Học kết hợp chương trình Mỹ và Việt có bị quá tải không? Câu trả lời từ 1 phụ huynh có con học song song 2 chương trình từ năm 4 tuổi
Với kinh nghiệm Semi-homeschool cho 2 con trai từ năm 4 tuổi cho đến hết cấp 3, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (hiện công tác trong lĩnh vực giáo dục ở Hà Nội) đã có những chia sẻ thiết thực cho các phụ huynh.
Semi homeschool (vừa học chương trình Việt Nam, vừa học chương trình Mỹ và lấy song bằng năm cấp 3) đang được nhiều gia đình quan tâm hiện nay. Một trong những thắc mắc của không ít bố mẹ là: Học kết hợp chương trình Mỹ và Việt thì có bị quá tải không? Và làm thế nào để theo học lâu dài?
Cả 2 con của chị Liên hiện đều vừa học chương trình ở trường Việt Nam và vẫn học song song chương trình homeschool Acellus + text book Mỹ. Bậc tiểu học, các con học bán trú nhưng chương trình buổi sáng là chương trình chính, còn chương trình buổi chiều là chương trình ôn tập, nên suốt những năm tiểu học công lập, chị toàn cho nghỉ 1 tuần 3 buổi chiều ở nhà học homeschool. Chị Liên chọn trường công làng, không quá nổi tiếng, không ép học thêm, ít có bài tập về nhà.
Khi lên cấp 2, theo chị Liên, các nhà homeschool hãy chọn các trường công học nửa buổi, nên vào các lớp chọn phụ huynh của trường công bình thường và không quá đòi hỏi bài tập. Nửa buổi còn lại và buổi tối là đủ để các con học homeschool.
Bà mẹ này cho rằng, điều đầu tiên khi bắt đầu và theo được lâu dài việc học 2 chương trình song song, đó là phải có niềm tin. Để có được niềm tin vào con đường đã chọn thì các bố mẹ cần biết mình sẽ đi con đường nào, có kiến thức mới tự tin mà đi được.
Tìm "đường đi" cho con
Ngày trước, khi không biết nên đi thế nào, chị Liên đã làm các cách sau để tìm đường đi cho con:
1. Hỏi những anh chị có con đi trước và đã vào đại học trong nước cũng như nước ngoài để tìm hiểu về điều kiện đầu vào, từ đó hướng con ngay từ nhỏ.
Chẳng hạn, để vào đại học công lập Việt Nam thì cần học thật tốt chương trình Việt Nam và đặc biệt khối thi vào đại học. Muốn con giỏi ngoại ngữ, chị sẽ cho con thi các khối có ngoại ngữ như: Toán - Lý - Anh, Toán - Văn - Anh, nếu con có năng khiếu thì sẽ tập trung học thêm năng khiếu đó. Đa phần các trường ĐH công lập hiện nay chấp nhận xét học bạ THPT và dùng IELTS và SAT để xét vào đại học.
Để vào đại học quốc tế tại Việt Nam thì thường sẽ xét học bạ THPT (bằng Mỹ offline hoặc online hoặc bằng THPT Việt Nam) và đầu vào tiếng Anh là IELTS. Có SAT thì khi apply vào các trường Mỹ là một lợi thế.
Để vào đại học Mỹ thường con cần 1 bộ hồ sơ với đủ các minh chứng sau: Bằng THPT, GPA trung bình học tập, đa số các trường trường cần SAT/ ACT/AP; Hồ sơ ngoại khóa: Hoạt động phòng trào, hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội, các khóa học, hoạt động thực tập nếu có; Personal statement (bản viết về bản thân, tại sao lại chọn ngành học, bạn là người thế nào); Thư giới thiệu từ những người càng uy tín càng tốt; Các giải thưởng các cuộc thi mà con đã tham gia. Tương tự, vào trường ĐH ở Úc, tùy theo mức học bổng muốn nhận sẽ có những điều kiện khác.
