Khi "bóc phốt", vạch mặt lẫn nhau trở thành trào lưu trên Facebook

Theo Kenh14/Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Những ngày này, không khó để bạn dạo quanh Facebook và bắt gặp những câu chuyện "bóc phốt", vạch mặt nhau công khai. Từ những chuyện nhỏ như vay tiền không trả, sống ảo khoe khoang,... cho đến cả những chuyện rất cá nhân như chuyện tình cảm phản bội lẫn nhau, hay thậm chí là những bức hình nhạy cảm.

Mạng xã hội theo định nghĩa của Wikipedia, đó là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Mặc dù trên thế giới có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mạng xã hội khác nhau như MySpace, Orkut, Hi5, Friendster, CyWorld... thì ở Việt Nam, nhắc đến mạng xã hội, trước đây người ta sẽ biết đến Yahoo! 360, còn giờ đây là Facebook.

Facebook phổ biến ở Việt Nam đến mức theo thống kê chính thức, tính tới giữa năm 2015, có 20 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook mỗi ngày và trung bình mỗi người dành ra tới 2,5 giờ "lang thang" trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Khi bóc phốt, vạch mặt lẫn nhau trở thành trào lưu trên Facebook - Ảnh 1.

Vậy trong trung bình 2,5 giờ "lang thang" ấy, người ta làm gì với Facebook?

Câu trả lời là bạn có thể làm tất cả.

Chỉ cần một vài thao tác đơn giản và một hòm thư điện tử hoặc một số điện thoại để kích hoạt, bạn đã nhanh chóng có được một tài khoản Facebook. Và giờ thì bạn có cảm tưởng như "cả thế giới đang ở trong tầm tay bạn" vậy. Bạn có thể làm từ những việc đơn giản nhất như viết status chia sẻ trạng thái: "Hôm nay của bạn thế nào? Bạn vui chứ? Bạn có gì mới chứ? Đứa bạn thân vẫn phũ bạn như hôm qua chứ? Cái cây đầu ngõ đã ra hoa rồi chứ? Anh đẹp trai bạn gặp ở tiệm trà sữa đã có bạn trai rồi chứ?" cho đến việc đăng tải từ 1 đến 1 tá, thậm chí là cả nghìn bức ảnh tự sướng của bạn, ảnh khoe con, ảnh văn phòng, ảnh du lịch...

Không ai có thể kiểm soát được bạn, bởi đơn giản: "Đây là Facebook của bạn!"

Facebook trở thành nơi chốn triển lãm với cả thế giới đời sống tình cảm mỗi cá nhân

Hôm nay bạn vừa crush một anh, bạn sẽ đăng ngay status để khoe. Ngày mai bạn làm quen được với một anh chàng dễ mến, bạn sẽ đăng ngay một cái hình tỏ vẻ bạn đang "sung sướng" cỡ nào. Rồi có thể ngày kia bạn đồng ý hẹn hò với một ai đó, chỉ ít phút sau, cả friendlist của bạn sẽ nhận được notification thông báo bạn vừa thay đổi trạng thái từ Single sang In a relationship.

Khi bóc phốt, vạch mặt lẫn nhau trở thành trào lưu trên Facebook - Ảnh 2.

Có nhiều người khi yêu cứ thích nói oang oang lên rằng: "Tôi đang yêu đấy nhé!", và để chứng minh cho điều đó, họ sẽ không ngừng post những tấm hình thân thiết với người yêu mình lên Facebook. Từ những buổi hẹn hò lãng mạn, từ những món quà kỉ niệm đến những lời nhắn "sến súa" dành cho nhau, cái gì cũng có thể trở thành tác phẩm để đem khoa mọi người, sau đó nhận về những cái like, những lời comment hoặc là chúc phúc, hoặc là GATO... Có vẻ như càng nhiều lượt thích thì càng chứng tỏ tình yêu của hai bạn được công nhận là rất hạnh phúc vậy.

Nhưng mà thôi, khi yêu một người, IQ của người ta thường bị tụt lùi. Hơn nữa, việc chia sẻ hình ảnh, những mẩu chuyện thường ngày vui vui khi yêu lên mạng không chỉ là một cách để "khoe" mà cũng là một cách để lưu giữ kỉ niệm tình yêu nữa. Điều này không xấu nếu biết tiết chế, bởi không phải ai cũng may mắn có người yêu để "Hai đứa mình cũng chụp ảnh như thế cho bọn nó thèm nhé!", mà còn rất nhiều những cô nàng, anh chàng F.A cô đơn lẻ bóng, cắn khăn "chống mắt xem chúng nó hạnh phúc được bao lâu".

Facebook trở thành mặt trận "vạch mặt", nói xấu nhau

Nếu mọi việc chỉ dừng lại ở việc chia sẻ những giây phút hạnh phúc khi yêu, Facebook đã không bị lên án như thế. Mọi việc chỉ biến chất khi người ta sử dụng Facebook như một nơi để nói xấu, "bóc mẽ", "bóc phốt" người khác, những người thậm chí chỉ mới đây thôi họ còn đầu ấp tay kề...

Khi bóc phốt, vạch mặt lẫn nhau trở thành trào lưu trên Facebook - Ảnh 3.

Đó là hàng loạt những khách hàng lên tiếng "tố" một shop quần áo bán hàng "không lương tâm", là chàng trai lên mạng "bóc phốt" bạn gái mình lăng nhăng, có quan hệ mờ ám với tận 11 người khác trong thời gian hai người vẫn còn yêu nhau, là cô gái "đăng đàn" nói xấu anh người yêu cũ, hết yêu còn đòi quà, là cô nàng xinh xắn kể lể anh chàng mới quen "ki bo", tiết kiệm từng đồng...

