Hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng: Chuyên gia đầu ngành yêu cầu hạ nhiệt độ phòng bệnh tại Bắc Giang để tránh sốc nhiệt

Lê Hảo-Thái Bình,
Chia sẻ

8 bệnh nhân COVID-19 rất nặng, trong đó 4 ca ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, hai ở BVĐK khoa khu vực An Giang, một tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang; một tại BVĐk khu vực Nghệ An được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn.

Trưa ngày 22/6, ThS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc, Tổ trưởng Tổ Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đã cùng các chuyên gia đầu ngành tại nhiều điểm cầu tham gia hội chẩn quốc gia bệnh nhân nặng.

Tại điểm cầu Trung tâm Hỗ trợ trực tuyến quản lý và điều hành chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, số bệnh nhân nặng sắp tới có thể sẽ nhiều hơn, do đó khi có khó khăn, các bệnh viện cần chủ động đề xuất để điều phối hỗ trợ, nhân lực, phương tiện… Khi 3 miền Bắc - Trung - Nam có số bệnh nhân tăng lên, có thể chia thành các tổ hội chẩn để đáp ứng xử trí nhanh, hiệu quả.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW có hai ca nặng là hai mẹ con từ Bắc Ninh chuyển lên, trong đó người con (nam, 60 tuổi) có tiền sử viêm họng mạn tính, thi thoảng có đau khớp nhỏ, vào viện ngày 26/5.

Bệnh nhân đã được điều trị thở máy, ECMO, an thần, giảm đau. Hiện bệnh nhân phù toàn thân, chảy máu sau phúc mạc, tình trạng nhiễm trùng có xu hướng giảm. Các chuyên gia đánh giá đây là một bệnh nhân nặng đã điều trị gần 1 tháng với sự nỗ lực của các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW. Các chuyên gia đề nghị, hiện tại, bệnh nhân cần được truyền máu, đồng thời điều chỉnh thuốc chống đông...

Hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng: Chuyên gia đầu ngành yêu cầu hạ nhiệt độ phòng bệnh tại Bắc Giang để tránh sốc nhiệt - Ảnh 1.

Các y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW nỗ lực điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Người mẹ hiện đã 81 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, tiền sử tai biến mạch máu não, thay khớp gối nhân tạo năm 2018. Bệnh nhân diễn biến nặng do tuổi cao, tăng huyết áp, suy tim, tắc mạch phổi. Hiện bệnh nhân vẫn thở máy, vô niệu, không sốt, cấy đờm vi khuẩn âm tính. Theo các chuyên gia, bệnh nhân nặng do nhiều bệnh nền kèm theo, bệnh viện cần tiếp tục theo dõi sát tình hình người bệnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng hội chẩn 2 ca bệnh khác là: bệnh nhân nữ, 35 tuổi, có thai 25 tuần, mắc vảy nến, hiện đã được rút ECMO nhưng vẫn diễn biến nặng và đang trong tình trạng chảy máu bàng quang. Bệnh nhân nữ, 67 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp 3 năm, đái tháo đường một năm. Hiện bệnh nhân có tình trạng suy thận, vô niệu, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm

Trung tâm ICU tỉnh Bắc Giang xin hội chẩn bệnh nhân nữ, 57 tuổi, được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do COVID-19. Hiện bệnh nhân vẫn đang dùng ECMO, an thần, thở máy. Do thời tiết nóng, bệnh nhân có dấu hiệu sốt theo nhiệt độ môi trường, công tác điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.

GS.TS Nguyễn Gia Bình đề nghị cần hạ nhiệt độ phòng bệnh tại Bắc Giang, nếu không các bác sỹ và bệnh nhân đều sốc nhiệt với thời tiết ngoài trời gần 40 độ. Các phòng bệnh phải đảm bảo mát để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, bệnh nhân, việc sử dụng điều hòa, bổ sung thêm quạt mát là cần thiết nhưng phải đảm bảo phải thay đổi luồng khí, có luồng khí ra vào, làm thông khi phòng trong thời gian nhất định trong ngày.

Đồng thời, GS.TS Nguyễn Gia Bình cũng đề nghị Sở Y tế Bắc Giang huy động các cán bộ y tế tập trung tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Đây là cơ hội để các nhân viên y tế học tập, nâng cao trình độ chuyên môn không chỉ điều trị bệnh nhân COVID-19 mà còn cho các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, các bệnh viện đi hỗ trợ như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng… cũng phải dần rút về, không thể hỗ trợ mãi...

BVĐK khu vực An Giang xin hội chẩn hai ca bệnh nặng là bệnh nhân nữ, 54 tuổi, bị tăng huyết áp nhiều năm, hội chứng Cushing do thuốc.

Bệnh nhân buôn bán bên kia biên giới, sau đó quay về Việt Nam, cách ly tại khu tập trung, được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân thứ 2 là nữ, 67 tuổi, suy hô hấp/Viêm phổi nặng/SARS-CoV-2 cùng với suy tim độ III, tăng lipid máu.

Từ Hà Nội, GS.TS Nguyễn Gia Bình đề nghị BVĐK khu vực An Giang phải tham gia ngay vào nhóm hội chẩn chuyên môn Khu vực phía Nam do Bệnh viện Chợ Rẫy làm đầu mối. Bệnh viện cần phát huy tinh thần 4 tại chỗ, hạn chế tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Hiện Bệnh viện thiếu rất nhiều trang thiết bị phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 như: máy HFNC, máy chụp phim, siêu âm tại giường… Bệnh viện chủ động đề nghị ngay trong ngày với Sở Y tế An Giang, UBND tỉnh An Giang để huy động và bổ sung trang thiết bị kịp thời.

Điểm cầu BVĐK khu vực Nghệ An có sự tham dự của rất đông các cán bộ y tế vào học hỏi chuyên môn từ các đồng nghiệp do Bệnh viện lần đầu điều trị bệnh nhân COVID có diễn biến nặng.

Bệnh nhân được Bệnh viện xin hội chẩn là nữ, 85 tuổi, có tiền sử ung thư dạ dày, suy kiệt do tuổi cao. Các chuyên gia đề nghị Bệnh viện phải có bảng theo dõi bệnh nhân theo giờ và làm những xét nghiệm, đánh giá sát sao tình trạng của bệnh nhân…

Theo thống kê của Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến sáng ngày 22/6, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 169 bệnh nhân nặng, nguy kịch gồm 120 trường hợp nặng, thở marsk oxy, gọng kính; 35 trường hơp nặng, nguy kịch, thở máy xâm nhập; 17 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC và 13 trường hợp can thiệp ECMO.

Trong số các trường hợp can thiệp ECMO, nhiều nhất tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM với 4 ca; tiếp đến là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW 3 ca; Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang 3 ca, Bệnh viện Phổi Bắc Giang, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi đơn vị có 1 ca can thiệp ECMO.

Chia sẻ