2. Nếu ai có khả năng đọc tốt thì hãy đọc những khung giáo dục mới để tìm ra những kỹ năng mà xã hội mới cần, từ đó mình đan cài trong quá trình dạy con hoặc cho con đi học những nơi có đào tạo. Tuy nhiên, nếu các bố mẹ không nghiên cứu cũng không sao, vì các trường đại học Mỹ với bộ hồ sơ đầy đủ cũng sẽ thể hiện con phải theo chuẩn giáo dục mới.
Thường chị Liên hay đọc Khung giáo dục thế kỷ 21 để tìm đọc những kỹ năng nào con cần và từ đó đưa vào đời sống gia đình, các buổi camping để con có thể phát triển kỹ năng này. Ngoài ra chị sẽ đọc đầu ra của một học sinh Mỹ từng cấp học, cần nắm cái gì theo tiêu chuẩn của họ để biết được con mình cần gì.
3. Quan sát thực tế nơi mình đang làm việc, quan sát sếp và nhân viên để tìm ra những kỹ năng mà khiến họ thành công, từ đó hướng dẫn cho con. "Mình thấy các sếp mình thường: rất kiên trì theo đuổi mục tiêu và khả năng kỷ luật tự thân rất tốt. Họ giải quyết vấn đề rất thông minh, nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, quản lý cảm xúc tốt và có nhiều quan hệ để hỗ trợ cho công việc. Từ đó mình nhận thấy nếu con mình có các kỹ năng này thì rất tốt", chị chia sẻ.
4. Quan sát con mình như điều kiện sức khỏe, khả năng tiếp thu, tính cách hướng nội hay hướng ngoại, ưa vận động hay thích ngồi tĩnh, tự cân nhắc khả năng tài chính gia đình, sức lực và điều kiện của bố mẹ để từ đó đưa con đường cho phù hợp.
Sau khi chịu khó tìm hiểu, đọc, nghiên cứu lúc này chị mới đưa ra một lộ trình cho con và kiên định với lộ trình đó. Vì đã nghiên cứu kỹ trước khi chọn con đường nên chị không bị áp lực hay stress khi các bé khác giỏi quá, con mình thì cái gì cũng trung bình, bố mẹ khác siêu quá trong khi mình chỉ giúp con được có thế này.
"Khi đi con đường của mình, 1 mình 1 kiểu không theo xu hướng chung xã hội thì nhiều khi mình cũng gặp khó khăn. Khi thì khó khăn từ con nhụt chí, khi thì khó khăn vì thầy cô, ông bà nói rằng con cần phải học thêm A-B-C, khi thì con cũng ốm đau. Nhưng lúc khó khăn thế mình chỉ mỉm cười tìm giải pháp, chẳng hạn sẽ đi hỏi những người đi trước có kinh nghiệm, đang đi con đường giống mình", chị Liên chia sẻ.
Học thế nào để không áp lực?
Chị Liên đặt mục tiêu cho con học Khá ở hệ Việt Nam mức 7-8 điểm (nếu học được giỏi ở mức 8-9 điểm thì càng tốt) và học thêm hệ Mỹ để phát triển tiếng Anh và cập nhật những kiến thức kỹ năng mới còn thiếu.
Học semi - home chỉ mất tối đa 60 phút/ngày. Trong 4 môn bắt buộc ở tiểu học các con chị chỉ tập trung 3 môn Language art, Science, Social studies (trong đó quan trọng nhất là Language art và Science, Social studies học theo lựa chọn gia đình. Nhà chị tập trung vào phần kỹ năng sống, kỹ năng hướng nghiệp, quản lý tài chính cá nhân, lịch sử, địa lý Mỹ nghe cho biết).
Theo chị Liên, nếu nhà không có điều kiện dư dả mà phải học trong nước thì sẽ phải lấy bằng THPT Việt Nam, còn nếu điều kiện tốt có thể đi du học thì lấy bằng Mỹ online (bằng này phải được các trường ở nước ngoài nhận). Việc quyết định học lấy bằng THPT Việt Nam hay Mỹ sẽ làm vào năm lớp 9 hoặc 10. Trong đó, chị Liên đặc biệt quan tâm tới phát triển kỹ năng đọc tiếng Anh và viết luận tiếng Anh là nền tảng cho quá trình học cấp 3 và đại học.
