Học mẹ cách tiết kiệm bằng hình thức mua vàng, đôi vợ chồng U40 mua nhà, mua xe sau 12 năm
Trữ vàng nhẫn giống mẹ mình, sau 12 năm, Minh Quyên và chồng đã có thể mua được nhà khi mới chỉ U40.
Minh Quyên (35 tuổi) hiện đang sống tại Hà Nội cùng gia đình nhỏ của mình. Ở tuổi 35, Quyên đã sở hữu một căn nhà đất ở quận Long Biên. Bởi vì vợ chồng con cái đều đi học và đi làm ở trung tâm thành phố nên gia đình Quyên cũng mới "tậu" thêm xế hộp để tiện cho việc di chuyển.
Có lẽ với nhiều người việc mua nhà tậu xe cũng chẳng phải là điều gì quá to tát, nhưng với vợ chồng Quyên thì đây là thành quả sau 12 năm làm ăn.
Với thu nhập ở mức bình quân, để có thể sở hữu được nhà lầu xe hơi sau 12 năm có lẽ phải nhắc đến một thói quen bắt nguồn từ mẹ đẻ của Minh Quyên.
Làm ăn kinh doanh có lãi nhưng lại không để ra được đồng nào
Minh Quyên may mắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, nhưng cũng có lẽ bởi vậy mà Quyên không phải một người có kế hoạch chỉn chu về mặt tài chính, không chỉ riêng việc tiết kiệm cá nhân, bản thân cô cũng không phải là người có đầu óc về kinh tế.
Sau khi lấy chồng, Quyên nhận được 10 chiếc nhẫn vàng bao gồm 7 chiếc nhẫn 5 chỉ và 3 chiếc nhẫn 3 chỉ từ mẹ mình. Bên cạnh đó, gia đình họ hàng cũng dành tặng cho cô không ít của hồi môn có giá trị khác.
Chồng Quyên do tính chất công việc nên thường xuyên phải đi làm xa nhà tính bằng tháng, thậm chí bằng năm, do vậy sau khi có con, Quyên đã quyết định nghỉ làm công việc văn phòng để có nhiều thời gian chăm sóc con cái hơn.
Với số vốn liếng khá khẩm của mình cũng như sự ủng hộ của chồng, Quyên quyết định dấn thân vào việc kinh doanh.
Mới đầu, mọi thứ không đến nỗi nào, nhưng chỉ sau 1 năm hoạt động, tiệm cafe của Quyên mặc dù có lợi nhuận khá nhưng khi tổng kết lại, Quyên nhìn mãi vẫn chẳng thấy tiền đâu.
"Mình vẫn nhớ lúc đó là vào khoảng cuối năm 2009 đầu năm 2010, lúc ấy mình cứ nghĩ đơn giản rằng cafe thì lúc nào mà chẳng có khách hàng nên quyết định đầu tư lớn ngay từ đầu. Sau đó kì lạ là mình càng làm càng không thấy tiền đâu. Rõ ràng mọi thứ đều hoạt động tốt, chỉ có điều mình không tài nào tiết kiệm nổi dù kinh doanh có lãi hẳn hoi".
Chiếc tủ mỗi lần mở là vàng rơi ra "lả tả" của mẹ
Gần 2 năm hoạt động hiệu quả thậm chí là bận đến tối tăm mặt mũi, vốn dĩ Quyên nghỉ làm công sở để có thời gian chăm sóc cho gia đình nhưng với việc duy trì hoạt động của tiệm cafe lúc nào cũng đông nghịt khách, quỹ thời gian của cô còn ít ỏi hơn.
Đáng lẽ làm ăn mà đông khách như thế thì còn gì để bận tâm nữa nhưng vấn đề của Quyên lại nằm ở chỗ dù có lãi nhưng cô không thể tích lũy được bất kỳ thứ gì, nhà vẫn phải đi thuê, vợ chồng con cái vẫn lóc cóc đi chiếc xe máy cà tàng đi làm.
Lúc này thì Quyên hiểu rằng nếu bản thân không có cách nào tích lũy tiền thì chuyện cứ làm mãi cũng chẳng ra được tí tài sản nào là chuyện sẽ tiếp diễn mãi.
Giữa lúc này, Quyên nhớ lại 10 chiếc nhẫn vàng của hồi môn mẹ để cho mình và hình ảnh chiếc tủ trong phòng ngủ của bố mẹ.
"Hồi còn nhỏ mình nhớ mãi cái tủ ở trong phòng bố mẹ, có mấy lần mẹ mở tủ ra thế là nhẫn vàng bên trong rơi lộp độp xuống đất, mỗi lần như thế mẹ lại hì hục đi nhặt lại rồi nhét lấy nhét để vào tủ. Có lần, nhẫn vàng của mẹ còn lăn cả vào gầm giường, mãi đến cuối năm mẹ tổng vệ sinh mới tìm thấy".
Mẹ của Quyên chọn mua nhẫn vàng để cất đi tiết kiệm. Bà duy trì thói quen tiết kiệm này suốt mấy chục năm, tháng nào có ít thì mua 1 chỉ, tháng nhiều thì mua nhiều hơn. Bà mua nhẫn vàng từ lúc vàng còn rẻ cho đến lúc vàng đắt rồi lại xuống giá. Cứ như vậy bất luận giá vàng vào thời điểm đó là thấp hay cao, mẹ của Quyên đều mua nhẫn vàng để tích trữ hàng tháng.
Tiết kiệm bằng cách tích trữ nhẫn vàng
Quyên giải thích lý do tại sao lại lựa chọn tích trữ nhẫn vàng để tiết kiệm thay vì gửi tiền vào sổ tiết kiệm hay bằng bất kỳ cách thức nào khác. Có hai lý do để Quyên học theo cách này của mẹ mình.
Thứ nhất, nhẫn vàng dễ mua hơn vàng miếng. Mỗi tháng cô đều có thể mua được từ 1 chỉ trở lên. Thay vì đợi tích đủ tiền rồi mua cả lượng vàng (nhiều khi chưa kịp mua đã tiêu hết tiền) thì việc mua nhẫn vàng có thể thực hiện đều đặn hàng tháng.
Thứ hai, nhẫn vàng không phải cứ cần tiền là có thể mang ra bán ngay được. Nếu cứ để tiền trong sổ tiết kiệm hay tài khoản, việc tiêu lẹm vào sẽ diễn ra thường xuyên, nhất là với những người không giỏi kiểm soát sự tiêu xài như Quyên. Mỗi lần mua một chiếc nhẫn vàng đồng nghĩa với việc Quyên cắt hẳn ra một khoản tiền và hoàn toàn không có ý niệm sẽ tiêu vào khoản tiền đó nữa.
Kết quả, sau 12 năm tích trữ nhẫn vàng, vợ chồng Quyên đã có thể sở hữu được tài sản bất động sản và cả động sản. Và hiện tại, Quyên vẫn đang duy trì việc mua nhẫn vàng để tiết kiệm, tích lũy thêm cho gia đình, con cái.