Khoảnh khắc cứu hộ trong vụ sập nhà 3 tầng: Cơn mưa rào 2 phút đúng lúc đưa nạn nhân cuối ra ngoài
Hơn 1000 người thuộc các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn như: Bộ tư lệnh Thủ đô, lực lượng PCCC, lực lượng Công an phường, Công an Quận, dân quân tự vệ… đã nỗ lực nhiều giờ liên tiếp để đưa nạn nhân ra ngoài.
Phải tính toán an toàn cho nạn nhân
Như chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc về vụ sập nhà tại số 43 Cửa Bắc (Ba Đình – Hà Nội) khiến 2 người tử vong và nhiều người trọng thương.
Đúng 11g30p ngày 4/8 lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã đưa được nạn nhân cuối cùng trong vụ sập nhà khỏi hiện trường. Việc cứu hộ cứu nạn trong vụ sập nhà này được triển khai nhanh chóng, gấp rút bởi tính mạng của các nhân được tính bằng giờ, bằng phút. Chính vì vậy, các lực lượng cứu hộ cứu nạn xác định việc triển khai nhanh, chính xác và đảm bảo an toàn là điều vô cùng cấp thiết.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay, sau 6 giờ, các lực lượng đã cơ bản xác định được mức độ thiệt hại và tính chất nguy hiểm cũng như thuận lợi khó khăn để cứu hộ cứu nạn. Việc khó khăn nhất là công trình sụp đổ có cả bê tông sắt thép có khối lượng lớn nên việc tháo dỡ cần chuyên môn và phương tiện phù hợp. Đặc biệt, trong hiện trường còn có người mắc kẹt nên phải tính toán các phương án an toàn nhất, hiệu quả nhất.
Được biết, Sở Cảnh sát PCCC đã điều động hàng trăm chiến sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, tinh nhuệ để tham gia cứu hộ cứu nạn.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đỗ Trí Dũng – trưởng ban cứu hộ cứu nạn Bộ tư lệnh Thủ Đô (Hà Nội) cho biết: “Lúc 3 giờ 30 phút chúng tôi nhận được tin về vụ sập nhà, đơn vị đã nhanh chóng triển khai lực lượng gồm 300 chiến sĩ có mặt tại hiện trường để phối hợp với nhiều đơn vị khác tham gia giải cứu nạn nhân”.
Thượng tá Dũng cũng thông tin thêm: “Hiện trường vụ sập nhà rất khó khăn cho việc cứu hộ cứu nạn do khối lượng bê tông, gạch đá của căn nhà 4 tầng sập xuống là rất lớn. Chính vì vậy, sau khi nghiên cứu, thị sát đã nhanh chóng triển khai việc cứu các nạn nhân càng nhanh càng tốt ra khỏi hiện trường. Để làm được điều đó, lực lượng đã triển khai thành nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Nghiên cứu hiện trường, triển khai máy móc, người để đảm nhiệm các nhiệm vụ đưa gạch đá ra khỏi khu vực”.
“Tính đến thời điểm 11 giờ trưa, nạn nhân cuối cùng đang được đơn vị phối hợp với lực lượng PCCC tiếp cận để đưa ra. Do đặc thù của đơn vị là cứu hộ, cứu nạn nên các chiến sĩ được điều động đến hiện trường đều có kinh nghiệm để tác chiến chính xác và nhanh nhất”, thượng tá Dũng cho biết thêm.
Cơn mưa rào 2 phút là khoảnh khắc đưa nạn nhân cuối cùng ra
11 giờ 30 phút, nạn nhân cuối cùng trong vụ sập nhà được đưa ra, đúng thời điểm này cơn mưa rào rất lớn và chỉ kéo dài 2 phút rồi tạnh, ai cũng hướng mắt về nạn nhân…
Có mặt tại hiện trường lúc này, chúng tôi chứng kiến khoảnh khắc trời mưa như trút nước, ai cũng chạy dạt khỏi khu vực để tìm chỗ trú nhưng với những đồng chí tham gia cứu nạn cứu hộ vẫn bám trụ hiện trường một cách kiên trì để đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Nạn nhân được đưa lên cáng rồi các chiến sĩ PCCC truyền tay nhau đưa xuống xe cứu thương đang chờ sẵn, khoảnh khắc này khiến ai cũng xúc động.
Trong quá trình cứu hộ, đã có cán bộ đội cứu hộ bị thương khi vận chuyển đất đá, tìm kiếm nạn nhân.
Sáng ngày 4/8, trực tiếp có mặt tại hiện trường, thiếu tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an Hà Nội và đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của Công an Hà Nội và Công an quận Ba Đình khẩn trương, trách nhiệm phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện tốt phương án cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài sản của nhân dân.
Tướng Khương cũng yêu cầu Cơ quan điều tra và Phòng Kỹ thuật hình sự phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhanh chóng, chính xác công tác khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân xảy ra sự cố để làm căn cứ, cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật
Danh sách các nạn nhân trong vụ nhà sập Theo báo cáo của Công an quận Ba Đình, tại căn nhà bị sập số 43 phố Cửa Bắc có 09 người tạm trú, gồm: 1. Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1998, quê quán Yên Phong, Bắc Ninh. 2. Nguyễn Vĩnh Đua, sinh năm 1983, quê quán Yên Phong, Bắc Ninh. 3. Trần Văn Dần, sinh năm 1998, quê quán Đông Cửa, Thanh Sơn, Phú Thọ. 4. Nguyễn Hồng Chiến, sinh năm 1999, quê quán Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội 5. Nguyễn Hồng Thắng, sinh năm 1998, quê quán Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội 6. Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1997, quê quán Thành phố Phủ Lý, Hà Nam. 7. Nguyễn Thị Thoa, sinh năm 1997, quê quán Phú Thọ. 8. Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1993, quê quán Ba Vì, Hà Nội. 9. Nguyễn Vĩnh Dần, sinh năm 1986, quê quán Yên Phong, Bắc Ninh. Khi xảy ra sự cố, có 04 người tự thoát ra ngoài; 05 người bị mắc kẹt trong khu nhà sập. Đến 9h00, có 3 người lần lượt được đưa ra khỏi khu vực nhà sập, được tiến hành sơ cứu, cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn, Việt Đức. Đến nay, tình trạng sức khỏe của 3 người đang dần hồi phục. Đến 11h30, 2 trường hợp là anh Nguyễn Văn Quang và chị Nguyễn Thị Hằng là những nạn nhân cuối cùng được đưa ra ngoài và cấp cứu tại bệnh viện, được xác định là đã tử vong. Minh Ngọc |