Tài liệu học tập của con chị Liên cũng không nhiều: Hệ Việt Nam chỉ sách giáo khoa và các phiếu các thầy cô trên lớp phát, không mua thêm tài liệu gì ngoài quyển để học tốt tiếng Việt - Văn (vì con yếu môn này). Còn hệ Mỹ chỉ dùng Acellus, khai thác tốt Acellus nếu còn thời gian mới cho con làm thêm sách đọc hiểu Mỹ theo các grade, và thêm phần luyện viết tiếng Anh và làm thêm đề Toán tiếng Anh.
Về khoa học, chị có cùng con vui chơi với các thí nghiệm khoa học của Acellus hoặc thêm bộ sách về các thí nghiệm khoa học, con làm nhiều nên rất khéo tay. Con trai lớn của chị Liên theo hướng xã hội nên chị không hề cho đi học thêm gì về Khoa học hay Lý, hóa, Sinh.
Con trai nhỏ thì có hướng kỹ thuật nên hiện lên lớp 8, chị có nghĩ đến việc sẽ cho con học thêm môn Lý. Có lẽ vì kết hợp 2 hệ như thế này và đem ứng dụng những kiến thức Acellus vào đời sống thực nên chị Liên thấy học nhẹ nhàng, vui vẻ, con tiến bộ cả hai hệ và vẫn đạt các chuẩn đầu ra cũng như chuẩn bị có một tương lai apply đại học.
Ngoài việc học thì mỗi ngày con cần có thời gian 90-120 phút chơi tự do, tập thể thao, đạp xe, đá bóng, rèn luyện sự tự lập, làm việc nhà. Con cũng cần được về với thiên nhiên nhiều để đảm bảo sức khỏe và yêu thiên nhiên. Con tham gia hoạt động bảo vệ thiên nhiên hàng tháng, học kỹ năng sinh tồn; tham gia các hoạt động thiện nguyện, các khóa học ngoại khóa, thực tập, học nghề, trải nghiệm vào các mùa hè.
Nếu không tự đưa con đi được thì chị Liên gửi con vào những nơi tổ chức hoạt động này để giúp con giải tỏa stress, phát lộ năng khiếu, phát triển kỹ năng làm việc với mọi người. Đồng thời, nảy sinh sự thấu cảm, lòng thương với người khác và có cái nhìn bao quát hơn về đời sống xung quanh. Nhờ những chuyến đi này nên mẹ con kết nối với nhau tốt, vui vẻ, con nhiều kỷ niệm về cuộc sống và từ đó có rất nhiều năng lượng để học tập.
"Một lưu ý là mình không tham quá khi nuôi dạy con, cái gì thấy sức mình làm được thì túc tắc làm. Khi làm là chia nhỏ công việc và kiên định làm chứ không ngày làm ngày bỏ. Một trong những điều khiến phụ huynh, học sinh thất bại là ham làm nhiều một lúc, sau đó mệt thì lại buông. Có những thứ người khác chia sẻ rất hay nhưng thấy không hợp hoặc không làm được cho con thì mình cũng bỏ qua. Kiên trì mỗi ngày làm một ít thì sau 12 năm học con mình mới tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng chứ không phải là sau 1 năm sẽ có tất cả mọi thứ.
Dùng nhiều công sức cho việc nuôi dạy con đúng là cũng mệt thật. Nhưng nhìn lại chặng đường có kỷ niệm vui, có kỷ niệm buồn, có lúc thành công, có lúc thất bại mình thấy chặng đường đó ý nghĩa và nhiều màu sắc. Nhất là khi con trưởng thành theo hướng tích cực thì đó là món quà quý giá cho nỗ lực làm bố mẹ", chị Liên chia sẻ.