Kế sau Đường "Nhuệ", nhiều cơ sở dịch vụ hỏa táng Nam Định đồng loạt lên tiếng tố cáo tình trạng bị bảo kê, phải nộp phí lên đến cả triệu đồng!
Theo phản ánh của nhiều người làm nghề dịch vụ đám hiếu trên địa bàn tỉnh Nam Định, mỗi người chết nếu thiêu tại Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình sẽ phải chi trả tiền "bảo kê" đắt hơn giá dịch vụ quy định từ 500 đến hơn 1 triệu đồng.
Nghĩa tử cũng phải "phế"!
Sau khi nhận được thông tin của người dân, trong những ngày qua chúng tôi đã có mặt trên địa bàn tỉnh Nam Định để tìm hiểu về dịch vụ hỏa thiêu tại Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình. Nhiều phản ánh liên quan đến việc thu tiền dịch vụ hỏa thiêu đối với người chết có sự chênh lệch rất nhiều so với giá quy định từ lâu nay.
Điều đáng nói, nhóm người được cho là đang làm việc tại đài hỏa táng cũng có cách làm "bảo kê" không khác gì nhóm của Đường Nhuệ, thậm chí còn thu "phế" giá cắt cổ hơn!
Một trong số các chủ hộ kinh doanh dịch vụ tang lễ bức xúc phản ánh về việc bị bảo kê
Phản ánh về vấn đề trên, bà T., một hộ gia đình chuyên về dịch vụ mai táng tại tỉnh này cho biết: "Từ cuối năm 2019 trở về trước, gia đình tôi làm nghề có tiếng ở địa bàn, mỗi khi nhận hỏa thiêu đưa đến thẳng đài thì chỉ mất tiền phí là 4,8 triệu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay mỗi một người hỏa thiêu thì phải trả hơn 5 triệu đồng".
Theo bà, giá gốc ban đầu theo quy định của chủ đầu tư là 4,3 triệu đồng cho một lần hỏa táng, tuy nhiên, bởi hoạt động bảo kê, khi người dân có nhu cầu cử hành lễ sẽ phải phát sinh thêm 2 lần tiền "phí", khiến việc đưa tiễn người thân bỗng dưng bị đội thêm, lên tới 1 triệu đồng mỗi lượt.
Giải thích thêm về sự chênh lệch, đồng nghiệp của bà T. cho hay: "Từ đầu năm họ (một số người làm tại đài hóa thân) chia vùng ra, mỗi khu vực sẽ có người quản lý bảo kê, họ nói thẳng là mỗi ca phải trả thêm 5 trăm nghìn, ngoài ra trước khi có ca nào đem đến tôi còn phải trả thêm 5 trăm nghìn tiền báo ca".
Khi được hỏi số tiền cho mỗi ca hỏa thiêu có được viết giấy tờ hay không, anh ta kể rằng phải bỏ 5 triệu rưỡi vào phong bì, khi tới nơi thì đưa thẳng cho người của đài. Tức là không có giấy tờ nghiệm thu, cũng chẳng có hóa đơn hợp pháp hóa khoản thu thêm.
Anh này cũng kể thêm, trước đây, nếu chưa có sự phân chia theo khu vực, gia đình anh kinh doanh có hiệu quả bởi vì giá thấp và địa bàn rộng do có uy tín. Hiện nay bởi phí bảo kê khiến chi phí đội thêm quá nhiều, việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn.
"Nếu không bị nhóm bảo kê chia vùng thì đám hiếu được quyền lựa chọn (tức người dân được tự do lựa chọn dịch vụ không cần quan tâm dịch vụ đó ở vùng nào trong tỉnh).
Bây giờ nếu chúng tôi nhận ở địa bàn khác là không được. Giá bị thu cao lên, tôi cũng không được nhận, mà pha chênh đó phải nộp cho bảo kê. Vấn đề ở đây là gia chủ sẽ phải trả tiền cao lên, khổ lắm, có gia đình nghèo đến nỗi không có tiền ma chay, tôi muốn bớt cho họ cũng không được, đành phải tự bỏ tiền túi ra để phúng điếu thay vào đó", người này bức xúc.
