhóm bàn về leo núi liên tục được tạo ra, số lượng thành viên tham gia cũng gia tăng chóng mặt. Điều đáng nói hơn nữa là đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chị em. Đồng thời, những mô hình leo núi theo tour hay những dịch vụ “người dẫn đường” leo núi cũng được săn đón nhiệt tình. 

Chị Linh Đan có lần đầu tiên leo núi sau nhiều năm ấp ủ ước mơ. 

Trên thực tế, ở nước ta không có quá nhiều đỉnh núi mà mọi người được cho phép chinh phục. Thế nhưng, so về độ hiểm trở thì cũng là thử thách lớn với những người theo đuổi bộ môn này. Trong đó, đa phần mục tiêu hướng đến của dân leo núi luôn là những cung đường ở miền Bắc Việt Nam. Thậm chí, họ đã lập ra top 15 đỉnh núi, sắp xếp theo mức độ khó dần mà nhất định phải đặt chân đến trên hành trình chinh phục. Nếu như Tà Xùa hay Chiêu Lầu Thi, Lảo Thần là hành trình “quốc dân”, thích hợp cho những người lần đầu leo núi thì Nam Kang Ho Tao hay Pu Su Ling - tuy không phải đỉnh cao nhất nhưng chính là 2 cung đường khó khăn bậc nhất, là mục tiêu phấn đấu của hội chị em leo núi. 

Chị Linh Đan (31 tuổi) vừa ghi dấu hành trình đầu tiên với bộ môn leo núi. Theo như chia sẻ, mặc dù chị đã ấp ủ kế hoạch leo Phan Xi Păng từ năm lớp 12 nhưng mãi chưa thể thực hiện vì không tìm được người cùng đam mê: “Cho đến tận cuối năm vừa rồi, khi có người bạn lên tiếng rủ rê leo Tà Xùa, mình đồng ý luôn và sẵn sàng lên đường. Lúc leo thì đau chân nhưng khi về lại như chưa hề có gì, mình vẫn đi làm bình thường. Năm nay mình cũng đặt mục tiêu sẽ đi thêm 2 núi nữa”.

Lần đầu thường leo núi cùng "người lạ"

Bén duyên với hoạt động chinh phục thiên nhiên từ nhiều năm trước, đến hiện tại, chị Linh Ngô (45 tuổi) đã sở hữu một list dài các đỉnh núi, từ cao đến thấp, từ lớn đến nhỏ, trải dọc đất nước. Ở miền Bắc, chị Linh đã leo Kỳ Quan San, Tả Liên, Lảo Thần, Lùng Cúng, Nhìu Cồ San, Ngũ Chỉ Sơn, Tà Chì Nhù, Phan Xi Păng, Tà Xùa. Còn miền Nam, chị đã chinh phục Chư Yang Sin, Tà Năng Phan Dũng, Tà Giang, núi Chứa Chan, Núi Chúa, Madagui, K50. Thậm chí, tháng 9/2022, chị đã theo chân những người cùng đam mê sang trekking ở Nepal. 

Chị Linh Ngô. 

Nhớ về lần đầu tiên leo núi, chị Linh Ngô kể: “Mình đăng bài lên hội nhóm rủ ai có kế hoạch thì đi ghép và có một người quen đã đọc được bài rồi đi cùng mình. Chuyến ấy, cả nhóm toàn nam, chỉ có một mình mình là nữ, và cũng chỉ quen 1 trong số 10 người ấy”. 

“Sau một vài chuyến leo núi, gặp kha khá khó khăn, có thêm kinh nghiệm, mình đứng ra lập một nhóm những người chung sở thích, kể cả chưa quen biết cũng được. Mình còn nhận luôn nhiệm vụ lên lịch trình, kết nối các bên dịch vụ và hướng dẫn cho các thành viên cần chuẩn bị gì, tập luyện ra sao để rèn kỹ năng chinh phục”.

Cung đường trekking mà của chị Linh Ngô ở Nepal. 

Được biết, có cung đường chị Linh và các đồng đội lên lịch trước 2 tháng trời, nhưng cũng có khi mọi người chỉ rủ nhau trước đó 1-2 tuần. Nhìn chung, vì là đi theo sở thích nên cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào cảm xúc và hứng thú của các thành viên. 

Lần đầu leo núi, chị Phương (34 tuổi) đã chinh phục ngay Phan Xi Păng và đi theo tour. Cũng giống chị Linh Ngô, chị Phương chỉ làm quen với các đồng đội trong quá trình cùng nhau lên tới đỉnh. Nhưng đó cũng chính là cơ duyên để họ có thêm nhiều hành trình khác nữa. 

“Những cung tiếp theo bọn chị sẽ tự tham khảo rồi dựng lịch trình riêng, phù hợp với bản thân. Vì là đi tự túc nên bọn chị sẽ xem dự báo thời tiết trước, tự liên lạc với poter, lên menu đồ ăn uống, phân công mua đồ ăn vặt, dặn dò nhau mang đồ, một thứ quan trọng nhất là đèn pin để đi đêm”. 

Thú vui vắt kiệt thể lực của các chị, các cô: Khi đỉnh núi cũng là “món đồ” sưu tập - Ảnh 4.

Chị Phương và những người bạn gặp nhau trong hành trình leo núi.

Những phong cách leo núi khác nhau

Có thể khi được hỏi, ai cũng nói rằng có đam mê và ước mơ được chinh phục các đỉnh núi. Thế nhưng, thực hiện được không, hay là biến ước mơ thành sự thật theo cách nào, lại là chuyện khác. Ở bộ môn trekking này cũng chia làm 2 thái cực, có người lần đầu cũng là lần cuối. Nhưng có người đi lần đầu rất thích và muốn đi thêm nhiều núi khác, năm nào cũng đi, như các nhân vật đã được nhắc tới ở trên. 

