Làm 8 động tác tay này, bạn sẽ bất ngờ vì tác dụng đối với xương khớp
Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống và lối sống, thì các bài tập căng giãn cơ cho tay có thể rất hiệu quả trong việc giảm đau do bệnh viêm khớp.
Khi bệnh viêm khớp bắt đầu ảnh hưởng đến tay bạn, các công việc hàng ngày như nấu cơm, làm vườn, và gõ bàn phím cũng khiến bạn đau đớn, khó chịu.
Viêm xương khớp là gì?
Viêm xương khớp là một bệnh ảnh hưởng đến sụn nối giữa hai xương. Nó xảy ra khi lớp trên cùng của sụn bị thoái hóa và khiến các xương chà xát lên nhau, gây viêm, cứng khớp, đau đớn và hạn chế lực cũng như khả năng vận động, và thường xuyên gây biến dạng khớp.
Gai đôi khi có thể phát triển ở các cạnh của xương, những mẩu nhỏ xương và sụn có thể vỡ nhỏ ra, chèn vào giữa khớp, việc này khiến tăng cơn đau và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Nguyên nhân và yếu tố nguy hiểm của bệnh viêm xương khớp rất nhiều và càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Những nguyên nhân phổ biến:
- Thừa cân
- Tuổi già
- Chấn thương khớp
- Trật khớp
- Khiếm khuyết di truyền trong sụn khớp
- Căng cơ ở vùng khớp do một số công việc chân tay và chơi thể thao
Không có cách chữa trị bệnh viêm khớp một cách triệt để vì nó là một căn bệnh thoái hóa. Tuy nhiên, có nhiều cách để làm giảm triệu chứng và làm chậm tiến trình của nó.
Cách điều trị:
- Các bài tập vận động ở mức trung bình
- Dùng thuốc giảm đau
- Vật lý trị liệu
- Liệu pháp phục hồi chức năng
- Tập thái cực quyền và yoga
- Tiêm steroid
- Châm cứu
- Bổ sung chế độ ăn uống
Thực phẩm bạn ăn ảnh hưởng trực tiếp lên cơ thể
Những thứ bạn ăn ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của cơ thể và tâm lý của bạn. Đó chính là lý do vì sao y học phương Tây thừa nhận rằng một số thực phẩm nhất định có thể tạo điều kiện cho bệnh xương khớp tiến triển và làm trầm trọng các triệu chứng.
Ví dụ như các sản phẩm từ sữa dường như là thủ phạm phổ biến, cũng như thịt đỏ và một số loại trái cây, rau quả (cà chua, cà tím, và các loại trái cây họ cam quýt).
Có những chất chống viêm tự nhiên hiệu nghiệm có thể làm giảm đau viêm khớp và giảm viêm trong cơ thể. Một vài loại còn có tác dụng tốt hơn so với các loại thuốc mà bạn có thể đã dùng.
Tập căng giãn cơ để điều trị viêm khớp
Điều trị bệnh viêm khớp hiệu quả nhất khi dùng các biện pháp bên trong và bên ngoài. Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống và lối sống, thì các bài tập căng giãn cơ cho tay có thể rất hiệu quả trong việc giảm đau và tăng vận động cũng như lực cho khớp.
Để đạt hiệu quả cao nhất, hãy ngâm tay vào nước nóng trong 10 phút trước khi thực hiện để thả lỏng cơ và dây chằng, nó cũng có tác dụng tập căng dãn cơ được sâu hơn.
Dưới đây là 8 bài tập cho tay để căng giãn cơ mà bạn có thể thực hiện tại mọi thời điểm.
1. Gập ngón cái
Để bàn tay thẳng, các ngón tay duỗi, gập ngón cái hướng vào lòng bàn tay, càng với xa càng tốt cho đến khi chạm ngón út. Giữ như thế trong vài giây rồi thả ra. Làm lặp lại 10 lần.
2. Nắm tay
Bài tập này rất hiệu quả khi khớp bàn tay bạn đặc biệt cứng. Mở rộng ngón tay và từ từ nắm lại thành nắm đấm, giữ ngón cái nằm giữa các ngón tay. Thả lỏng tay và mở ra từ từ cho đến khi các ngón thẳng. Làm lặp lại 10 lần.
3. Nhấc ngón tay
Úp bàn tay với các ngón tay trải phẳng trên mặt bàn. Lần lượt theo thứ tự, nhấc từng ngón khỏi mặt bàn và giữ thế trong vài giây, sau đó từ từ thả xuống. Lặp lại nhiều lần cho đến khi bạn thấy thoải mái.
4. Nắm thành chữ O
Giữ tay ở vị trí ngang tim phía trước ngực, chụm ngón tay lại với nhau để tại thành chữ “O”. Ngón cái và ngón trỏ phải chạm vào nhau và tạo thành một vòng tròn có thể nhìn thấy được khoảng trống bên trong bàn tay. Giữ vị trí trong vài giây rồi thả ra. Lặp lại ít nhất 3 lần.
5. Gập ngón tay
Bắt đầu với bàn tay duỗi thẳng. Gập ngón cái về phía bàn tay và giữ trong vài giây. Để tay thả lại vị trí ban đầu, sau đó gập ngón trỏ về phía bàn tay, giữ vài giây và thả. Lặp lại như thế với từng ngón còn lại.
6. Căng duỗi cổ tay
Các ngón tay và bàn tay nối với phần còn lại của cơ thể bằng cổ tay. Bằng việc căng duỗi cổ tay, bạn sẽ được vận động đẩy đủ hơn là chỉ vận động ngón và bàn tay.
Mở rộng một cánh tay với lòng bàn tay úp. Đặt ngón tay của bàn tay còn lại lên những ngón đang bị kéo căng, nhẹ nhàng đẩy lên và kéo lại, gập cổ tay. Giữ như thế trong vài giây. Thả ra và lặp lại 10 lần.
Bạn cũng có thể căng dãn cổ tay theo cách khác: đặt bàn tay còn lại lên phần trên cùng của bàn tay đang căng duỗi. Nhẹ nhàng đẩy để bẻ cong bàn tay xuống. Giữ như thế trong vài giây rồi thả ra. Luân chuyển căng dãn lần lượt theo hướng lên và hướng xuống dưới.
7. Ấn tay lên bàn
Đặt phần bàn tay phía cạnh của ngón út xuống bàn. Hướng ngón cái lên trên, các ngón nắm vào trong sao cho tạo thành biểu tượng “giơ ngón tay cái”. Nắm chặt các ngón tay vào lòng bàn tay. Giữ một vài giây và duỗi thẳng các ngón tay. Lặp lại như thế 10 lần.
8. Xòe và nắm
Bắt đầu bài tập với bàn tay ở vị trí bình thường, các ngón tay duỗi thẳng. Dần dần xòe rộng và kéo căng ngón tay càng xa càng tốt để nó xòe giống hình rẻ quạt. Giữ tư thế đó trong vài giây, sau đó co các ngón tay lại để tạo thành hình nắm đấm với lực xiết nhẹ. Giữ trong 5 giây. Làm 2 lần mỗi ngày.
(Nguồn: Healthymotivator)