Huyền thoại tình báo Tư Cang: Mấy mươi năm chiến đấu, không gì vui hơn trưa 30/4

Quang Huy/VTC News,
Chia sẻ

Ngày 15/4/1975, đang học ở Hà Nội, tôi được gọi về; 20/4 tới Lộc Ninh, thủ trưởng hỏi: Đi đánh giặc liền được không; tôi nói: Được.

Đại tá Tư Cang – Nguyễn Văn Tàu nói ngày Sài Gòn giải phóng 30/4/1975, ông 47 tuổi. Bây giờ TP long trọng kỷ niệm 50 năm giải phóng, ông bước vào tuổi 97, khỏe mạnh chứng kiến những giây phút trọng đại, thiêng liêng của hòa bình, thống nhất. Ông vẫn ngày ngày truyền lửa, để thế hệ trẻ hiểu giá trị của độc lập tự do.

Không thể vắng mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn

“Ước gì mình được về Nam lúc này thì mãn nguyện biết mấy. Ngày vào giải phóng Sài Gòn mà không có mình thì thật đáng tiếc”, huyền thoại tình báo Tư Cang bắt đầu câu chuyện trong ngày họp mặt Lữ đoàn 316 đặc công biệt động - đơn vị đặc biệt thành lập đầu năm 1974, chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Và trong trận chiến cuối cùng này, Đại tá Tư Cang là Chính ủy Lữ đoàn 316 anh hùng, chỉ huy đơn vị làm nên các trận thắng cuối cùng đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc; chiếm Bộ Tổng tham mưu địch; căn cứ pháo binh; căn cứ thiết giáp ở Gò Vấp. Đồng thời dẫn đường cho các cánh quân tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Huyền thoại tình báo Tư Cang: Mấy mươi năm chiến đấu, không gì vui hơn trưa 30/4 - Ảnh 1.

Huyền thoại tình báo Tư Cang: Mấy mươi năm chinh chiến, không gì vui hơn trưa 30/4/1975.

“Lúc đầu chúng tôi hình dung sẽ giải phóng Sài Gòn vào năm 1976. Là vì cuối năm 1973, Bộ chỉ huy Miền cử tôi cùng 14 cán bộ cấp tá đi học khóa bồi dưỡng ở Học viện chính trị quân đội (lúc đó tại Đông Anh- Hà Nội). Lý do đi học, trong buổi chia tay, anh Năm Ngà (Thượng tướng Nguyễn Minh Châu) nói với chúng tôi: Tình hình hiện nay các đơn vị đang rất thiếu cán bộ. Nhưng Bộ chỉ huy mạnh dạn rút các đồng chí đi học. Các đồng chí ráng thu thập kiến thức để 76 (năm 1976) về cầm quân giải phóng thành phố Sài Gòn.

Anh Năm Ngà nói vậy, thì chúng tôi cũng là nhận định với tình hình chiến sự hiện tại, thì cao nhất năm 1976 sẽ giải phóng. Chúng tôi học xong, trở về sẽ tham gia trận chiến lịch sử này", ông Tư Cang kể.

Nhưng trước tình hình những ngày tháng 3/1975 với hàng loạt thời cơ đến, trong đó có chiến thắng Phước Long, thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế- Đà Nẵng... thì không thể nào không kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đó cũng là những ngày những cán bộ trực tiếp chiến đấu như ông nôn nóng, sốt ruột vì phải ngồi theo dõi chiến sự qua radio ở tận miền Bắc.

"Tôi sợ không về kịp để có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn. Với tôi, tôi có thể đổi hết các bằng tốt nghiệp trên đời này để có được những giờ phút ấy", ông Tư Cang nói.

Sáng 15/4/1975, bất ngờ ông được Ban giám hiệu trường gọi lên, báo ngắn gọn nhiệm vụ mới: Tổng cục Chính trị có chỉ thị yêu cầu trở về miền Nam chiến đấu.

Thu dọn hành lý, ông nói ngắn gọn với các anh em cùng học: Về Nam. Về Nam đánh giặc. Và rồi lên xe Jeep, chạy riết về miền Nam. Ngày 20/4, ông về tới Lộc Ninh, báo cáo với Bộ Tham mưu miền: Tư Cang đã về đến nơi.

"Tham mưu phó Quân giải phóng Miền Nam Trần Văn Danh hỏi: Tư Cang có đánh giặc liền được không. Tôi nói: Được”, nhà tình báo lão luyện kể.

Và ông được yêu cầu xuống ngay xã Trung An - Củ Chi, nhận nhiệm vụ Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động ngày 22/4.

Huyền thoại tình báo Tư Cang: Mấy mươi năm chiến đấu, không gì vui hơn trưa 30/4 - Ảnh 3.

97 tuổi, ông Tư Cang là kho sử sống, miệt mài truyền lửa cho thế hệ trẻ và tin tưởng sự tiếp nối của lớp trẻ.