Khi được hỏi về dự tính của năm nay, cả chị Linh Đan, chị Linh Ngô và chị Phương đều đặt mục tiêu sẽ chinh phục 2-3 đỉnh núi. Mà phong cách leo núi của mỗi người cũng không giống nhau. 

“Thường thì chị chỉ leo khi thời tiết đẹp, xấu thì delay. Cũng có cung bọn chị leo liên tiếp, nhưng có lúc cứ tuần này 1 núi, tuần sau 1 núi”, lựa chọn này của chị Phương có lẽ tương tự như nhiều người khác. 

Thú vui vắt kiệt thể lực của các chị, các cô: Khi đỉnh núi cũng là “món đồ” sưu tập - Ảnh 5.

Thường xuyên chia sẻ hình ảnh, truyền động lực cho những người cùng đam mê leo núi, song, ít ai ngờ rằng cô Nguyễn Thị Bích Vân đã 59 tuổi. Trót mê bộ môn thể thao mạo hiểm này từ sau lần lái xe xuyên 3 nước Đông Dương, từ đó đến nay, cô luôn dành thời gian tìm hiểu và chinh phục các cung đường. Bởi vì sống ở Gia Lai nên mỗi lần ra Bắc, cô thường lên kế hoạch chinh phục liền lúc một loạt các đỉnh núi. 

Chỉ trong 1 tuần cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2020, cô Vân đi luôn cung Tà Xùa, Tà Chì Nhì, Lùng Cúng và Chiêu Lầu Thi. Trở lại vào những ngày tháng 12 năm 2021, cô phất cờ đón bình minh trên Phan Xi Păng, sau đó là hành trình lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, Bạch Mộc Lương Tử, Lảo Thần, Nhìu Cồ San, kéo dài 22 ngày. Tiếp đến 2022, cô dành 12 ngày để leo Tả Liên Sơn, Pu Ta Leng và Nam Kang Ho Tao. Chưa hết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, cô Bích Vân cùng những người bạn đã hẹn nhau lên đường leo đỉnh Pu Si Lung, Pơ Ma Lung - Chung Nhía Vũ và Khang Su Văn.

“Pu Si Lung là một trong những cung đường khó bậc nhất, thường thì người ta sẽ leo riêng và nghỉ ngơi, còn cô chỉ nghỉ một ngày và sau đó leo tiếp Pơ Ma Lung - Chung Nhía Vũ và Khang Su Văn. Tổng cộng tốn 9 ngày, trong đó 7 ngày leo và 2 ngày nghỉ”, cô Vân nói.  Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, cô Nguyễn Thị Bích Vân đã hoàn thành hành trình chinh phục 15 đỉnh núi nổi tiếng nhất Tây Bắc.

Những cung trekking khó nhằn nhất đã được cô Vân đặt chân đến. 

Chẳng những thế, người phụ nữ này còn có phong cách leo núi độc đáo, không ngại tự thử thách bản thân bằng những điều kiện khó nhằn. Khi thì cô rút ngắn cung đường, lúc lại thử khám phá hướng leo núi mới, khác với số đông. Theo chia sẻ trong lần leo Khang Su Văn vào ngày 06/02, thông thường mọi người sẽ leo 2 ngày 1 đêm nhưng cô lại đặt mục tiêu hoàn thành trong 1 ngày, trải qua các loại hình thời tiết, từ nắng đến mưa gió.

Thú vui vắt kiệt thể lực của các chị, các cô: Khi đỉnh núi cũng là “món đồ” sưu tập - Ảnh 7.

Cô Vân chọn đúng mùa hoa đỗ quyên để có hành trình “săn hoa trên đá” ấn tượng nhất ở đỉnh Pu Ta Leng (Lai Châu).

“Cháu biết không bên trên các đỉnh núi là mây những tảng mây trôi bồng bềnh đủ màu sắc hình thái khi mặt trời xuất hiện hay chìm xuống màn đêm, phía dưới là những ngọn núi nhấp nhô trùng điệp hùng vỹ bên trong là những cây cổ thụ ngàn năm tuổi to cao tuyệt đẹp ma mị và rêu phong, dưới cùng là những dòng suối róc rách chảy qua những tảng đá xanh rêu ẩm ướt, tiếng côn trùng rỉ rả làm cho tâm trạng thư thái vô cùng. Leo núi không phải chinh phục đỉnh núi mà là vượt qua chính mình”, cô Vân chia sẻ.  

Cô Vân yêu Việt Nam và muốn khám phá, ngắm nhìn Việt Nam nhiều hơn nữa.

Sau khi “tốt nghiệp xuất sắc” bộ môn leo núi cùng 15 đỉnh Tây Bắc, hành trình chạy theo đam mê của cô Vân vẫn còn tiếp tục với những chặng đường mới, đầy thử thách ở phía trước. Ngay trong lúc chúng tôi liên hệ thực hiện bài viết này, cô đang ở Vị Xuyên, Hà Giang và trong hành trình khám phá ngọn núi Tây Côn Lĩnh từ một hướng đi mới mở. 

Không nhẹ nhàng, trang nhã như những gì người ta mặc định về phụ nữ, dường như sở thích của cô Vân, chị Linh hay chị Phương cần những người mạnh dạn và có ý chí lẫn thể lực tốt nhiều hơn là tiền bạc.

Chia sẻ