Vậy là, Facebook nghiễm nhiên trở thành "tòa án công lý", nơi mà mỗi một cư dân mạng đều trở thành luật sư và quan tòa mẫu mực. Họ lên tiếng bênh vực người mà họ cho là nạn nhân và "ném đá" không thương tiếc kẻ mang tiếng là người làm ác.

Tất nhiên cũng có những người sáng suốt xem xét đầu đuôi sự việc để cho ra kết luận phù hợp, nhưng số lượng hẳn là không át được những bậc "anh hùng" với vũ khí siêu nhiên là cái bàn phím. Bằng tài múa tay trên bàn phím, họ có thể nâng một người lên trời, cũng có thể dìm sâu một người xuống đáy tuyệt vọng.

Những người trong cuộc, không biết ai đúng ai sai, họ nhận về được gì sau khi phơi bày tất cả lên mạng xã hội?

Trước hết là nói về người bị "vạch mặt".

Là người bị mang ra nói trước, tất nhiên là họ tạm thời đứng ở vị thế "người sai". Chưa dừng lại ở việc chê trách, chửi bới ở bài viết gốc do người "vạch mặt" đưa lên, những "anh hùng bàn phím ưa làm việc nghĩa" còn tốt bụng vào tận Facebook cá nhân của người bị tố và để lại những lời nhắn đầy khiếm nhã, dù mọi việc còn chưa ngã ngũ. Người mạnh mẽ thì còn có thể mặc kệ chúng, còn những người không chịu nổi áp lực từ cư dân mạng sẽ phải khóa Facebook, thậm chí ngay cả cuộc sống hiện thực của họ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Chắc các bạn vẫn còn nhớ trường hợp cô gái trẻ 15 tuổi chết tức tưởi sau khi bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Có lẽ em cũng chỉ bị shock thôi khi thấy clip "yêu" của mình bị đem ra công khai, nhưng chính những lời phê phán từ cư dân mạng đã đẩy em đến bước đường cùng là kết thúc cuộc đời mình.

Liệu em trai, người yêu của cô bé trong câu chuyện có nghĩ tới hậu quả này không? Hay em chỉ thấy hả hê vì đã trả thù được cô người yêu dám chia tay em vì bố mẹ bảo thế?

Những người "đăng đàn" tố người khác trên mạng nghĩ gì khi làm vậy?

Họ nghĩ rằng cư dân mạng sẽ đòi lại công bằng cho họ? Họ nghĩ mình đang làm việc thiện, đang giúp đỡ người khác nhận ra con người thật của người này người kia? Hay chỉ đơn giản là họ nghĩ bằng cách này, người từng làm điều thua thiệt với họ sẽ phải hối hận?

Khi bóc phốt, vạch mặt lẫn nhau trở thành trào lưu trên Facebook - Ảnh 4.

Sức mạnh của mạng xã hội là vô cùng vô tận. Thông thường thì những bài viết "bóc phốt" thường nhận được lượt thích và chia sẻ rất "khủng", nếu chủ đề đủ hot, nó còn được đăng lại ở không ít những fanpage với hàng triệu lượt like, đồng nghĩa với việc có tương đương như thế số lượt truy cập, tương tác với bài viết mỗi giờ. Bạn không thể đoán được những gì bạn viết một giờ trước sẽ được những ai đọc, sẽ bị mang đi những đâu những đâu vào một giờ sau. Và khi bạn phát hiện ra, mọi chuyện đã muộn rồi, dù bạn có cố gắng xóa bài viết gốc thì câu chuyện cũng đã được phát tán khắp mọi "mặt trận".

Nghe thật nực cười phải không? Bạn dám đăng tải tất cả mọi thứ lên mạng, nhưng rồi lại không dám chịu trách nhiệm với việc đăng tải đó. Chỉ cần mọi việc đi chệch hướng bạn nghĩ bạn đầu, bạn lại vội vàng tìm cách lấp liếm, che giấu. Còn kịp nữa không? Những chuyện nhỏ có thể giải quyết riêng với nhau, bạn không tìm cách giải quyết, mà lại tung cả lên Facebook. Thế nhưng với một nơi phức tạp như Facebook, không có chuyện "chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có" đâu, mà chỉ có ngược lại đó là "chuyện bé xé ra to".

Facebook chỉ là mạng xã hội ảo, nhưng những cá thể tham gia Facebook lại là thật

Khi bóc phốt, vạch mặt lẫn nhau trở thành trào lưu trên Facebook - Ảnh 5.

Vậy nên, trước khi phát ngôn hay quyết định "bóc phốt" một ai, hãy đảm bảo tính chân thực của câu chuyện, cũng như chắc chắn rằng bạn có thể thừa nhận được những hậu quả do nó mang đến. Đừng để khi mọi chuyện ầm ĩ lên rồi mới trốn chui trốn lủi, vất vả vào từng fanpage xin gỡ xóa, xin gỡ bài. Nếu không muốn người khác biết, vậy đừng làm!

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Có không ít những trường hợp mạng xã hội đã chứng minh được sức mạnh tích cực của mình, như giúp tìm người thân, truyền cảm hứng sống, kết nối mọi người... Nhưng nếu cứ tiếp tục đem tất cả lên Facebook như những bạn trẻ hiện nay thì chắc chắn rằng "lợi bất cập hại".

Sứ mệnh của Facebook là biến thế giới thành một nơi "cởi mở và có tính kết nối hơn", đừng để nó trở thành nơi chỉ chứa những u tối, xấu xa, ganh ghét của xã hội. Và rằng, không yêu xin đừng nói lời cay đắng...

Chia sẻ