Ông nói sau này mới biết tại sao ông được gọi về tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn mà không là những người khác. Ban chỉ huy chiến dịch chuẩn bị phương án buộc phải đánh đường phố nếu Tổng thống Dương Văn Minh không đầu hàng. Ông có 10 năm công tác ở nội thành Sài Gòn, lại có kinh nghiệm chiến đấu, nên phải về.

Lữ đoàn 316 của ông sẽ có nhiệm vụ đánh từ cánh Bắc, cùng với lữ đoàn bộ của ông Bảy Thanh (nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh).

May mắn là Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Phương án đánh chiếm Sài Gòn đã không diễn ra, và Sài Gòn bình yên ngày thống nhất.

Bản lĩnh chiến sĩ tình báo trong trận chiến cuối cùng

Ông Tư Cang nói mình chỉ làm Chính ủy lữ đoàn đặc công biệt động 316 đúng 8 ngày. Tháng 3/1974, nhằm đáp ứng yêu cầu chiến lược về quân sự, khẩn trương chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; phát huy lợi thế chiến thuật của lực lượng biệt động đặc công đối với chiến trường đô thị phức tạp như Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập Lữ đoàn 316, trực thuộc Bộ tham mưu Miền B2.

Lữ đoàn được biên chế các cán bộ chiến sĩ chủ yếu được rút từ phòng tình báo Bộ tham mưu B2, các đơn vị đặc công Sài Gòn – Chợ Lớn và các lực lượng đặc công bộ, đặc công nước được đào tạo bài bản từ hậu phương và từ miền Bắc bổ sung vào.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các chiến sĩ Lữ đoàn 316 đặc công đã tham gia nhiều trận đánh then chốt, táo bạo, trong nội thành Sài Gòn, làm tê liệt hệ thống phòng thủ nội đô, hỗ trợ đắc lực với các cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Ông Tư Cang cho biết, Lữ đoàn được giao hoàn thành 4 nhiệm vụ trước ngày 30/4, chủ yếu là đánh trước bên trong, với các mục tiêu là Tổng tham mưu, căn cứ pháo binh (căn cứ cổ loa ở Gò vấp); căn cứ thiết giáp (căn cứ Phù Đổng) và phải giữ cho được cầu Rạch Chiếc để xe tăng tiến vào Sài Gòn.

Huyền thoại tình báo Tư Cang: Mấy mươi năm chiến đấu, không gì vui hơn trưa 30/4 - Ảnh 4.

Nữ tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung, người bạn thân cận cùng hoạt động và giúp đỡ ông Tư Cang suốt những năm tháng chiến đấu ở Sài Gòn.

Cùng với đó là phát động nhân dân nổi dậy, may cờ để đón tiếp quân giải phóng; giữ cầu, giữ đường; dẫn đường cho các cánh quân tiến vào Sài Gòn…

Chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc là nhiệm vụ ác liệt nhất, cũng là trận đánh sớm nhất trong chiến dịch tiến vào Sài Gòn. Đơn vị chủ công của trận đánh này là Z23 thuộc Lữ đoàn là những đặc công nước rất giỏi, nhiệm vụ ban đầu được giao là đánh chiếm Bộ tư lệnh hải quân.

Nhưng đến ngày 25 thì mục tiêu thay đổi, đơn vị này được yêu cầu đánh cầu Rạch Chiếc và nổ súng sáng 27/4. Địch phản kích dữ dội, đặc công lui ra, rồi trở vô đánh chiếm lại suốt 3 ngày. Tổng cộng 52 chiến sĩ đã hy sinh tại đây.

Ông Tư Cang nói đó là điều làm ông đau nhất. Mất mát lớn, nhưng Lữ đoàn đã làm tròn nhiệm vụ quyết giữ cầu Rạch Chiếc, để trước 7h sáng 30/4 lữ đoàn tăng 203 đi qua cầu, tiến vào Dinh Độc Lập.

Các trận địa khác thì dễ dàng hơn, nhưng đều ghi dấu của lực lượng tình báo biệt động. Như đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu, chỉ có 1 tiểu đội giả làm lính VNCH tiến vào Bộ Tổng tham mưu, lợi dụng tình hình hỗn loạn chiếm xe tăng phất cờ giải phóng, buộc người lái xe chở thẳng vô bên trong Dinh tổng tham mưu trưởng.

Thực tế, trận đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu VNCH dễ dàng vì có một tình báo là Nguyễn Văn Minh được cài vào trước đó làm thư ký cho Cao Văn Viên. Khi chiếm bộ tổng tham mưu, cán bộ này đã đón các chiến sĩ tiến vào sâu bên trong, chiếm được phòng di tích rất quý giá với nhiều tài liệu và bảo vệ nơi này. Một đại tá của VNCH cũng bị bắt.

Với căn cứ Cổ Loa, căn cứ Phù Đổng ở Gò Vấp, sáng 30/4 các đơn vị thuộc Lữ đoàn 316 đã nổ súng đánh chiếm và cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chia sẻ