Hội chứng "Burnout": tình trạng nhiều dân công sở mắc phải mà hầu như ít ai nhận ra
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán chường, lười đến công ty làm việc thì có khả năng bạn đang mắc Hội chứng "Burnout".
Burnout là khái niệm xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng những năm 1970 do nhà tâm lý học Herbert Freudenberger đặt ra. Lúc này, "Burnout" được dùng để mô tả một tình trạng căng thẳng nghiêm trọng dẫn đến kiệt sức về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Burnout không tự biến mất và nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng hơn về thể chất và tâm lý như trầm cảm, bệnh tim và tiểu đường.
Đối tượng nào dễ bị mắc Hội chứng Burnout?
Bất cứ ai liên tục tiếp xúc với mức độ căng thẳng cao đều có thể bị mắc Hội chứng Burnout. Theo như định nghĩa ban đầu thì những người có thể gặp Hội chứng Burnout không chỉ là dân làm việc công sở mà còn có thể là những bà nội trợ, người chăm sóc trẻ em, những học sinh bị stress vì bài vở... Tuy nhiên, gần đây Tổ chức Y tế Thế giới đã giới hạn lại đối tượng của Hội chứng Burnout là chỉ những người gặp căng thẳng nơi làm việc không tính đến sự căng thẳng vì các lý do khác.
Dấu hiệu Hội chứng Burnout là gì?
Dấu hiệu của Burnout đôi khi được nhầm lẫn với bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, theo định nghĩa của WHO thì Burnout chỉ mới là một hội chứng chứ chưa phải là một căn bệnh. Đặc biệt, Hội chứng Burnout lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến trầm cảm trong tương lai. Do đó, việc nắm rõ các dấu hiệu của Hội chứng Burnout cũng là điều mà dân đi làm công sở hàng ngày cần tìm hiểu kỹ.
- Tham công tiếc việc: giai đoạn đầu tiên của hội chứng Burnout bao giờ cũng là tình trạng bạn ôm quá nhiều việc vào người. Chính sự tham công tiếc việc đã khiến cho cơ thể bạn đối mặt với quá nhiều áp lực và căng thẳng.
- Bỏ qua nhu cầu riêng của bản thân: bạn bắt đầu lơ là việc đáp ứng nhu cầu của bản thân như chăm sóc cơ thể, chăm sóc da, tập thể dục, ăn uống và ngủ nghỉ.
- Kiệt sức: Cảm giác suy yếu về thể chất và tinh thần, có thể bao gồm đau đầu, đau dạ dày và thèm ăn hoặc rối loạn giấc ngủ.
- Khó tập trung vào công việc: mặc dù bạn ôm rất nhiều việc vào người nhưng hiệu quả công việc bắt đầu bị giảm lại, bạn thường xuyên nhớ trước quên sau và rất khó tập trung hoàn thành tốt mọi việc.
- Lười đi làm: không còn hào hứng với công việc mỗi ngày, cảm thấy áp lực cao khi làm việc.
- Tự cô lập: không thích giao tiếp xã hội, tránh các giao tiếp bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình hoặc không còn hào hứng với các lời mời ăn uống, xem phim, tiệc tùng...
- Dễ cáu gắt: khó điều khiển cảm xúc, mất bình tĩnh trước mọi việc nên dễ cáu gắt với bạn bè, đồng nghiệp, dễ rơi vào các cuộc xung đột không đáng có.
- Suy sụp tinh thần: thường biểu hiện bằng các dấu hiệu như tăng lo lắng, tâm trạng trống rỗng, hay buồn phiền, dễ thất vọng chán chường.
- Bệnh thường xuyên: Hội chứng Burnout có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch nên bạn sẽ rất dễ mắc các loại bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, ho...
Cách phòng ngừa Hội chứng Burnout
Căng thẳng có lẽ là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nếu để căng thẳng kéo dài sẽ gây ra nhiều nguy cơ khó lường cho sức khỏe, trong đó có Hội chứng Burnout. Tuy nhiên, Hội chứng Burnour vẫn có thể ngăn ngừa hiệu quả bằng các biện pháp đơn giản sau:
Tập thể dục: Tập thể dục không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn có thể giúp tăng cường cảm xúc. Bạn không nhất thiết phải dành hẳn vài giờ để tập thể dục mà đôi khi chỉ cần những buổi tập luyện ngắn như đi bộ ngoài trời cũng là bài tập tốt.
Chế độ ăn uống cân bằng: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh chứa đầy axit béo omega - 3 sẽ là liều thuốc ngăn ngừa Hội chứng Burnout hiệu quả.
Tập thói quen ngủ tốt: Cơ thể chúng ta cần thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục lại năng lượng. Đó là lý do tại sao thói quen ngủ lành mạnh là điều cần thiết cho sức khỏe cũng như ngăn ngừa Hội chứng Burnout.
Đặc biệt, điều quan trọng hơn cả là bạn phải biết điều tiết công việc, nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không nên cùng lúc ôm quá nhiều việc vào người để rồi mắc hội chứng Burnout lúc nào không hay.
Source (Nguồn): Healthline