Bà mẹ TP.HCM không muốn nói chuyện, không muốn xưng hô "mẹ - con" với con, nghe chị kể, nhiều người khuyên "Chị cũng nên thay đổi"!
Người ta không thể cho con điều mình không có.
Gần đây, một chia sẻ đầy xúc động của một bà mẹ đơn thân trên mạng xã hội đã khiến nhiều bậc phụ huynh và chuyên gia tâm lý phải dừng lại suy ngẫm. Đó không chỉ là tiếng lòng của một người mẹ đang kiệt sức trong hành trình nuôi dạy con, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những người đang làm cha mẹ giữa bộn bề cuộc sống.
Người mẹ ấy tâm sự rằng chị một mình nuôi hai con trai 16 và 14 tuổi, trong khi bản thân mang nhiều tổn thương sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với người chồng từng bạo hành cả ba mẹ con. Là một người nóng tính, chị thừa nhận mình không phải là người mẹ dịu dàng, 1 năm vài lần chửi mắng con thậm tệ. Dù vậy, chị vẫn luôn nỗ lực dành thời gian làm bạn với con: cùng nghe nhạc, xem bóng đá, tìm hiểu game, hỏi han về trường lớp, bạn bè, và thường xuyên trò chuyện tâm tình.
Tuy nhiên, trong một lần mệt mỏi vì bệnh và quá tải công việc, chị mất kiểm soát và lớn tiếng mắng con trai lớn khi thấy con chơi game khuya. Cơn nóng giận khiến chị thốt ra câu: "Nếu con không thể sống đúng mực, mẹ sẽ cho con sang ở với bố!". Điều này làm đứa con trai phản ứng dữ dội. Qua tin nhắn Messenger với bạn, cậu bé buông lời xúc phạm, đổ lỗi cho mẹ về mọi buồn phiền trong cuộc đời mình. Khi bị mẹ phát hiện, con không xin lỗi mà cho rằng đó chỉ là cách "xả stress" và "mẹ không có quyền đọc lén tin nhắn riêng tư".

Ảnh minh hoạ
"Mình thì vô cùng thất vọng, cảm thấy con vô ơn, ích kỷ. Mình không muốn nhìn thấy nó, không muốn nói chuyện, khuyên bảo hay nhắc nhở gì nữa. Đến mở miệng xưng mẹ, gọi con mình cũng cảm thấy khó khăn. Đôi khi muốn buông xuôi, nuôi nó đủ đến 18 tuổi thì cho nó ra đời, muốn sống sao thì sống. Nhưng trong lòng thì mình thấy buồn lắm, từng là toàn bộ tình yêu thương, kỳ vọng, tâm huyết cuộc đời mình dồn cả cho 2 anh em nó, mà giờ lại thế này sao", bà mẹ đau lòng.
Ngay dưới bài chia sẻ của người mẹ này, hàng trăm bình luận của các phụ huynh bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra lời khuyên... Hầu hết đều cho rằng: Không có đứa trẻ nào hạnh phúc bên cạnh một bà mẹ bất hạnh, muốn con thay đổi, mẹ phải học cách yêu bản thân trước tiên.
Một người mẹ từng rơi vào hoàn cảnh tương tự đã nhẹ nhàng khuyên: "Nếu có xung đột, mẹ đừng chiến đấu tay đôi. Chỉ cần nói: 'Mẹ buồn lắm' hoặc 'Mẹ tưởng chúng ta là một gia đình', rồi lặng lẽ vào phòng, khóa cửa, tắt đèn đi ngủ. Đôi khi, cách tốt nhất để con nhìn lại là để con được yên tĩnh với chính suy nghĩ của mình".
Một phụ huynh khác gợi ý cách thiết lập ranh giới mà không cần phải quát tháo:
– Đặt modem Wi-Fi trong phòng mẹ: Khi đến giờ ngủ, mẹ chỉ cần tắt mạng và đi nghỉ, vừa nhắc nhở gián tiếp, vừa tránh xung đột căng thẳng.
