Khi diễn đàn mạng thành "địa ngục thị phi": Khích bác, bóp méo sự thật, quấy rối, tống tiền và hàng loạt chuyện xấu không điểm dừng

VŨ HUẾ,
Chia sẻ

"Mọi người đều cảm thấy tồi tệ," - một người dùng Tattle Life, trang tự do ẩn danh và bình luận kiếm tiền phổ biến nhất internet Anh, phàn nàn.

Tattle Life (gọi tắt Tattle) ra mắt năm 2018, trong vai diễn đàn mổ xẻ cuộc sống. Chỉ trong vòng 6 tháng vừa qua, nó đã có tổng 43,2 triệu lượt truy cập, chủ yếu là người Anh.

Địa ngục thị phi tàn bạo

Ban đầu, Tattle nổi lên như chuyên trang dành riêng cho phụ nữ. Tại đây, các chị em tại Anh Quốc thoải mái chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm sống. Họ thường bàn tán các chủ đề như thời trang, làm đẹp, nuôi dạy con cái…

Khi diễn đàn mạng thành địa ngục thị phi: Khích bác, bóp méo sự thật, quấy rối, tống tiền và hàng loạt chuyện xấu không điểm dừng - Ảnh 1.

Tattle Life, diễn đàn nhiều bê bối nhất internet Anh

Có điều, nó dần dà biến chất. Thay vì các chủ đề cuộc sống thường nhật của mọi người, người dùng chú tâm vào các nhân vật nổi tiếng. Họ tùy tiện đánh giá, bàn luận, phát tán hình ảnh, video riêng tư với mục đích bôi nhọ, công kích…

Chưa hết, nhiều cá nhân còn liên hệ với công ty đối tác của người nổi tiếng, phá hoại giao dịch thương mại. Chỉ cần nhập tên của một nhân vật công chúng, ví dụ như Katie Price (người mẫu kiêm ca sĩ, thương gia Anh) là liền thấy một loạt các câu bình luận thô tục, độc ác. Bất cứ hành động, lời nói, tình trạng nào của Katie từng được phương tiện truyền thông đề cập cũng bị lôi ra gièm pha.

Trong phạm vi của Tattle, mọi chia sẻ đều có khả năng bị bóp méo. Ví dụ trường hợp của Grace Mongey (33 tuổi), viết trên trang cá nhân rằng đang hết sức lo lắng, đau buồn vì mèo cưng đã mất tích 4 ngày. "Họ phán xét tôi giấu nó ở sân sau, ra vẻ bi thương để ‘câu’ sự thương hại," – Grace kể lại. Càng lúc, các bình luận càng đầy ác ý, khiến Grace phải bỏ tài khoản và thề không bao giờ dùng Tattle nữa.

Khi diễn đàn mạng thành địa ngục thị phi: Khích bác, bóp méo sự thật, quấy rối, tống tiền và hàng loạt chuyện xấu không điểm dừng - Ảnh 2.

Phần lớn nạn nhân của bạo lực bình luận trên Tattle Life là phụ nữ

Draper (31 tuổi) thì khoe mới hạ sinh bé trai và đặt tên là Blaise. Người dùng Tattle lao vào chế nhạo cái tên, ác miệng đến nỗi khiến Draper không dám gọi con suốt 2 tháng. "Họ đã làm hoen ố cái tên mà tôi dành hết tâm sức tìm đặt cho con," – cô đau đớn.

Trên tất cả, Draper sợ người dùng Tattle theo dõi, quay chụp trộm, phát tán đời sống riêng tư của con trai. Dù chỉ đi siêu thị, cô cũng bất an nhìn trước ngó sau. Lắm lúc, Draper bật dậy giữa đêm khuya vì ác mộng Tattle. "Tôi e rằng, có người đến tự tử bởi bị bạo lực bình luận trên Tattle," - Hannah Farrington (28 tuổi) lo ngại.

Không thể đánh sập trang

Phân tích từ Trung tâm Ngăn chặn Thù địch Kỹ thuật số (Center for Countering Digital Hate - CCDH) chỉ ra, 75% các chủ đề trên Tattle liên quan phụ nữ. Trong đó, 15% kích động thù hằn, 12% chứa thông tin sai lệch.

