Lãi suất, tỉ giá hạ nhiệt
Tỉ giá USD/VNĐ giảm nhanh cùng với việc nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay, không tăng lãi suất huy động quá 9,5%/năm… góp phần ổn định mặt bằng lãi suất.
Ngày 16-12, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở 23.650 đồng/USD, giảm nhẹ so với hôm trước và tiếp tục xu hướng đi xuống. Giá USD ở các NH thương mại ở mức 23.460 đồng/USD mua vào, 23.740 đồng/USD bán ra, giảm khoảng 4,8% so với mức đỉnh gần 2 tháng trước.
Áp lực giảm dần
Trên thị trường tự do, giá USD cũng liên tục lao dốc. Cuối ngày 16-12, giá USD tự do được một số điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch quanh 24.000 đồng/USD mua vào, 24.060 đồng/USD bán ra, giảm tới 5,5% so với đỉnh ở vùng 25.400 đồng/USD hồi cuối tháng 10.
Chuyên gia tài chính Trần Duy Phương cho hay nhu cầu USD trên thị trường tự do không cao như trước trong khi nguồn cung ngoại tệ trong NH đang dồi dào do kiều hối về nhiều, thặng dư từ cán cân thương mại. Chỉ riêng kiều hối đổ về TP HCM trong năm nay ước đạt khoảng 6,8 tỉ USD, góp phần rất lớn vào tăng cung ngoại tệ, ổn định tỉ giá. Cuối năm, cá nhân và doanh nghiệp (DN) cũng có nhu cầu bán USD, lấy tiền đồng để kinh doanh càng khiến cầu ngoại tệ đi xuống.
Đáng chú ý, đà hạ nhiệt của tỉ giá tiếp tục diễn ra dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %, đưa lãi suất lên mức cao nhất là 4,25%-4,5%.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết quyết định của FED đã nằm trong kịch bản và dự đoán trước đó, trong bối cảnh lạm phát của Mỹ và lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh, bắt đầu giảm nhiệt. "Với mức tăng lãi suất của FED lần này sẽ giảm bớt áp lực đối với lãi suất và tỉ giá của Việt Nam" - ông Lực nói. Trước đó, TS Cấn Văn Lực cũng nhận định áp lực tỉ giá hiện tại không còn lớn. Chỉ trong tháng 11, đồng USD đã mất giá khoảng 3% và các dự báo cũng cho thấy đồng tiền của các nước trong năm tới sẽ tăng giá trở lại.
Ông Đỗ Ngọc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, phân tích dù FED tăng lãi suất nhưng thị trường đã dự đoán trước đó, tỉ giá không chịu áp lực nhiều. Hiện tại, thanh khoản USD đang rất dồi dào khiến giá USD giảm nhanh. Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ giúp có dư địa để NHNN điều hành chính sách tiền tệ hài hòa hơn.
VPBank là ngân hàng tiếp theo công bố giảm lãi suất cho vay. Ảnh: BÌNH AN
Cùng cam kết giảm lãi vay
Theo các chuyên gia kinh tế, tỉ giá hạ nhiệt góp phần giúp lãi suất ổn định, thậm chí có thể giảm nếu điều kiện thuận lợi. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), cho biết tại hội nghị để trao đổi, thống nhất các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và phát triển vừa tổ chức, các NH đã thống nhất giảm lãi suất cho vay và không tăng quá cao lãi suất huy động. VNBA đã kêu gọi và 100% hội viên thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn không vượt quá 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).
Các tổ chức tín dụng cũng đồng thuận nỗ lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN thông qua tiết giảm chi phí. Đến nay đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5-3 điểm %, cá biệt có NH cam kết giảm đến 3,5 điểm %. Các NH cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng.
Thành viên mới nhất nhập cuộc giảm lãi suất là NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Chương trình cho vay ưu đãi trị giá 7.000 tỉ đồng vừa được NH này triển khai từ ngày 15-12 nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và khách hàng DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý. Mức giảm lãi suất cho vay, áp dụng cho cả kỳ hạn vay ngắn và trung dài hạn, lên tới 1,5 điểm % kỳ vọng sẽ hỗ trợ khách hàng bổ sung nguồn vốn kịp thời.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các NH đã cam kết cần thực hiện nghiêm túc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để NHNN có thêm điều kiện xác định hạn mức tín dụng năm 2023, bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại.
. Ông ĐÀO MINH TÚ - Phó Thống đốc Thường trực NHNN:
Tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2%
NHNN luôn chỉ đạo các NH thương mại quan tâm và tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, dù tình hình khó khăn trong nước và thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động NH. Những NH chưa cam kết thì khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản cam kết theo tinh thần kêu gọi của VNBA và công bố công khai cam kết giảm lãi suất.
Các NH thương mại cần coi việc giảm lãi suất, hỗ trợ DN và nền kinh tế là trách nhiệm; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất để có thể giảm lãi suất. Giảm lãi suất phải thực chất, không được tăng các loại phí; tập trung giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, vào các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
. Ông ĐINH QUANG HINH - Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect:
Kỳ vọng lãi suất tiền gửi giảm nhẹ
Lãi suất huy động khó có khả năng giảm ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2023 do hạn chế thanh khoản trong bối cảnh thiếu niềm tin trên thị trường trái phiếu DN; nhu cầu huy động vốn của các NH tăng mạnh để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vốn, cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế. Tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022, do đó các NH phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.
Tuy nhiên, kỳ vọng lãi suất tiền gửi có thể điều chỉnh nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ áp lực tỉ giá giảm cho phép NHNN hỗ trợ thanh khoản và ổn định mặt bằng lãi suất. Lạm phát trong nước được kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4,5%. Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu DN.
. Ông TRƯƠNG TIẾN DŨNG - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM:
Đủ vốn để ổn định hàng hóa dịp Tết
Tết năm nay, với sự quan tâm của UBND TP HCM, các DN lương thực thực phẩm trên địa bàn thành phố được yêu cầu tham gia bình ổn, bảo đảm nguồn hàng phục vụ Tết. Các DN trong hội dự kiến tăng trưởng sản lượng hàng cho mùa Tết 15%-20% so với cùng kỳ. Mục tiêu là sản lượng không thiếu, giá không tăng, duy trì chất lượng đồng thời có chương trình khuyến mãi, hỗ trợ nhà phân phối để bán hàng. Các DN trong Hội Lương thực Thực phẩm mong muốn đóng góp vào sự ổn định cung và cầu hàng hóa tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Muốn vậy, DN kỳ vọng tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn từ NH.