HỌC IELTS TỪ TUỔI NÀO? Thầy giáo nổi tiếng chia sẻ chi tiết, nhấn mạnh 1 độ tuổi phải tuyệt đối nói KHÔNG

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Nếu cho con học và thi IELTS chỉ để phục vụ mục đích "sĩ diện" của bố mẹ, thì điều đó không nên tiếp diễn.

Hiện nay, nhiều phụ huynh rất sốt sắng trong việc chuẩn bị cho con học và thi IELTS từ sớm. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chứng chỉ IELTS đang được coi là "giấy thông hành" để bước vào nhiều trường đại học và là một trong những cách để được miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh ở THPT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn xoay quanh việc: Nên cho con học IELTS từ khi nào? Và điểm IELTS bao nhiêu thì được xem là giỏi tiếng Anh?

Theo thầy Giang Nguyễn (The Ivy-League Vietnam), người từng tốt nghiệp các đại học danh tiếng như Cornell, UPenn và Boston, không có một mốc thời gian cụ thể nào bắt buộc để bắt đầu học IELTS. Tuy nhiên, việc thi IELTS có thể bị giới hạn độ tuổi tối thiểu, tùy vào quy định của các tổ chức khảo thí như IDP và British Council. Có trường hợp học sinh tiểu học đăng ký thi IELTS nhưng bị từ chối. Như vậy, tuy không có giới hạn độ tuổi để học IELTS, nhưng việc thi có thể bị điều chỉnh bởi các đơn vị tổ chức.

Thầy Giang Nguyễn

Câu hỏi quan trọng hơn là: Có nên cho con học IELTS từ quá sớm hay không?

Theo thầy Giang, phụ huynh cần xác định rõ mục đích học IELTS của con, cũng như hiểu rằng bài thi này đo lường năng lực ngôn ngữ gì. Với học sinh tiểu học, chứng chỉ IELTS không cần thiết và hoàn toàn không phù hợp, bởi các em không có nhu cầu sử dụng đến nó. Nếu cho con học và thi IELTS chỉ để phục vụ mục đích "sĩ diện" của bố mẹ, thì điều đó không nên tiếp diễn.

Hiện nay, không ít phụ huynh ép con học IELTS và thi điểm cao phần lớn để khoe khoang, chứ không hẳn phục vụ cho nhu cầu học thuật. Trong khi đó, trẻ nhỏ nên học theo các chương trình tiếng Anh chuẩn Cambridge như KET, PET hay FCE - vốn có nội dung và kiến thức phù hợp với lứa tuổi. Việc học IELTS quá sớm sẽ khiến các em gặp nhiều áp lực, khi phải tiếp xúc với những chủ đề xã hội quá tầm hiểu biết và trải nghiệm của mình.

Chẳng hạn, học sinh lớp 5 hay lớp 6 đã phải viết và nói về những vấn đề như: có nên đánh thuế rượu và thuốc lá không, nhân bản vô tính, cách cha mẹ nên giáo dục con cái, viện trợ phát triển, vai trò của truyền thông, hay lựa chọn giữa du học và học trong nước… Đây là những nội dung mà ngay cả sinh viên đại học còn thấy khó viết, thì với học sinh cấp 1 hay cấp 2, việc phải tiếp cận và làm bài với các chủ đề này thực sự quá sức.

Ngoài ra, lượng từ vựng, tốc độ bài nghe và độ phức tạp của bài đọc trong IELTS cũng là một rào cản lớn với trẻ nhỏ. Học IELTS quá sớm có thể tạo ra áp lực không đáng có, thậm chí làm mất đi hứng thú học ngôn ngữ vốn rất mong manh ở lứa tuổi này.

Theo thầy Giang, giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 7 không phải là thời điểm phù hợp để học IELTS. Ở độ tuổi này, trẻ cần được học tiếng Anh theo hướng khám phá, tích lũy tự nhiên và bền vững, chứ không nên bị cuốn vào guồng luyện đề. Bởi lẽ, luyện IELTS là luyện thi – còn học ngôn ngữ là một hành trình hoàn toàn khác. Ngôn ngữ cần được thấm dần theo thời gian, không thể "chín ép", không thể học kiểu "ăn vã" và càng không thể rút ngắn bằng mẹo.

Từ lớp 8 trở đi, việc học IELTS có thể bắt đầu được cân nhắc. Đây là độ tuổi mà chứng chỉ IELTS có thể trở nên cần thiết vì mục tiêu học thuật, như chuẩn bị hồ sơ du học bậc phổ thông ở các nước nói tiếng Anh. Hơn nữa, học sinh ở độ tuổi này thường đã có sự phát triển nhất định về tư duy và nhận thức xã hội, phần nào có thể hiểu được các chủ đề mang tính toàn cầu trong đề thi IELTS.

Tuy vậy, thầy Giang cũng lưu ý rằng năng lực nhận thức và ngôn ngữ của học sinh hiện nay có thể không hoàn toàn phụ thuộc vào độ tuổi. Có học sinh lớp 4 có thể đạt trình độ tương đương lớp 8, và sự chênh lệch giữa học sinh lớp 7 và lớp 9 đôi khi không quá lớn. Sự phát triển tư duy của trẻ ngày nay là điều rất khó định chuẩn cố định, và không ít nghiên cứu cũ đã trở nên lỗi thời vì lẽ đó. Nhưng dù sao, đến khoảng lớp 8 thì hầu hết học sinh đều đã có sự trưởng thành tương đối về mặt sinh học lẫn xã hội.

Ngay cả khi học sinh đã bước vào độ tuổi phù hợp, phụ huynh vẫn chỉ nên cho con học IELTS khi thật sự cần dùng chứng chỉ này cho một mục đích rõ ràng như: du học, xét tuyển lớp chuyên, hoặc phục vụ điều kiện đầu vào của chương trình học nào đó. Việc học chỉ vì "con nhà người ta học IELTS" là điều nên tránh. Không nên để con học IELTS chỉ vì sợ bị tụt lại trong cuộc đua thành tích.

Điểm số IELTS không thể là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực ngôn ngữ, nhất là với học sinh nhỏ tuổi. Ngoài IELTS, còn rất nhiều chương trình tiếng Anh phù hợp hơn với các em từ lớp 1 đến lớp 9, giúp xây dựng nền tảng vững chắc về từ vựng, nhận thức và các kỹ năng tư duy như phân tích, phản biện, lập luận.

Với học sinh cấp 3, đặc biệt từ lớp 10 trở lên, việc luyện IELTS có thể mang lại giá trị thiết thực hơn. Nhiều trường đại học trong nước hiện nay chấp nhận kết quả IELTS như một điều kiện xét tuyển đầu vào, hoặc thay thế điểm thi môn tiếng Anh. 

Tuy nhiên, học sinh vẫn không nên chỉ trông chờ vào vài buổi luyện thi. Việc nâng cao năng lực tiếng Anh cần phải được xây dựng qua quá trình đọc báo, nghe đài, mở rộng vốn từ qua các bài viết chính thống, tìm hiểu các chủ đề học thuật và các tài liệu chuyên ngành.

Tóm lại, theo thầy Giang Nguyễn, IELTS là một công cụ hữu ích, nhưng chỉ thực sự hiệu quả khi được học đúng thời điểm, đúng mục đích và đúng phương pháp. Học quá sớm, học theo phong trào không chỉ không mang lại lợi ích mà còn có thể phản tác dụng, ảnh hưởng đến cả tâm lý và niềm yêu thích học ngoại ngữ của trẻ.

Chia sẻ