Phải chấp nhận hoặc bị khủng bố?
Cũng tương tự, một chủ kinh doanh ở huyện khác phản ánh, vào hồi đầu năm anh nhận được cuộc điện thoại từ một người làm tại đài hóa thân ra quy định, mỗi ca hỏa thiêu phải trả 5 triệu đồng.
"Đó là tiền nộp cho mỗi ca, còn mỗi lần báo ca tôi phải nộp thêm cho họ thêm 5 trăm nghìn nữa".
Tiền "báo ca" ở đây có thể hiểu là "phí an bài" cho mỗi lần có đám hiếu tới đài hóa thân cử hành hỏa táng. Nếu không trả tiền phí này, việc đưa tiễn người thân sang thế giới bên kia sẽ gặp nhiều trở ngại, hoặc bị gây khó dễ khi vào cửa, hoặc phải ngồi đợi lâu mới tới ca thiêu cốt. Đây là hành vi vô nhân đạo, trái đạo đức, nhất là với nghĩa tử, nghĩa tận trong quan niệm của người Việt.
Anh này bức xúc phản ánh tiếp: "Hồi mới đầu tôi không chịu chấp hành thì xuất hiện một số đối tượng đem sơn, dầu, đến ném vào nhà, việc này tôi cũng trình báo công an nhưng chưa làm ra. Hoặc mỗi lần đưa người chết lên hỏa thiêu thì bị một số người gây khó khăn đủ mọi trò, nghề kinh doanh chúng tôi thì ai cũng muốn yên ổn nên phải chấp nhận. Hành vi của những đối tượng này không khác gì nhóm Đường Nhuệ".
Sau khi có thông tin phản ánh, chúng tôi tìm đến một gia đình có người thân mới mất để xác minh.
Đại diện gia đình này cho biết, cách đây hơn 1 năm gia đình chị có người thân mất, họ trả tiền dịch vụ trọn gói gồm xe tang, quan tài, thiêu là 8 triệu đồng, tuy nhiên năm nay gia đình không may lại có người qua đời thì lại phải trả tiền phí lên đến 10 triệu đồng.
"Cũng thông qua dịch vụ của nhà này, gia đình tôi thấy có sự chênh lệch nên có thắc mắc thì họ bảo rằng; riêng tiền hỏa thiêu bị thu đắt lên, khiến cho mỗi đám đắt lên hàng triệu đồng", một gia chủ xác nhận.
Trước sự việc trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trần Đình Giao (Chủ tịch Công ty Hoàng Long - đơn vị sở hữu Đài hóa thân Nam Định) để làm sáng tỏ. Ông Giao xác nhận có nắm bắt được thông tin và khẳng định, hội đồng quản trị thống nhất giá thiêu cho mỗi bộ cốt là 4,3 triệu đồng.
"Công ty Hoàng Long có ký hợp đồng với Trường Dương (khác công ty Trường Dương Thái Bình của Đường Nhuệ) về dịch vụ hỏa thiêu, mỗi bộ tro cốt chúng tôi trích 5 %. Đơn vị này phải cam kết không được thu của khách cao hơn giá quy định". Trả lời về hiện phản ánh của nhiều hộ gia đình kinh doanh dịch vụ đám hiếu bị thu tiền "bảo kê", ông Giao tố thẳng người phụ trách Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình có sự không minh bạch trong giao kèo kinh doanh, ngang nhiên thu thêm phí ngoài dịch vụ niêm yết.
"Anh Thủy là người được công ty Trường Dương (Nam Định) cử sang, cũng chính tôi bổ nhiệm anh này làm trưởng đài. Do nội bộ công ty tôi đang có sự tranh chấp, mâu thuẫn nên quyền điều hành đang thuộc bà tổng giám đốc. Chính tôi nhận được thông tin từ các đại lý về việc này, sắp tới tôi sẽ triệu tập cuộc họp cổ đông và sẽ làm rõ", ông Giao nói.
Tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính.
Chúng tôi tiếp tục thông tin sự việc.