Hiền Mai: Bị hắt nước vào người, phục vụ bàn tới 12h đêm nhưng từ chối lời dụ dỗ tặng nhà, xe
"Lúc đó, nhiều người theo đuổi, dụ dỗ, muốn dâng tặng xe xịn, nhà cửa, tiền bạc, quần áo đồ hiệu nhưng Mai nghèo nhưng không hèn, đừng hòng có ai đụng được tới người", Hiền Mai nhớ lại.
Những ai đã quen biết đủ lâu để hiểu con người của Hiền Mai thường hay dành cho chị những từ như "Hiền Mai dễ thương quá", "Hiền Mai đáng yêu quá", Hiền Mai hòa đồng quá", "Hiền Mai bình dân quá...".
Khi nghe những lời khen ấy, Hiền Mai thường chỉ biết cười cảm ơn. Chị bảo, để nhận được những lời khen như thế từ mọi người, chị đã phải trải qua một "quá trình" nhiều gian khổ.
Hiền Mai kể: "Ngày xưa, nhà Mai nghèo, ba má là nhà văn nhà thơ, nhà báo. Thời bao cấp, đi đóng phim dù nổi tiếng nhưng không bao giờ có nhiều tiền.
Năm lớp 10, vì nhà nghèo quá, Mai quyết định đi làm thêm vào buổi tối, phục vụ bưng bê nước cho khách coi ca nhạc ở tụ điểm ca nhạc ngoài trời Hội Nghệ sĩ Thành phố trên đường Trần Quốc Thảo. Đó là cơ quan ba má Mai làm việc. Ngày đó, chỉ có con cháu nhà văn nhà thơ mới được vô làm phục vụ thôi.
Cực khổ lắm với một con bé mới 16 tuổi và học lớp 10 như Mai. Mai học ở trường từ trưa tới 5h30 chiều. Vừa tan học là chạy thục mạng về nhà, thay đồ phục vụ để đúng 6h chiều là có mặt tại tụ điểm.
Hiền Mai
Hiền Mai thời trẻ - một người mẫu diễn viên nổi tiếng thập niên 90.
Mai làm đầu tắt mặt tối, bưng bê nước, rửa ly rửa chén tới 12h đêm mới được về nghỉ và thường 1h sáng mới được ăn tối. Có lẽ đó là lý do Mai bị đau bao tử đến bây giờ.
Hồi đó, Mai xin vô làm trễ nhất so với mọi người nên được phân công làm ở khu tệ nhất, gần cổng, nơi mà khách tới xem chương trình chỉ được đứng chứ không có chỗ ngồi nên nhiều khi chen chúc đông quá, không coi được, khách rời đi chỗ khác.
Lúc mình bưng nước tới thì khách đã đi mất, khách khác tự động lấy uống, thế là mình phải đền tiền.
Bị đền tiền nước vài lần thì mình cũng khôn ra. Tự làm cái bảng số, cứ đưa bảng số cho ai thì giao nước cho người đó. Vậy mà cũng gặp nhiều khách khó chịu.
Thời điểm đó, Sài Gòn ít tụ điểm ca nhạc ngoài trời nên khách rất đông. Chờ lâu quá, không được uống, khách bực mình. Khi Mai bưng nước ra thì họ tức quá, cầm nguyên ly nước hắt vào người mình ướt hết.
Mình ngỡ ngàng nhưng cũng chỉ biết ngậm miệng cười.
Mai làm như vậy suốt mấy tháng trời, tối ngủ rất ít, sáng phải dậy sớm học bài nên hầu như ngày nào đi học, buổi trưa cũng ngủ gật trong lớp.
Lúc đầu, Mai bị thầy cô la dữ lắm vì suốt ngày ngủ gục nhưng tới khi thầy cô biết mình đi làm thêm thì ai cũng thương. Có lần Mai ngủ gục nhưng vẫn biết cô giáo tới chỗ mình, Mai sợ quá ráng dậy mà dậy không nổi. Các bạn tính kêu dậy thì cô nói "để bạn ngủ chút đi, đừng gọi".
Nhắc tới kỷ niệm này, Mai chỉ muốn khóc vì thương thầy cô. Thầy cô giáo ngày xưa là vậy đó. Yêu thương học trò hết mình, dù tiền lương lúc đó chẳng có bao nhiêu.
Dù cuộc sống ngày xưa rất cực khổ, tiền kiếm không được bao nhiêu, nhưng Hiền Mai vẫn chọn cách sống ngẩng cao đầu dù xung quanh biết bao người theo đuổi, dụ dỗ cho nhà cho xe, cho tiền bạc đồ hiệu...
Sau lần làm phục vụ bưng bê nước là rất nhiều lần Mai đi làm công nhân hợp đồng, làm thợ nề dãi nắng đội mưa. Mai không bao giờ ngại khó ngại khổ. Vất vả tới mấy vẫn đứng vững, vẫn cười thật tươi và làm thật tốt công việc của mình.
Mai kể như vậy để muốn chia sẻ rằng, mình có thể nghèo nhưng không hèn. Mai nhớ lúc đó có rất nhiều người theo đuổi, dụ dỗ, muốn dâng tặng xe xịn, nhà cửa, tiền bạc, quần áo đồ hiệu cho Mai. Nhưng dù Mai rất nghèo nhưng Mai không cần, đừng hòng có ai đụng được tới người Mai. Bởi vậy, Mai mới được như bây giờ.
Nhìn lại mọi thứ đã qua, Mai nghĩ, mình có thể nghèo nhưng không được hèn. Mình phải biết trân trọng chính bản thân mình, lạc quan bởi cuộc sống này, chẳng ai đứng mãi một chỗ, chẳng ai nghèo mãi mãi cả.
Mai tin rằng, chính cách nghĩ đó đã tạo lập nên tính cách, tương lai và cả một cuộc đời Mai như bây giờ".