Năm 2020, Tattle dính bê bối. Clemmie Hooper, người có ảnh hưởng trong việc nuôi dạy con cái ở Anh, bị phát hiện sử dụng tên ẩn, công kích đối thủ thuyết trình Candice Brathwaite (Anh gốc Phi) và hàng loạt người xung quanh, bao gồm cả chồng con. "Đây là cách làm quá quỷ quyệt và độc địa," - Callum Hood, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của CCDH đánh giá.

Khi diễn đàn mạng thành địa ngục thị phi: Khích bác, bóp méo sự thật, quấy rối, tống tiền và hàng loạt chuyện xấu không điểm dừng - Ảnh 3.

Clemmie Hooper, diễn giả bị bại lộ ẩn danh trên Tattle Life, bôi nhọ người xung quanh

"Tattle giống hệt như địa ngục internet," – Hannah bức xúc. "Ở trên đó, mọi người đều khó chịu, kiệt sức". Nhiều người dùng quay ra căm ghét Tattle, đòi xóa bỏ trang web. Họ cùng nhau làm bản kiến nghị và kêu gọi được 63.000 chữ ký, nhưng đánh sập Tattle bất thành.

Tháng 8/2021, Em Sheldon (người nổi tiếng) tố cáo Tattle lên tận Ủy ban Quốc hội, kiến nghị gỡ trang web. Tattle vẫn vững vàng. Google, nhà tài trợ của Tattle tránh né trả lời phỏng vấn liên quan. "Gã khổng lồ" này thu lợi thông qua Google AdSense đặt quảng cáo trên Tattle. Theo ước tính của CCDH, trong vòng 6 tháng qua, Google Ad kiếm từ Tattle $371.347 (tương đương 848 triệu đồng).

Lạm dụng thoát ra ngoài đời thực

Tattle cấm các ngôn từ, lời lẽ mang tính quấy rối và kêu gọi người dùng "chỉ ở yên trên diễn đàn". Tuy nhiên, cả lệnh cấm lẫn sự khuyến nghị đều vô hiệu. Lấy ví dụ trường hợp Youtuber Mia Jeal. Cô bị nhiều người dùng Tattle hùa nhau gửi email phản đối đến tất cả công ty hợp tác. Max Parker, nhà đại diện của thương hiệu Max Parker, lên tiếng trên Tattle có ý định bắt tay với Mia. Lập tức, email của anh gặp "bão" thư điện tử.

Khi diễn đàn mạng thành địa ngục thị phi: Khích bác, bóp méo sự thật, quấy rối, tống tiền và hàng loạt chuyện xấu không điểm dừng - Ảnh 4.

Katie Hayes phải trình diện cảnh sát vì người dùng Tattle Life vu khống nặc danh quá nhiều lần

Katie Hayes (29 tuổi) thì bị cảnh sát "mời" vì người dùng Tattle liên tục gọi điện tới cơ quan pháp lý, cáo buộc cô vi phạm quy tắc hạn chế Covid-19. Khi Katie quảng bá rượu prosecco không cồn trên Instagram, người dùng Tattle nhảy sang vu khống cô uống rượu khi mang thai. "Nếu không phải vì đứa con trong bụng, chắc tôi đã tự tử cho xong chuyện," – Katie bất mãn.

Nhiều nạn nhân của Tattle điên tiết đòi kiện những kẻ giấu mặt sau màn hình phá hoại cuộc sống, sự nghiệp của mình. "Luật sư của tôi nói rằng, để đi đến khởi kiện, tôi phải tốn cỡ 30.000 bảng Anh (tương đương 908 triệu đồng)," – một người ở London, giấu tên, cho biết. "Tôi chỉ là một bà mẹ đơn thân, lấy đâu ra nhiều tiền đến thế". Cuối cùng, cô đành bấm bụng tốn 1500 bảng Anh (khoảng 45 triệu đồng) chỉ để được xóa địa chỉ.

Tháng 9/2021, trang Detechtives "đấu tranh chống Tattle" xuất hiện, tuyên bố bảo vệ các nạn nhân của Tattle. Chưa hết tháng, sau khi điểm mặt chỉ tên Malone – "đầu sỏ troll" khét tiếng, Detechtives biến mất không dấu vết. Bị gặng hỏi, Malone lý giải "chắc bị tin tặc đánh sập trang" và quyên góp từ thiện 1000 bảng Anh (khoảng 30 triệu đồng), xóa video "troll" bê bối trên Tattle, kết thúc êm đẹp.

Tham khảo: The Guardian

Chia sẻ