Khẩu chiến mạng xã hội, vấn nạn "xin link" khiến Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia ứng xử kém văn minh trên internet nhất thế giới
Mới đây, tập đoàn Microsoft đã tiến hành một cuộc khảo sát về văn minh mạng ở 25 quốc gia trên thế giới. Điều đáng nói chính là việc Việt Nam nằm trong top 5 nước đứng đầu về ứng xử kém nhất trên internet.
Ngày 11/2 vừa qua, Microsoft đã công bố báo cáo DCI (Digital Civility Index - Chỉ số văn minh trực tuyến), qua đó mô tả mức độ văn minh của cư dân mạng tại mỗi quốc gia. Theo đó, Việt Nam nằm trong top 5 nước đứng đầu về ứng xử kém văn minh trên môi trường mạng internet.
Cuộc khảo sát này được tiến hành nhằm tìm hiểu những trải nghiệm của người dùng đối với 21 rủi ro do các hành vi cư xử không đúng mực trên mạng gây ra. Khảo sát này được tiến hành trên 25 quốc gia với nhóm lứa tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Năm 2019, số điểm về ứng xử trên mạng internet của Việt Nam là 78%, tăng 7 điểm so với năm 2018. Trong đó, những chủ đề mà cư dân mạng Việt Nam hành xử thiếu văn minh trên không gian mạng chủ yếu liên quan đến những vấn đề về giới và bình đẳng giới: Các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%)...
Đặc biệt Việt Nam có 3/4 những điểm nóng toàn cầu về rủi ro cư xử, rủi ro danh tiếng và rủi ra tình dục. Trong đó, những hiểm họa như lừa đảo, tin nhắn quấy rối tình dục, bịa đặt gian lận vẫn là những rủi ro chủ yếu khi tham gia internet ở Việt Nam: Liên lạc không mong muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục không mong muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm gợi dục (29%).
Đi kèm với kết quả khảo sát đó, Microsoft còn đưa ra các quy tắc áp dụng trong ứng xử trên không gian mạng để xây dựng cộng đồng văn minh hơn gồm:
Quy luật vàng: luôn cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng mọi cá nhân tham gia tương tác trực tuyến.
Tôn trọng sự khác biệt và các cách nhìn nhận đa dạng. Khi có sự bất đồng quan điểm, hãy thận trọng suy nghĩ, tránh các công kích cá nhân.
....
Tuy rằng báo cáo của Microsoft chỉ khảo sát ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành tại 25 quốc gia, nhưng những con số này cũng phần nào phản ánh được mức độ văn minh khi sinh hoạt trên môi trường internet của con người.