Không may thất nghiệp, vợ coi tôi là “đàn ông mặc váy”
Tôi thật sự bàng hoàng khi nghe tận tai cô ấy gọi tôi là nó với thái độ rẻ rúng coi khinh.
Cách đây 2 năm, công ty bị giải thể nên tôi trở thành kẻ thất ngiệp. Mặc dù cũng đưa hồ sơ xin việc ở nhiều chỗ nhưng tôi vẫn chưa tìm được việc phù hợp. Chỗ đãi ngộ tốt thì địa điểm tận thành phố khác, chỗ gần nhà thì lương lậu lẹt đẹt.
Vợ tôi làm kế toán trong một công ty nước ngoài, chúng tôi
có một cháu gái năm nay lên 5. Vì là con trai duy nhất nên vợ chồng tôi sống
cùng bố mẹ tôi. Cả hai ông bà đều là viên chức nhà nước về hưu, lương gộp lại
cũng thoải mái nuôi tôi nên tôi vẫn không sốt sắng phải đi tìm việc.
Vì biết mình nhàn rỗi nhất nhà nên tôi làm tất cả việc vặt
trong nhà, từ nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ cho đến chăm sóc con
gái, đưa đón cháu đi học... để vợ tôi có thời gian nghỉ ngơi. Hai năm qua, mọi
việc diễn ra rất suôn sẻ. Bố mẹ tôi không nói gì, vợ tôi thì lúc nào cũng ngọt
ngào, khi thì khen tôi nấu ăn ngon tuyệt, khi thì khen tôi chu đáo đảm đang.
Tôi cũng cảm thấy khá hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Tôi cứ nghĩ mình đã không kiếm ra tiền, lại còn lười, còn vũ phu thì chẳng đáng mặt đàn ông nên tôi hết lòng chăm lo cho gia đình. (ảnh minh họa)
Nhưng rồi, tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa 3 chị
em cô ấy. Tôi thật sự bàng hoàng trước thái độ khinh rẻ của vợ khi nói về tôi.
Cứ 2 lần mỗi tháng, tôi đều đưa vợ và con gái về bà ngoại
chơi. Hôm đó, như mọi lần, tôi đưa con gái đi câu cá cùng mấy anh em rể, còn vợ
tôi ngồi nói chuyện với các chị em của cô ấy (họ cũng về quê những ngày cuối tuần).
Lúc quay lại lấy dép cho con, tôi nghe thấy giọng cô ấy đang
nói “Em sai gì nó chẳng được. Đố dám ho he phản kháng”. Tôi cứ nghĩ vợ đang nói
về con gái tôi. Nhưng đến khi nghe thấy câu tiếp theo, tôi như bị sét đáng
ngang tai. Vợ tôi bảo “Đàn ông đàn ang, không kiếm được tiền thì phải chịu nghe
vợ sai khiến thôi. Mấy lần nó đang ngủ, em đạp dậy bảo nhà hết sữa rồi mau đi
mua sữa cho con, cũng phải lon ton dậy đi ngay.”
Chị vợ tôi cũng hùa theo phụ họa “Ôi ngoan thế, chẳng bù cho
chồng chị, không bao giờ động tay động chân vào việc nhà, thỉnh thoảng lại gọi
bạn bè về ăn uống linh đình, chỉ khổ cái thân già này dọn dẹp.” Còn em gái cô ấy
cũng oang oang nói “Lão chồng em thì không hay kéo bạn bè về, nhưng mà lười thì
thôi rồi, lại còn bẩn thỉu không chịu được, cái tất đi xong còn cởi ra dúi ở đầu
giường, nhiều khi đang nằm cứ tưởng có con gì chết gần đấy. Nhưng mà á, đi ra
ngoài đường, quần áo bắt vợ phải là phẳng phiu, giặt phải vò bằng tay. Hành
nhau gớm lắm.”
Vợ tôi tiếp lời “Xời ơi, thế thì theo thế nào được thằng chồng
chị. Quần áo của chị toàn hàng hiệu, nó phải giặt bằng tay là đúng rồi. Đến đồ
lót chị cũng bắt phải cho vào túi giặt rồi mới được vứt vào máy.”
Chẳng lẽ tôi đã sai khi quá chiều cô ấy? Tôi nghĩ những bộ
váy của vợ toàn bằng ren mỏng nên cẩn thận vò bằng tay cho cô ấy, đến vắt tôi
cũng phải lựa theo chiều vải. Nhiều khi đồ lót cũng là tự tay tôi giặt cho.
Nhưng không ngờ, cô ấy không cảm nhận được sự cẩn thận và quý trọng của tôi, lại
nghiễm nhiên coi tôi như một đứa ở, nói về tôi với thái độ khinh miệt như vậy.
Tôi cứ nghĩ mình đã không kiếm ra tiền, lại còn lười, còn vũ
phu thì chẳng đáng mặt đàn ông nên tôi hết lòng chăm lo cho gia đình. Tôi cũng
ít đàn đúm tụ tập với bạn bè, một phần vì ngại tụi bạn hỏi về công việc hiện giờ,
một phần vì sợ vợ nghĩ tôi vô công rỗi nghề. Có lẽ tôi đang đóng nhầm vai, lẽ
ra là trụ cột thì tôi lại nhận phần “bà nội trợ”. Còn cô ấy, công việc tốt,
lương cao, ra bên ngoài được coi là thành phần tinh anh của xã hội. Nhưng màn đối
thoại của ba người họ đã chạm đúng vào lòng tự ái, sĩ diện của tôi khiến tôi phải
nhìn nhận lại bản thân mình.
Chẳng lẽ tôi đã sai khi quá chiều cô ấy? (ảnh minh họa)
Hóa ra, những lần cười nói khen ngợi mỗi tối của cô ấy đều ẩn
dấu nụ cười khinh bỉ phía sau. Tôi thất thần đi về phía bờ hồ mà quên mất không
mang theo đôi dép cho con. Chiều hôm đó, tôi vẫn im lặng không nói năng gì. Tôi
phải cố kìm nén cơn giận, phải cố bắt mình nhẫn nhịn để không làm tan nát gia
đình. Nhưng thực chất, trong đầu tôi như có một ngọn lửa nung nấu, tôi chỉ muốn
xông vào tát cho cô ấy một bạt tai, tôi chỉ muốn chỉ thẳng mặt cô ấy và nói với
cô ấy rằng, từ giờ có thân thì lo lấy. Song, tôi vẫn phải cố kìm, bởi vì tôi
không có gì đáng tự hào trong tay. Không nghề nghiệp, hơn 30 tuổi đầu vẫn phải
để bố mẹ nuôi.
Tôi sẽ không ngốc nghếch ở nhà làm một người “đàn ông mặc váy, đàn bà có râu” nữa. Tôi đã quyết định, dù có phải lên miền cao hay xuống miền ngược, tôi cũng không ở nhà cho vợ sai bảo nữa. Giờ tôi chỉ ao ước mình đi làm, cuối tháng cầm một cọc tiền lương ném cho cô ấy, rồi hô to gọi nhỏ bắt cô ấy phục tùng, để cô ấy biết, một khi thằng chồng ngoan ngoãn là tôi đây phản kháng sẽ như thế nào.