– Về việc dọn phòng: Bạn có thể nói: "Mẹ tôn trọng đây là không gian riêng của con. Con có quyền giữ nó theo cách con muốn, nhưng có vài nguyên tắc mẹ không thể bỏ qua, ví dụ không để đồ ăn thiu, không gây mùi khó chịu ảnh hưởng đến cả nhà".
Rồi bạn đặt giới hạn rõ ràng nhưng không áp đặt: "Nếu phòng bốc mùi ra ngoài, mẹ sẽ phải mở cửa và xử lý, điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của con. Con có muốn tự dọn không?"; "Mình cùng thống nhất, mỗi chủ nhật là ngày dọn phòng, mẹ không can thiệp trong tuần. Con có thể tự tổ chức".
– Không làm thay mọi việc: Nếu con không rửa bát, cứ để đó. Đến khi hết bát ăn, con sẽ phải chủ động dọn. Nếu không nấu cơm, cả nhà cùng… đói một bữa cũng không sao. Điều đó giúp con hiểu trách nhiệm là điều không thể trốn tránh mãi.
Nhiều người cũng chia sẻ rằng, ở tuổi 14-16, trẻ thường nổi loạn, vô tâm và dễ phản ứng tiêu cực. Đôi khi chúng không ý thức được sự tổn thương mà lời nói của mình gây ra, và cũng chưa đủ chín chắn để phân biệt giữa "xả stress" và "làm tổn thương người thân". Trong giai đoạn này, cha mẹ càng cần giữ vai trò là người lớn thật sự, bình tĩnh, kiên nhẫn và bền bỉ.
Một phụ huynh từng thay đổi từ người mẹ nóng nảy thành người mẹ bình an chia sẻ: "Trước tháng 6/2023, mình cũng giống bạn. Lúc nào cũng mệt mỏi, cáu bẳn, oán trách con. Nhưng rồi mình bắt đầu học cách yêu bản thân, thiền, đọc sách, học lại cách lắng nghe con. Và mọi thứ thay đổi".
Hãy chữa lành cho chính mình trước khi mong con hiểu chuyện.
Làm mẹ đơn thân là một hành trình đầy áp lực. Nhưng điều quan trọng là phải nhớ rằng: Bạn không đơn độc. Và bạn không phải là "một bà mẹ tồi" chỉ vì vài lần mất kiểm soát. Mỗi lần nổi nóng là một tiếng chuông cảnh báo rằng bạn đang quá mệt, quá đầy và cần được nghỉ ngơi, không chỉ về thể xác mà còn về tâm hồn.
Trước khi yêu cầu con biết ơn, biết nghĩ, biết tự lập... hãy hỏi lại: "Liệu mình đã cho con thấy hình ảnh một người mẹ biết yêu bản thân, biết tự chăm sóc mình, và biết bình an là gì chưa?".
Thay vì oán trách hay buông xuôi, có lẽ chính người mẹ cũng cần một khoảng lặng để hít thở, để hồi phục, để nhắc mình rằng: Mình xứng đáng được yêu thương. Khi bạn bình an trở lại, bạn sẽ lại nhìn thấy đứa con ấy không phải là "đứa trẻ hỗn hào" mà là một đứa trẻ cũng đang tổn thương, cũng đang cần được dẫn dắt, dẫu bằng tình yêu nghiêm khắc và bao dung. Bởi người ta không thể dạy con điều mình không có.
Quan trọng nhất: Kiên nhẫn. Đừng kỳ vọng con sẽ thay đổi sau một đêm. Hãy cứ giữ vững sự nhất quán trong yêu thương và nguyên tắc, và rồi con sẽ lớn, sẽ quay đầu nhìn lại… thấy mẹ vẫn luôn đứng đó, không hoàn hảo, nhưng không bao giờ buông tay.