Hội chứng sợ kết hôn và lý do ngày càng nhiều phụ nữ thích sống một mình
Gamophobia - Hội chứng sợ kết hôn không đơn thuần chỉ là cảm giác 'không thích kết hôn'.
Với một số người, tìm được một người phù hợp để kết hôn là chuyện đáng mơ ước, mang lại cảm giác hạnh phúc viên mãn khó tả. Nhưng với một số người khác, hôn nhân chẳng khác nào một... cơn ác mộng.
Gamophobia là từ mà ngành Tâm lý học dùng để gọi tên hội chứng sợ kết hôn. Được hình thành từ gốc từ "Gamo" có nghĩa là "Hôn nhân" trong tiếng Hy Lạp, cùng hậu tố "Phobia" là "nỗi ám ảnh, sợ hãi", Gamophobia là từ dành riêng cho những người luôn hoảng sợ và muốn né tránh việc gắn kết cuộc sống của mình với một người khác.
Năm 2019, website Fearof.net đã tiến hành một cuộc khảo sát về hội chứng sợ kết hôn với sự tham gia của 69108 người. Kết quả cho thấy hiện nay, phụ nữ có xu hướng từ chối kết hôn nhiều hơn đàn ông. Cụ thể, 67,5% người tham gia là nữ mắc hội chứng Gamophobia. Trong khi đó, con số này chỉ là 32,5% với nam giới.
Chuyên trang tâm lý học Psychologytoday.com đã chỉ ra những biểu hiện của một người mắc hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) cũng như những nguyên nhân sâu xa tạo nên nỗi sợ này.
Biểu hiện của một người mắc hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia)
1. Biểu hiện về mặt cảm xúc
- Luôn suy nghĩ cực đoan về hôn nhân hoặc bất cứ hình thức nào mang tính gắn kết với người khác.
- Né tránh hoàn toàn các sự kiện, các cuộc tranh luận, trao đổi liên quan tới hôn nhân bao gồm cả việc đi dự đám cưới của người khác.
- Tự ti, cảm thấy bản thân không xứng đáng để được gắn bó với bất cứ ai.
2. Biểu hiện về mặt cơ thể
Một người mắc hội chứng Gamophobia có thể sẽ run rẩy, bật khóc, buồn nôn, nhịp tim tăng đột ngột đến mức ngất xỉu, toát mồ hôi nếu buộc phải tham gia những buổi gặp gỡ, trò chuyện về chủ đề hôn nhân.
Nguyên nhân nào khiến một người mắc hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia)?
1. Nền tảng gia đình không hạnh phúc
Các chuyên gia tâm lý khẳng định những người lớn lên trong gia đình không hạnh phúc (thiếu bố hoặc mẹ, bị bạo hành thể xác/cảm xúc) có khả năng mắc hội chứng Gamophobia cao hơn những người có nền tảng gia đình hạnh phúc.
Cụ thể, trong một gia đình mà bố mẹ ly hôn, hoặc một trong hai người bạo hành, đánh đập người còn lại và những đứa con của họ vô tình chứng kiến chuyện đó, chúng có khả năng cao sẽ có những cái nhìn và suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân, cũng như đời sống gia đình khi lớn lên.
2. Các bệnh về tâm lý
Một người gặp các rối loạn về tâm lý cũng thể không bao giờ cảm thấy sẵn sàng trước hôn nhân bởi những nỗi tự ti về khả năng duy trì một mối quan hệ, những ẩn ức sâu trong tiềm thức khiến họ nghĩ rằng bản thân không xứng đáng được yêu thương.
Các chuyên gia tâm lý cho biết trầm cảm và rối loạn lưỡng cực là hai trong những bệnh tâm lý phổ biến nhất dẫn tới tình trạng sợ hãi hôn nhân.
Hội chứng sợ hôn nhân (Gamophobia) có nguy hiểm?
Chưa có một nghiên cứu hay kết luận nào từ các nhà tâm lý học cho thấy hội chứng Gamophobia có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của một cá nhân.
Bởi thế, nếu việc không kết hôn và sống một mình không làm bạn cảm thấy khó khăn, cũng đừng lo lắng ngay cả khi bạn thấy mình có những dấu hiệu của Gamophobia. Trong trường hợp ngược lại, nếu bản thân bạn luôn khao khát một gia đình, nhưng đồng thời cũng luôn sợ hãi, tự ti trước hôn nhân, lời khuyên tốt nhất chính là hãy tìm sự giúp đỡ của những người có chuyên môn.