Hiểu sao cho đúng về quan điểm "món ăn gây nóng trong người"?
"Ăn thực phẩm gây nóng thì làm sao? Thì sẽ tăng sinh nhiệt, gây ra mẩn ngứa, nhiệt miệng...". Chính bởi suy nghĩ này mà rất nhiều người né tránh rất nhiều thực phẩm mà họ cho là nóng cho cơ thể.
Theo một khảo sát nhanh được thực hiện về nội dung "thực phẩm có phải là nguyên nhân gây nóng cho cơ thể không?", có tới 81% người trả lời đồng ý với điều này. Nhưng liệu số đông này có đại diện cho một quan niệm đúng hay không?
Khoảng trống trong quan niệm về thực phẩm
Hầu hết chúng ta không xa lạ với câu cửa miệng của nhiều người "món đó nóng lắm, ăn ít thôi". Lời nhắc nhở diễn ra liên tục khiến lớp trẻ lớn lên cũng in hằn trong tâm trí. Và để rồi cuối cùng không ít người tin rằng "những món đó nóng thật, nên ăn ít thì hơn". Kết quả là có tới hơn 80% người được hỏi tin rằng thực phẩm là nguyên nhân gây nóng cho cơ thể như trên.
Nhưng theo BSCKI Đào Thị Yến Thủy - Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: "Con số 81% cho thấy người Việt còn nhiều quan niệm rất "oan ức cho thực phẩm", mà cụ thể ở đây là những câu truyền miệng trong dân gian "Ăn cái này cái kia gây nóng trong người". Cần hiểu rõ "nóng trong người" bản chất là gì, triệu chứng ra sao, nguyên nhân có phải do thực phẩm hay không… thì sẽ biết được đám đông đúng hay có nhầm lẫn."
Cho đến nay, nhiều người phân biệt "món ăn nóng", "món ăn mát" vẫn dựa chủ yếu trên kinh nghiệm cá nhân, xuất phát từ quan niệm dân gian được đúc kết lại.
Theo y học cổ truyền, các loại thực phẩm được chia theo 4 nhóm có tính chất lạnh, mát, ấm, nóng. Về cơ bản, thực phẩm được coi là có tính nóng là các loại thực phẩm ăn vào tạo cảm giác nóng và khô như các loại thịt đỏ, các loại gia vị (gừng, tỏi, ớt); các loại trái cây có vị ngọt (đào, nhãn, vải). Trong khi đó, các thực phẩm tạo cảm giác mát và cung cấp độ ẩm cho cơ thể, ví dụ như các loại rau xanh, hải sản, ếch, ốc... được coi là thực phẩm có tính mát.
Cũng theo quan niệm của y học cổ truyền, thực phẩm có tính nóng chưa hẳn là nguyên nhân gây nóng trong người khi ăn. Cơ thể mỗi người không giống nhau, có người thể hàn (mát) cũng có người thể nhiệt (nóng) nên khi ăn các thực phẩm sẽ có những cảm nhận khác nhau.
Thực chất bản thân thực phẩm không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng nóng trong người khi ăn. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết thêm, theo Tây y – trong khoa học dinh dưỡng không có khái niệm thực phẩm nóng. Theo đó, thực phẩm được phân chia dựa trên 4 nhóm chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, tương ứng là: chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein), chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất.
Đồng thời, khái niệm "nóng trong người" cũng không có trong Tây Y. Các biểu hiện "nóng trong người" mà dân gian thường mô tả như ợ nóng, táo bón, nổi mụn, nhiệt miệng hay cáu gắt, hay có cảm giác nóng người sau khi ăn… thì dưới góc nhìn của Tây y, đây có thể là những triệu chứng của một số tình trạng tăng chuyển hoá, bệnh lý hoặc nguyên nhân có thể đến từ nhiều vấn đề khác nhau.
Bởi vậy, nếu chỉ dựa vào cảm tính cá nhân để quy kết "nên ăn món này, không ăn món kia vì có tính nóng" thì đây thực sự là khoảng trống trong quan niệm về thực phẩm mà chúng ta cần phải thay đổi ngay.
Làm sao để chúng ta ăn uống mà không còn lo về tính gây nóng của thực phẩm?
Vấn đề cốt lõi ở đây là không có loại thực phẩm nào cung cấp đầy đủ hết các nhóm chất dinh dưỡng,mà cần phải lựa chọn, bổ sung thực phẩm phù hợp với cơ thể mình để mang lại sự cân bằng, điều hòa. Ví dụ, thực phẩm có tính gây nóng sẽ phù hợp hơn với những người có cơ địa hàn và thực phẩm có tính mát phù hợp với người có cơ địa nhiệt. Thực phẩm có tính ôn phù hợp với tất cả mọi người.
Tương tự vậy, trong chế biến cũng cần chú ý phối hợp thực phẩm gây nóng với thực phẩm mát để có được những món ăn vừa ngon, bổ dưỡng lại tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như nếu bạn thích ăn mì tôm, ăn bún thì nên nấu với các loại rau xanh, thịt, trứng... để cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể và ngon miệng hơn. Tuy nhiên, mọi thứ đều mang tính chất tương đối nên tốt nhất vẫn là thực hiện chế độ ăn uống đa dạng, nhiều loại thực phẩm, để đảm bảo có đầy đủ cả thực phẩm hàn – nhiệt trong chế độ ăn và không bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Thay cho lời kết: Việc kiêng khem vì sợ thực phẩm gây nóng là không cần thiết. Nếu biết kết hợp, lựa chọn thực phẩm phù hợp với sức khỏe, cơ địa của bản thân thì sẽ không có chuyện "món nóng gây nổi mụn, nhiệt miệng hay bốc hỏa"... Và điều quan trọng nhất là trong chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo cân bằng được 4 nhóm chất như chuyên gia phân tích, kết hợp cùng việc vận động và 1 lối sống lành mạnh để giữ cho mình có một sức khỏe tốt nhất từ bên ngoài lẫn bên trong.