Học sinh nắm chắc các mẹo làm bài thi Tiếng Anh lớp 10 dưới đây để đạt điểm cao: Đừng bỏ lỡ khiến nước mắt rơi trên trang giấy
Một trong những điều đầu tiên cần ghi nhớ, đó là nắm rõ cấu trúc đề thi. Nó sẽ giúp học sinh có thể phân bổ thời gian ôn luyện cũng như thời gian làm bài thật hợp lý.
Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 - giữa tháng 6, học sinh lớp 9 cả nước sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Đây là kỳ thi chuyển cấp vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến chặng đường học tập sau này của các em.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tiếng Anh vẫn là môn thi vào lớp 10 bắt buộc tại nhiều tỉnh thành (Năm nay, tỉnh Hà Giang chỉ yêu cầu các thí sinh thực hiện 2 bài thi Toán, Ngữ văn theo hình thức tự luận. Đây là lần đầu tiên tỉnh này tổ chức thi tuyển, các năm trước đều xét tuyển). Vậy nên học sinh cần có kế hoạch ôn luyện thật tốt, để đạt được số điểm cao, tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào trường THPT công lập mong muốn.
Dưới đây là một số bí quyết thi tiếng Anh vào lớp 10, học sinh đừng bỏ qua:
1. Nắm rõ cấu trúc đề thi
Nắm rõ cấu trúc đề thi sẽ giúp học sinh có thể phân bổ thời gian ôn luyện cũng như thời gian làm bài thật hợp lý. Theo đó cấu trúc đề thi tiếng Anh THPT thường gồm các phần ngữ âm (phát âm, trọng âm), ngữ pháp - từ vựng (từ vựng, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, tìm lỗi sai), chức năng giao tiếp/ từ ngữ thể hiện chức năng giao tiếp, kỹ năng đọc (điền từ vào bài đọc, đọc hiểu)và kỹ năng viết (câu có nghĩa gần nhất với câu đã cho, nối hai câu thành một câu).
Trong đó phần đọc hiểu và câu lẻ là hai phần quan trọng chiếm hơn 50% đề thi. Vì thế học sinh cần tập trung ôn hai phần này. Bên cạnh đó, dạng bài ngữ âm, giao tiếp và tìm lỗi sai đều là dạng bài ăn điểm. Học sinh cần đọc đề kỹ, tránh mất điểm oan.
2. Phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý
Thứ tự làm bài thi được nhiều giáo viên khuyến khích như sau: Ngữ âm – Câu lẻ – Đọc hiểu dài – Giao tiếp – Tìm lỗi sai – Đọc hiểu ngắn – Điền từ – Đồng nghĩa trái nghĩa. Một số học sinh cho rằng, những bài dài như "đọc hiểu" và "điền từ" nên làm sau cùng. Tuy nhiên điều này không nên bởi càng đến cuối giờ, tâm lý chúng ta càng hoảng hốt và dễ bị cuống. Vậy nên bộ óc lúc đó chưa chắc đã đủ bình tĩnh để làm 2 dạng bài "khó xơi" này.
Sau khi xác định dạng bài nào nên làm trước, học sinh cần phân bổ thời gian thích hợp cho từng phần bài. Đừng bao giờ sa đà vào các câu khó và phải luôn dành 10-15 phút cuối để làm những câu khó và cả dò lại kết quả cũng như kiểm tra xem có khoanh nhầm, khoanh sót gì không.
3. Đừng bao giờ cố dịch hết bài đọc
Nhiều học sinh thường mắc một sai lầm nghiêm trọng khi làm bài thi tiếng Anh. Đó là cố gắng dịch bằng hết bài đọc, dẫn đến việc tốn quá nhiều thời gian cho phần bài này. Với bài đọc, học sinh tốt nhất nên "đối phó" như sau:
Bước 1: Đọc lướt để nắm được nội dung
Bước 2: Xử lý câu hỏi về từ vựng
Bước 3: Giải quyết các câu hỏi về thông tin
Bước 4: Xử lý các câu hỏi nội dung
4. Dùng bút chì gạch chân từ khóa
Đây cũng là một mẹo quan trọng học sinh cần nhớ khi làm bài đọc hiểu. Cụ thể, hãy dùng bút chì gạch chân các từ khóa, các ý chính trong câu hỏi, trong bài đọc và cả các câu trả lời. Điều này sẽ giúp học sinh tìm được thông tin trong bài đọc chính xác hơn và khi cần soát lại cũng sẽ nhanh hơn. Việc gạch chân cũng giúp học sinh ghi nhớ nội dung bài nhanh hơn mà không cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, gây mất thời gian.
5. Đọc thật kỹ câu hỏi
Đôi khi đề bài sẽ đưa ra một số chi tiết bẫy nên học sinh cần phải đọc câu hỏi thật kỹ, tránh mất điểm oan vì nhầm lẫn. Chẳng hạn, đề bài cho câu hỏi: "Which of the following statements is NOT TRUE about this girl?" (Tạm dịch: Câu nào sau đây không đúng về cô gái). Mặc dù từ "not true" đã được in hoa nhưng nhiều học sinh vẫn không để ý kỹ và khoanh vào ý "true".
6. Áp dụng phương pháp phỏng đoán, loại trừ
Áp dụng phương pháp loại trừ cũng là một trong những mẹo có thể giúp học sinh ghi điểm trong bài thi tiếng Anh THPT. Theo đó, nếu bạn thấy đáp án A, B chắc chắn không đúng. C thì không chắc và D có vẻ đúng thì hãy khoanh D. Hãy nhớ, đừng bao giờ chọn 1 đáp án khi chưa loại trừ được ít nhất 2 đáp án còn lại.
Bên cạnh đó, khoanh nhầm còn hơn bỏ sót! Trong trường hợp thời gian làm bài gần hết, học sinh không được bỏ trống ô mà phải cố khoanh hết đáp án các câu còn lại. Trước đó, các em nên ghi ra giấy nháp những câu chưa làm được, sau đó đến cuối giờ thi sẽ rà soát nhanh hơn.
7. Chú ý ở dạng bài tìm từ đồng nghĩa - trái nghĩa
Học sinh cần chú ý đọc kỹ, xác định yêu cầu của đề và nét nghĩa cần tìm. Không ít em đã dịch được đề và biết nghĩa các đáp án nhưng lại chọn nhầm đáp án do không đọc kĩ đề bài.
Bên cạnh đó, các em cũng cần đoán được nghĩa của từ/ cụm từ gạch chân dựa vào ngữ cảnh. Bởi một từ tiếng Anh thường có nhiều hơn một nét nghĩa. Việc đọc và dịch cẩn thận nghĩa của cả câu sẽ giúp học sinh xác định trong câu, từ đó mang nghĩa gì và có thể suy đoán từ cần điền. Lưu ý này rất quan trọng, bởi từ đồng nghĩa cần tìm là từ có thể thay thế từ in đậm trong ngữ cảnh câu đó, chứ không thuần túy là đồng nghĩa với từ đó.
8. Chú ý dạng bài phát âm, trọng âm
Các em nên học thuộc cách phát âm của một số nguyên âm, phụ âm khó, cách phát âm đuôi “s/es” và đuôi “ed”, cũng như một số mẹo đối với bài đánh trọng âm các từ 2,3 âm tiết của tính từ, động từ, danh từ,... hoặc có kết thúc đuôi như “-ion”, “-ity” “-ance” “-ence”“-ment”,…