Học công thức chi tiêu "Zero-Based Budget" từ admin group tài chính 5k member: Không thúc ép bản thân chạy theo mà “ra lệnh” cho đồng tiền phải đi về các hướng
Đây là công thức hoạch định chi tiêu cá nhân được chị Trinh Hồ giới thiệu tới mọi người để kiểm soát đồng tiền của mình chặt chẽ nhất.
Chị Trinh Hồ hiện đang là CEO của công ty truyền thông FreshM, admin group Lady Networking giúp các chị em phát triển bản thân trở nên độc lập - truyền cảm hứng - có sức ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh với gần 5.000 thành viên.
Chị hiện tại cũng là chủ của các chuỗi giao lưu trực tuyến chia sẻ và trao đổi những thông tin liên quan tới cuộc sống và công việc với nghìn người tham dự.
Nói về việc hoạch định chi tiêu cá nhân, chị Trinh Hồ cho biết có một công thức chị rất tâm đắc và muốn giới thiệu cho nhiều người biết tới và áp dụng. Đó chính là công thức "Zero-Based Budget" trong chi tiêu.
Mục đích của công thức Zero – Based Budget
Người sử dụng tiền phải cân đối số tiền tiêu của mình trong vòng tiền mình kiếm được, để tất cả mọi đồng tiền làm ra đều có mục đích chi tiêu riêng của nó.
Nói cách khác, Zero-Based Budget là cách bạn “ra lệnh” cho đồng tiền phải đi về các hướng, chứ không để đồng tiền thúc ép bạn phải chạy theo nó.
3 sai lầm khi áp dụng Zero – Based Budget
1. Quên đề cập đến tiền tiết kiệm trong khoản tiền tiêu
Khi mới nghe về Zero-based budget, không ít người sẽ lầm tưởng: "Nếu tiền kiếm được - Tiền tiêu = 0 thì chẳng khác nào ăn xài hết, không còn khoản tiết kiệm hay đầu tư lâu dài?”. Nhưng mấu chốt là tiền tiết kiệm phải được tính gộp luôn trong khoản tiền tiêu mỗi tháng. Nếu bạn muốn chi tiêu cho bất cứ việc gì, “pay yourself first!”, trả cho mình trước bằng việc để tiền tiết kiệm ra riêng.
Zero-Based budget hiệu quả hơn cách tiết kiệm truyền thống: Tiền kiếm được - Tiền tiêu = Còn thừa bao nhiêu để tiết kiệm ở chỗ nếu không để tiền ra ngay từ ban đầu thì đến cuối tháng ta rất khó để dư dả được một khoản tiết kiệm cất đi.
2. Thiếu cái nhìn toàn diện về Budget
Bạn chỉ chăm chăm vào những khoản chi tiêu nhỏ mà không biết đặt tất cả thu-chi vào trong một toàn cảnh lớn. Vì vậy dễ dẫn đến dù có tiền dư dả nhưng không có định hướng lâu dài chi tiết kiệm hay đầu tư, “thiếu trước, hụt sau”.
Thế nên, khi làm budget, bạn có thể đặt các khoản chi lặt vặt như tiền đi chợ và tiền ăn ngoài hàng quán vào một khoản lớn là “Tiền ăn”. Tương tự cho tất cả những chi phí thuê nhà, điện, nước, wiffi… quy về khoản lớn “Tiền nhà”. Đặt góc nhìn toàn cảnh về budget sẽ giúp quá trình tính toán để budget quay về 0 (Zero) được dễ dàng hơn.
3. Lập kế hoạch chi tiêu sai thời điểm
Bạn có phải là người người đợi đến đầu tháng có tiền lương rồi mới bắt đầu ghi chép các khoản tiêu dùng trong tháng, tiêu bao nhiêu ghi bấy nhiêu. Đến cuối tháng tổng hợp lại, đánh giá và rút kinh nghiệm cho tháng sau chi tiêu khéo léo hơn. Cách ghi chép vậy rất tốt, nhưng đây không phải là “kế hoạch” mà chỉ là “ghi chép” chi tiêu mà thôi.
Một kế hoạch chi tiêu phải có tầm nhìn, định hướng cho tương lai và uốn nắn, thay đổi dựa vào thực tế trong hiện tại. Thời điểm thích hợp để lập kế hoạch chi tiêu là tuần cuối cùng của tháng cũ hoặc ngày đầu tiên của tháng mới. Khi đó, bạn cần dự tính xem sẽ kiếm được khoảng bao nhiêu tiền trong tháng mới, khoản tiền này sẽ chi vào những gì; cộng lại tất cả những khoản chi (bao gồm tiết kiệm) và trừ đi khoản tiền kiếm được phải bằng 0. Nhờ vậy, tất cả số tiền ta dự tính kiếm được đều đã có mục đích riêng của nó.
Quy tắc bất di bất dịch của Zero-Based Budget
Bạn hoàn toàn có thể dựa vào tình hình thực tế thu và chi để thay đổi những con số kế hoạch. Nhưng quy tắc bất di bất dịch của Zero-Based Budget là: Các con số tính toán phải quy được về số 0!
- Nếu số âm tức là bạn đã dự chi quá nhiều.
- Nếu số dương thì nên chi khoản tiền thừa vào tiết kiệm ngay từ ban đầu.
Thông tin trong bài được ghi lại từ chia sẻ của nhân vật. Ảnh: NVCC