Khác với đa số nước Châu Á, hôm nay người Nhật bắt đầu ăn Tết với những phong tục đặc biệt mừng năm mới

Negroni,
Chia sẻ

Kể từ năm 1873, Nhật Bản đã đón năm mới theo Lịch Dương và đây cũng là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm, được phát triển theo từng năm tháng, qua nhiều thế hệ với những phong tục độc đáo của riêng mình.

Lịch hiện tại trên thế giới được chia làm 2 loại: Lịch Âm (theo lịch mặt trăng) và Lịch Gregorian hay còn gọi là Lịch Dương. Các nước phương Tây thường làm lễ kỉ niệm và ăn mừng năm mới theo Lịch Dương, còn hầu hết các nước phương Đông lại ăn mừng ngày đầu năm theo Lịch Âm và một số nước thì đón năm mới theo Phật Lịch (như Thái Lan, Lào, Campuchia). Việt Nam là một trong những nước Châu Á đón năm mới theo lịch Âm. Tuy nhiên, ở Châu Á cũng có một đất nước khác với phần đông còn lại, ăn Tết theo lịch của phương Tây, đó chính là Nhật Bản.

Người Nhật chuyển từ ăn Tết Âm sang ăn Tết Dương

Ngày 1 tháng 1 Dương Lịch cũng chính là ngày đầu tiên trong năm mới của người Nhật Bản. Trên thực tế, trước thời kì Minh Trị, người Nhật cũng ăn mừng ngày Tết cổ truyền giống như chúng ta, tức là vào ngày đầu tiên của năm mới theo Lịch Âm. Thế nhưng, kể từ năm 1873, Nhật Bản đã đón năm mới theo Lịch Dương và đây cũng là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm, được phát triển theo từng năm tháng, qua nhiều thế hệ với những phong tục độc đáo của riêng mình.

Khác với đa số nước Châu Á, hôm nay người Nhật bắt đầu ăn Tết với những phong tục đặc biệt mừng năm mới - Ảnh 1.

Tuy ăn Tết theo Lịch Dương, nhưng người Nhật lại có cách đếm năm và hệ thống đánh số các năm theo cách riêng của mình. Họ dựa vào niên hiệu và số năm trị vì của Nhật hoàng đương thời để áp dụng trong các form mẫu, giấy tờ ở khắp nơi.

Sở dĩ có sự thay đổi này là vì tính chất thời điểm. Giới lãnh đạo Nhật đương thời muốn đất nước thoát khỏi vòng ảnh hưởng văn hóa và kinh tế từ phía Trung Quốc, đồng thời cũng nhận thấy rằng phương Tây đã phát triển hơn phương Đông về nhiều mặt, văn minh và hiện đại hơn. Vì thế, Nhật Hoàng đã ra lệnh thay đổi lịch để khớp với xu hướng của thời đại. Cũng chính nhờ sự thay đổi này mà Nhật Bản đã có thể giảm bớt được số ngày nghỉ trong năm và gia tăng được sản lượng quốc gia.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều người Nhật Bản tiếc nuối ngày Tết Nguyên Đán - một nét văn hóa cổ truyền từ thời xa xưa của dân tộc mình.  

Người Nhật ăn Tết như thế nào?

Không giống như phương Tây, người Nhật không đón Giáng sinh mà chỉ đón mừng năm mới mà thôi. Họ ăn Tết Dương khoảng 3 ngày và cũng vẫn duy trì những phong tục, tập quán từ hồi vẫn còn ăn Tết cổ truyền âm lịch.

Vào những ngày cuối năm, người Nhật sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm những món đồ mới và trang trí nhà cửa để đón năm mới bằng những vật dụng truyền thống với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ và đón vận may vào nhà. 

Khác với đa số nước Châu Á, hôm nay người Nhật bắt đầu ăn Tết với những phong tục đặc biệt mừng năm mới - Ảnh 2.

Đồ trang trí trong ngày đầu năm của người Nhật

Năm mới của người Nhật phần lớn là dành cho gia đình, sự yên tĩnh và trang trọng. Tuy vẫn có những hoạt động vui chơi ồn ào, pháo hoa và các bữa tiệc đếm ngược nhưng không thực sự phổ biến. Người dân Nhật Bản sẽ dành khoảng thời gian giao thừa để ở nhà bên những người thân yêu trong gia đình, quây quần bên nhau và cùng ăn tối với món mì soba. Sau đó, cả nhà sẽ cùng nhau xem chương trình âm nhạc nổi tiếng "Kohaku uta gassen" trên truyền hình, (nghe khá giống với chương trình Táo quân hàng năm của người Việt Nam mình). 

Hoạt động truyền thống vào đêm giao thừa không thể thiếu của người Nhật chính là đến thăm các đền thờ vào nửa đêm, xếp hàng cầu nguyện tại sảnh chính, mua bùa may mắn và bình an cho năm mới. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các đền thờ sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa rằng điều này sẽ giúp con người từ bỏ được 108 dục vọng trần gian.

Khác với đa số nước Châu Á, hôm nay người Nhật bắt đầu ăn Tết với những phong tục đặc biệt mừng năm mới - Ảnh 3.

Cũng giống như các nước Châu Á khác, người Nhật cũng có truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên và các vị thần. Vào ngày đầu năm, họ sẽ đặt các loại bánh trái lên ban thờ để bày tỏ lòng thành kính với những người đã khuất cũng như mong muốn được tổ tiên và thần linh phù hộ cho mình và gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc. 

Ngoài ra, cũng giống như ở Việt Nam hay Trung Quốc, tục lệ mừng tuổi đầu năm ở Nhật cũng sẽ diễn ra. Họ sẽ lì xì cho trẻ nhỏ và người già những phong bao màu đỏ đựng tiền với mong muốn người đó được may mắn, bình an trong suốt cả năm.

Khác với đa số nước Châu Á, hôm nay người Nhật bắt đầu ăn Tết với những phong tục đặc biệt mừng năm mới - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, người Nhật thường chơi các trò chơi vào những ngày đầu năm như thả diều Takoage, đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi…

(Tổng hợp)

Chia sẻ